Tại trường THPT Thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), Văn Ngọc Tuấn Kiệt là cái tên nổi bật, gắn liền với những thành tích học tập tốt.
Cậu là thành viên đội tuyển học sinh giỏi Toán, 9 năm liên tiếp dự thi Olympic tiếng Anh qua Internet và đều có giải cấp tỉnh, dự thi “Tự hào Việt Nam”, 2 lần tham gia cuộc thi “Chinh phục đỉnh cao” do trường tổ chức.
Gần đây nhất, Kiệt giành giải nhất cuộc thi quý của Đường lên đỉnh Olympia với số điểm 300, trở thành thí sinh thứ 3 có mặt tại trận chung kết năm thứ 20.
Không chủ quan
Từ 2015 đến nay, mỗi năm, trường THPT Thị xã Quảng Trị chỉ cử 1 đại diện duy nhất đi leo núi Olympia (năm 2016, 2019 không có đại diện nào). Học sinh được chọn phải trải qua 2-3 cuộc thi do trường tổ chức.
Dù ít thí sinh, nhưng trường có 1 nhà vô địch là Văn Viết Đức (năm 2015) và 1 á quân Lê Thanh Tân Nhật (năm 2018).
Ngoài ra, mảnh đất hiếu học Quảng Trị còn 1 nhà vô địch khác là Phan Đăng Nhật Minh (năm 2017).
Văn Ngọc Tuấn Kiệt là người thứ 4 mang cầu truyền hình Olympia về cho Quảng Trị. Ảnh: Fanpage Olympia. |
“Em cảm thấy vui mừng, tự hào khi mang cầu truyền hình về cho tỉnh Quảng Trị và trường. Có lẽ việc đến từ quê hương từng có 2 nhà vô địch, 1 á quân khiến các bạn có chút e dè với em. Thế nhưng, em luôn nhắc bản thân không được chủ quan, phải cố gắng hết sức”, Kiệt nói với Zing.
Nhớ lại cảm giác bất ngờ, xúc động khi biết tin mình lọt vào trận đấu quan trọng nhất, thậm chí không kìm được nước mắt khi đứng trên bục nhận giải, cậu khẳng định: “Phần thi hôm đó quá kịch tính. Bình thường em không ‘mít ướt’ như vậy đâu. Em mạnh mẽ lắm”.
Kiệt cho hay từ nhỏ, cậu đã yêu thích đón xem hành trình của các nhà leo núi do trưa chủ nhật nào ông và bố mẹ cũng mở tivi theo dõi.
Kể từ khi Quảng Trị có nhà vô địch đầu tiên là Văn Viết Đức, Kiệt, khi đó học cấp 2, đã nuôi ước mơ được thi Olympia.
“Đó là người em thần tượng nhất. Anh Đức cùng quê Hải Phú, Hải Lăng, học cùng trường cấp 2, 3 với em và rất giỏi”, Kiệt cho biết.
Cũng vì có nhiều điểm chung với quán quân Olympia 2015, chàng trai hy vọng mình cũng sẽ giành chức vô địch như đàn anh.
Tuấn Kiệt và 3 bạn chơi dành cho nhau cái ôm thật chặt sau những giây phút thi đấu căng thẳng ở trận thi quý. Ảnh: Fanpage Olympia. |
Chỉ tự tin 20% thắng ở trận chung kết
Tại Olympia, Văn Ngọc Tuấn Kiệt được khen sở hữu lượng kiến thức phong phú ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt mạnh về Toán học, Lịch sử. Thế mạnh của chàng trai là phần thi Khởi động và Về đích.
Hiện 2/3 đối thủ của Kiệt đã lộ diện là Vũ Quốc Anh (THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk) - người hiện có điểm số cao thứ 2 Olympia 2020 (385 điểm) và Nguyễn Thị Thu Hằng (THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) - cô gái đầu tiên vào chung kết Olympia sau 8 năm.
Nhận định về 2 bạn chơi, Kiệt bày tỏ: “Quốc Anh sở hữu vốn kiến thức Tự nhiên và Xã hội tốt, tự tin trên sân khấu và đặc biệt làm tốt ở phần thi Về đích. Còn Thu Hằng rất quyết đoán, tự tin trong từng câu trả lời. Bởi vậy, em khá e dè 2 bạn ấy”.
Kiệt nói cậu chỉ tự tin khoảng 20% về cơ hội chiến thắng ở trận chung kết và “80% còn lại để lo lắng về 3 đối thủ”. Chàng trai chỉ đặt mục tiêu đạt không dưới 200 điểm.
Tuấn Kiệt luôn khiêm tốn khi nói về bản thân. Cậu từng tự nhận mình “nhạt, hiền, lười, đẹp trai chỉ ở độ 5/10”. Ảnh: Hồ Lê Minh Quân. |
Tuấn Kiệt là vậy, luôn đánh giá cao đối thủ và khiêm tốn khi nói về bản thân. Ở cuộc thi tuần, 10X tự nhận bản thân “nhạt, hiền, lười, đẹp trai chỉ ở độ 5/10”. Bên cạnh đó, mục tiêu của cậu khi đi thi chỉ là “có điểm là được”.
Những ngày qua, Kiệt được nhiều người động viên cố gắng thể hiện hết mình để một lần nữa mang vinh quang về cho tỉnh Quảng Trị.
“Việc mọi người chờ đợi nhà vô địch Olympia thứ 3 của tỉnh Quảng Trị vừa là áp lực, cũng là động lực đối với em”, cậu bộc bạch.
Học chuyên Toán, đam mê Lịch sử
Sau những thành công tại Đường lên đỉnh Olympia, Văn Ngọc Tuấn Kiệt trở về là nam sinh hiền lành, luôn vui vẻ, hoạt bát, hòa đồng với các bạn trong lớp chuyên Toán 11A1, trường THPT Thị xã Quảng Trị.
Chàng trai ngày càng được nhiều người biết tới, gửi lời mời kết bạn trên mạng xã hội. Khi đi học hay ra ngoài đường, có nhiều người nhận ra cậu và hỏi thăm hơn.
11 năm đi học, Kiệt đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cậu học chuyên Toán nhưng ham mê Lịch sử. Năm lớp 10, nam sinh đạt 8,7 môn học này.
Kiệt chia sẻ: “Em học ban Tự nhiên nhưng thích nhất môn Sử. Với em, việc tìm hiểu về gốc tích lịch sử Việt Nam và thế giới luôn là điều rất thu hút”.
Tuấn Kiệt được nhận xét là nam sinh hiền lành, luôn vui vẻ, hoạt bát, hòa đồng với các bạn. Ảnh: Ruồi Giấm. |
Trong học tập, Kiệt tự nhận mình có chế độ học tập, nghỉ ngơi đều đặn để giúp quá trình tiếp thu kiến thức tốt hơn. Cụ thể, cậu thường đi học vào buổi sáng, chiều tự học môn Xã hội, tối học môn Tự nhiên. Buổi trưa, cậu sẽ dành thời gian nghỉ ngơi.
Để chuẩn bị kiến thức khi dự thi Olympia, ngoài ôn theo tài liệu, Kiệt còn tham gia 1 số cuộc thi online.
Sau thời gian học tập căng thẳng, Kiệt thường dành thời gian chơi thể thao. Cậu thích nhất là đá bóng, dù từng gãy tay khi chơi môn này.
Ngoài ra, Kiệt cũng thích tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa ở trường, trong đó có hoạt động nhảy múa.
Nam sinh gửi lời cảm ơn ban giám hiệu, thầy cô và bạn bè đã tạo điều kiện, giúp đỡ cậu suốt hành trình chinh phục đỉnh Olympia.
"Đó là ngọn núi mà em đã mong chinh phục từ rất lâu. Em sẽ quyết tâm hết sức, đặt mục tiêu mang về cho Quảng Trị thêm một quán quân".