Vlogger 1 tay Chihiro Yamada (sinh năm 1991) được nhiều người yêu mến, ngưỡng mộ khi luôn truyền năng lượng tích cực qua các clip nấu ăn, chia sẻ về cuộc sống thường ngày.
Mất cánh tay phải và đôi chân sau tai nạn cách đây 8 năm, nhưng Yamada không hề bối rối khi tự nấu ăn, mặc quần áo hay tập thể thao.
Từng là chàng thanh niên nhiệt huyết, có tương lai rộng mở, biến cố xảy đến đã khiến cuộc đời Yamada thay đổi, song anh chưa từng bỏ cuộc. Câu chuyện truyền cảm hứng được chia sẻ trên mạng khiến nhiều người khâm phục tinh thần mạnh mẽ của anh.
Chỉ còn 1 cánh tay, Yamada vẫn tự mình nấu ăn thành thạo. Ảnh cắt từ clip. |
Vụ tai nạn khi ngủ quên ở ga tàu
Năm 20 tuổi, Yamada quyết định nghỉ học, đảm nhận vị trí bán hàng cho công ty truyền hình cáp.
Sáng 24/7/2012, anh thấy hơi mệt mỏi trong người nhưng vẫn đi làm. Buổi tối tan làm, sau khi cùng ăn uống với các đồng nghiệp, anh cố gắng đón chuyến tàu cuối cùng để về nhà. Vì mệt mỏi, Yamada ngủ thiếp đi trên sân ga.
Đến khi tỉnh lại, Yamada đã thấy mình nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện. Anh gặp tai nạn nghiêm trọng vì rơi xuống đường ray trong lúc ngủ quên. Nghe mọi người kể lại, anh mới biết mình đã hôn mê suốt 10 ngày.
"Tôi dần dần tỉnh lại, nhưng không thể cảm nhận được tay phải và đôi chân. Ban đầu tôi nghĩ do mình đã ngủ quá lâu nên tay chân bị tê", Yamada kể. Cố gắng ngồi dậy nhưng không thể, anh choáng váng nhận ra mình đã mất đi một phần cơ thể.
"Ngày mai của mọi người sẽ lại diễn ra bình thường, thức dậy, rửa mặt đánh răng rồi đi làm. Nhưng tôi không thể hình dung ngày mai của mình lúc đó. Tôi như muốn chết đi".
Sau khi vượt qua cửa tử, Yamada cố gắng vực dậy tinh thần, mạnh mẽ tiếp tục cuộc sống. |
Mọi sinh hoạt của Yamada phải nhờ đến y tá, từ ngồi dậy, lên xe lăn, đi vệ sinh... Nằm trên giường bệnh, anh không muốn gặp hay nói chuyện với ai. Cha mẹ là những người duy nhất tới thăm sau giờ làm, điều đó càng khiến anh thấy buồn tủi.
"Tôi thấy mình là đứa con bất hiếu, đã cãi lời cha mẹ để bỏ học, đi làm nhưng rồi lại thành ra như thế khiến họ phải lo lắng cho mình. Nhiều lúc tỉnh dậy, thấy chỉ còn một cánh tay, tôi cảm thấy như cuộc sống mình đã kết thúc".
Nhưng sau một thời gian, khi đã dần hồi phục, Yamada thấy không thể để bản thân chìm đắm trong cảm giác u uất. Anh chàng mới hơn 20 tuổi bắt đầu sắp xếp lại suy nghĩ, coi cuộc đời mình là một phép màu. "Tôi gạt đi những thứ đã mất, trân trọng những gì mình có ở hiện tại".
Để độc lập hơn, anh tích cực hợp tác điều trị và chăm chỉ tập luyện phục hồi chức năng. Yamada học hỏi với tinh thần kiên trì, hết mình. Phải mất một năm để học hết khóa đào tạo chuyên nghiệp về chân tay giả, anh đã có thể sử dụng chúng thành thạo trong nửa năm.
Yamada tìm được công việc văn phòng tại Japan Airlines và bắt đầu cuộc sống mới. Mỗi ngày, anh khoác lên mình chiếc áo sơ mi và bộ vest như những nhân viên cổ cồn trắng bình thường.
Có vẻ điều đó không có gì đặc biệt, nhưng đối với Yamada, người chỉ có thể sử dụng một tay, toàn bộ quá trình thực sự khá rườm rà và phức tạp. Anh đi giày cho đôi chân giả, rồi đeo cánh tay phải giả vào. Anh chàng còn hướng dẫn mọi người cách thắt cà vạt bằng một tay.
Trở thành vlogger truyền cảm hứng
Để cha mẹ yên tâm, Yamada bắt đầu học nấu ăn, tự chăm sóc bản thân. Ban đầu, anh chỉ nấu một số món ăn đông lạnh, chụp ảnh cho phụ huynh xem để chứng minh mình đang sống một mình rất tốt.
Dần dần, anh học được nhiều món, thành thạo việc bếp núc. Những món ăn anh nấu ngon và đẹp mắt không kém gì đầu bếp chuyên nghiệp. Mỗi ngày, Yamada tự chuẩn bị hộp cơm cho mình.
Anh thực hiện các vlog để chia sẻ kinh nghiệm nấu nướng. Thông qua đó, Yamada muốn truyền niềm tin, sự lạc quan cho những người đang gặp khó khăn giống anh.
Yamada có thể tự nấu ăn, sinh hoạt, thường đi du lịch cùng bạn bè. |
Chấp nhận bản thân đã là người khuyết tật, Yamada càng cố gắng nhiều hơn để sống một cuộc đời tốt đẹp. Anh tập thể dục, đi xem các trận đấu thể thao, du lịch với bạn bè, đi ăn uống với đồng nghiệp, mời họ về nhà chơi. Mỗi trải nghiệm đều mang đến cho anh sự hạnh phúc.
Mạnh mẽ, độc lập, song Yamada cũng thoải mái trong việc thừa nhận những điều bản thân không thể làm bình thường như trước. Ví dụ khi làm một chiếc bút rơi xuống đất, anh vui vẻ nhờ đồng nghiệp nhặt giúp lên.
Sự thẳng thắn, tích cực của anh chàng 29 tuổi trong các vlog khiến nhiều người có cái nhìn khác về người khuyết tật.
Nam vlogger tin rằng không phải hoàn cảnh khiến người ta gục ngã mà chính suy nghĩ tiêu cực mới là thủ phạm chính. Anh thấy may mắn khi được gia đình, bạn bè ủng hộ để tìm ra được ánh sáng của cuộc đời mình.