Mơ ước được khám phá đất nước Việt Nam từ năm13 tuổi, nhưng hơn 20 năm sau, Kiyotaka Yamaoka mới hoàn thành được điều đó.
Kiyotaka Yamaoka. |
Năm 2010, Kiyotaka sang Việt Nam lần đầu tiên. Dường như dải đất hình chữ S có sức hút vô cùng đặc biệt với anh. Liên tiếp trong bốn năm sau đó anh đã thực hiện 11 chuyến tham quan đến đất nước này.
Kiyo tâm sự anh bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam từ nhỏ. Nhưng khi đến đây, anh vẫn bất ngờ vì đất nước này náo nhiệt và tràn đầy năng lượng sống hơn mình nghĩ. Chưa thỏa mãn với những trải nghiệm này, Kiyo quyết định trở lại để thực hiện chuyến đi khắp Việt Nam vào tháng 3/2013.
Để thực hiện chuyến đi này, điều đầu tiên Kiyo làm là học tiếng Việt và tìm mua một chiếc xe máy. Ngay sau khi đặt chân đến mũi Cà Mau, anh tâm sự, ngay cả Nhật Bản, anh mới đi một nửa miền Bắc.
"Tôi nghĩ mình không thể làm được điều này. Từ nhỏ, thời còn đi học tôi đã yêu Việt Nam qua thông tin về chiến tranh, nên rất mong muốn có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về con người và đất nước này", Kiyo chia sẻ.
Càng đi nhiều, Kiyo càng yêu Việt Nam. |
Là nhiếp ảnh gia, vì vậy những chuyến đi giúp anh ghi lại cảnh đẹp và con người trên khắp đất nước. Càng đi, Kiyo càng cảm thấy bị lôi cuốn và muốn tìm hiểu nhiều hơn về Việt Nam.
Vốn tiếng Việt ít ỏi mà anh học được trong thời gian sống tại TP.HCM và dọc đường rất hữu ích, nhưng đôi khi cũng không thể phát huy tác dụng vì mỗi vùng miền đều nói giọng khác nhau. Vậy là đi đến đâu Kiyo buộc phải phát âm theo cách của người địa phương đó mới có thể giao tiếp được.
"Có lần Kiyo đến một làng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, họ không biết nói tiếng Kinh, nên phải ra dấu bằng tay, giao tiếp khó khăn lắm", chàng trai Nhật nhớ lại.
Khi được hỏi về kinh nghiệm lái xe trong suốt gần một năm lang thang khắp Việt Nam, anh cười thật tươi và nói suýt chết mấy lần. Nếu ai hỏi tại sao nguy hiểm và cực khổ mà Kiyo vẫn quyết tâm thực hiện chuyến đi của minh, anh nói đùa: "Có lẽ tôi điên".
"Tôi muốn khám phá Việt Nam bằng xe máy, thay vì ô tô hay máy bay để có thể ngắm cảnh và trò chuyện với người dân ở những nơi tôi đến," Kiyo giải thích.
Là nhiếp ảnh gia, Kiyo chọn phương tiện xe máy để có thể thoải mái ngắm cảnh, trò chuyện với người dân trong suốt chuyến hành trình. |
Ban đầu, gia đình phản đối không cho Kiyo thực hiện chuyến đi vì rất nguy hiểm bởi anh không biết nhiều về văn hóa Việt Nam. Nhưng nhận thấy anh đi và làm nhiều việc có ý nghĩa, các thành viên trong gia đình bắt đầu ủng hộ. Trong thời gian này, em trai của Kiyo - người luôn động viên và ủng hộ anh - đột ngột qua đời. Nhưng nỗi đau ấy lại khiến anh thêm quyết tâm thực hiện cuộc hành trình.
Không kiếm ra tiền, nên suốt chuyến đi Kiyo đã tiêu hết số tiền dành dụm trong thời gian làm việc ở Nhật. Chàng trai này từng phải làm ba nghề để kiếm tiền, điển hình là kinh doanh cà phê.
Kiyotaka Yamaoka chụp tại cột mốc ở Đất mũi Cà Mau. |
Đối với Kiyo, điều đọng lại sau mỗi chuyến đi chính là sự thân thiện của người Việt. Đến đâu chỉ cần ra chợ hoặc ngồi ở quán cà phê, anh có thể tìm được người quen. Nhiều người rủ anh đi ăn, cho ngủ nhờ, thậm chí thuê anh làm bán thời gian.
Anh cho biết sẽ đưa sinh viên sang tìm hiểu Việt Nam đồng thời giới thiệu đất nước, con người nơi đây ở Nhật. Hơn hết, Kiyo Muốn gắn bó và dành quãng đời còn lại cho Việt Nam. Đối với anh, công việc còn ở đây rất nhiều.
Mới đây, trên trang mạng xã hội, Kiyotaka Yamaoka háo hức thông báo cho bạn bè ở Việt Nam biết rằng anh sẽ trở lại trong tháng 8.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của Kiyo trong chuyến đi này là lúc anh ở Quy Nhơn thì hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Khi đó, Kiyo liền phóng xe ra Quảng Bình, tới nhà lưu niệm ở quê hương của Đại tướng. Do bất đồng ngôn ngữ, lại đi có một mình, nên Kiyo bị ngăn lại. Nhưng trước sự chân thành của chàng thanh niên nước ngoài, lực lượng bảo vệ sau đó cũng đặc cách để Kiyo vào thắp hướng viếng Đại tướng.