Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai sang châu Phi lập nghiệp với 200 USD

Ngoại ngữ hay sự khác biệt giữa hai nền văn hóa hoặc những thiếu thốn đã không khiến chàng trai trẻ trưởng thành ở xứ người.

Chàng trai sang châu Phi lập nghiệp với 200 USD

Ngoại ngữ hay sự khác biệt giữa hai nền văn hóa hoặc những thiếu thốn đã không khiến chàng trai trẻ trưởng thành ở xứ người.

Tay trắng đến xứ người

Sinh năm 1988, Lương Huy Hoàng (sinh ra và lớn lên ở TP.HCM) đã một mình sang châu Phi lập nghiệp với 200 USD trong túi. 

Sau khi tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin, ĐH Hồng Bàng, cũng như những bạn bè đồng trang lứa, Hoàng bước chân vào guồng quay của những ngày tháng xin việc, phỏng vấn rồi thử việc. Đi làm được vài tháng, Hoàng vẫn loay hoay chưa tìm ra được cho mình được một lối đi rõ ràng, bất chợt một ý tưởng lóe lên trong đầu chàng trai trẻ: nếu đã bắt đầu từ con số 0 thì tại sao không bắt đầu ở vùng đất mới?

Ý tưởng đó thôi thúc Hoàng và rất nhanh sau đó, trở thành một sự quyết tâm cao độ. Hoàng bắt tay vào việc lo thủ tục để có thể sang châu Phi. Thử thách đầu tiên là thuyết phục làm sao để gia đình hiểu kế hoạch của Hoàng. May mắn cho Hoàng là bố mẹ cậu rất hiện đại và tâm lý, luôn tôn trọng ý kiến và sở thích riêng của con cái nên khi biết Hoàng có ý định sang châu Phi làm ăn, không có ai phản đối gay gắt.

Hoàng chia sẻ: "Người đầu tiên ủng hộ quyết định của Hoàng có lẽ là bố. Bố không những không phản đối còn hậu thuẫn rất nhiều. Còn mẹ thì thực sự không muốn mình đi vì sợ sẽ khổ, sẽ không chịu được khi phải sống một mình và nhớ nhà. Mẹ muốn mình làm việc ở quê hương hơn. Mình và bố đã phải thuyết phục mẹ rất nhiều mẹ mới đồng ý cho mình đi”.

Hoàng rất nhớ những cái Tết bên gia đình.

Ý tưởng lập nghiệp khi chưa có một chút kinh nghiệm nào đã rất mạo hiểm, với Hoàng thì sự mạo hiểm này tăng lên nhiều lần khi cậu quyết tâm thực hiện nó ở một đất nước xa lạ, cách quê hương nửa vòng trái đất. Nhớ lại khoảng thời gian đó, Hoàng cho biết: "Thực sự khi ra đi mình không suy nghĩ nhiều đến chuyện sẽ thành công hay không, chỉ đơn giản là mình muốn được đi đây đó, muốn lập nghiệp ở một nơi mới mẻ. Và ngay từ ban đầu mình đã nghĩ thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhất là với một người vừa khởi nghiệp như mình".

Nhưng nỗi lo sợ thất bại không thể khiến Hoàng nhụt chí, cậu tất bật cả năm để lo giấy tờ. Sau khi nhận được hộ chiếu, một tuần sau Hoàng đã có mặt ở châu Phi. Mọi chuyện cập rập đến nỗi Hoàng còn không thể nói lời chia tay bạn bè.

Cậu bạn còn nhớ rất rõ khoảng thời gian vừa đặt chân xuống xứ người: "Ở sân bay bố mình dúi cho mình đúng 200 USD và một ít tiền Việt còn sót lại, vừa sang đến nơi đã bị vặt sạch. May mắn mình gặp một người bạn Việt Nam cũng đang làm việc ở đây. Mình đã xin ở nhờ tại nhà người bạn đó, mình giúp đỡ bạn mình làm nhưng việc nhà như rửa chén bát, nấu nướng và học thêm tiếng Bồ. Trong thời gian đó mình cũng tham khảo thị trường cũng như những người Việt ở đây làm ăn ra sao, có khó khăn thuận lợi gì".

"Sang đây mình mới được biết về ngôn ngữ này nên việc học từ đầu rất khó khăn, tài liệu thì không có nhiều, mình học qua những người đi trước và tiếp xúc nhiều với dân bản xứ. Thời gian đầu mới sang khi nghe mọi người nói mà không hiểu gì mình nản lắm nhưng đó là động lực khiến mình chăm chỉ học hơn. Thuận lợi là cách phát âm của tiếng Bồ khá giống cách phát âm của tiếng Việt nên dễ “nuốt” hơn so với tiếng Anh nhiều vì thế việc đọc và viết phần nào cũng dễ dàng hơn! Khoảng thời gian học tiếng của mình mất khoảng 6 tháng", Hoàng nhớ lại.

Ông chủ của hai cửa hàng game

Sau hơn nửa năm, cậu bạn quyết định đi thuê cửa hàng và bắt tay vào làm cửa hàng cho riêng mình. Với đồng vốn ít ỏi vay mượn bạn bè ở Việt Nam và Angola, cùng với khoản hỗ trợ từ gia đình, Hoàng có trong tay một số vốn tầm 5.000 USD. Hoàng đã dùng số tiền đó để trang trải cho việc thuê cửa hàng, sắm bàn ghế máy móc.

Cửa hàng của Hoàng nằm trong một con làng đi sâu vào ngọn đồi thuộc huyện Lobito (Benguala, Angola). Dân cư ở đây tập trung khá đông và có đường nhựa chạy sâu vào trong làng. Hoàng cho biết, cửa hàng của cậu tập trung vào game nên mặt bằng không rộng lắm, tổng thể cửa hàng khoảng 50m2, khu vực 30m2 để làm việc được ngăn riêng biệt, phòng ngủ và bếp gói gọn trong 20m2.

Thời gian đầu Hoàng phải ăn đồ ăn nhanh ở bên ngoài vì chưa mua được đồ để tự nấu ăn. Hơn 1 năm 2 tháng vừa làm vừa tích lũy, Hoàng đã có thể mua sắm mọi thứ trong nhà như máy tính, bếp núc, tủ quần áo. Hoàng vui vẻ cho biết bây giờ ngôi nhà của cậu gần như đầy đủ thiết bị cần thiết.

Ông chủ 8X tại Angola.

Nói về cửa hàng game của mình, Hoàng chia sẻ: "Thật sự thì làm kinh doanh trên lĩnh vực nào thì cũng có khách ruột. Hoàng cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Hầu hết đối tượng khách hàng của mình là trẻ con, học sinh cấp 1 và cấp 2 là chủ yếu, cũng giống trẻ con ở Việt Nam mình, cũng mê game lắm. Rồi có cảnh bị bố mẹ xách tai về vì mải chơi hay trộm tiền đi đánh game, hay là trốn học và mình thấy tuổi thơ của mình ở trong đó".

Hoàng cho biết: "Vì Angola có phong tục tập quán có rất nhiều khác biệt, ví dụ dân ở đây một chồng có thể rất nhiều bà vợ, có khi đến 20-30 đứa con là bình thường. Có lẽ vì thế mà trẻ con ở đây dễ chiều hơn, khách chơi game của Hoàng rất dễ tính. Những ngày trời nóng 38-40 độ C ngồi dưới mái tôn dù đã gắn nhiều quạt mà vẫn không xua được cái nóng oi bức của ngày hè. Rồi ngày mưa cũng không kém, có hôm mưa lớn nước ngập lênh láng, mình phải nhờ bọn trẻ tát nước lau nhà mới cho chơi game, thế là bọn trẻ cứ thế làm. Nghĩa là trong mọi điều kiện, chúng vẫn không nề hà gì mà cứ dán mắt vào tivi để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Nếu ở Việt Nam chắc là khách hàng chạy hết rồi".

Hiện tại, Hoàng có 16 máy ở hai cửa hàng. Mỗi giờ chơi, khách hàng phải trả khoảng 40.000 đồng. Theo Hoàng, giá đó là bình thường bởi mệnh giá tiền bên này cao hơn ở Việt Nam. Trừ hết các khoản chi phí, Hoàng thu về  khoảng 1.500 USD mỗi tháng (tương đương 30 triệu VNĐ), khoản tiền nghe có vẻ lớn nhưng so với mệnh giá tiền ở Angola thì đó là một con số bình thường.

Hoàng tâm sự, tiền kiếm được hàng tháng đủ cho cậu có cuộc sống thoải mái và tiết kiệm để đầu tư thêm nhiều dịch vụ khác. Sắp tới cậu sẽ đầu tư vào dịch vụ sửa chữa máy tính, mảng có nhiều tiềm năng phát triển ở đây. Hoàng nói: "Bây giờ thì mọi người có cách nhìn nhận khác về mình, thời gian mình sống bên này mọi người đã nhìn thấy nhiều mặt tích cực nên hầu như mọi người thân đều ủng hộ và động viên rất nhiều. Mình vui vì điều đó”.

Nói về dự định tương lai, Hoàng cho biết: "Mình chưa có suy nghĩ là sẽ định cư ở Angola. Mình muốn được đi đây đó và khi công việc ở đây ổn định, có thể mình sẽ đi tìm kiếm những vùng đất mới nhưng bến đỗ cuối cùng của mình sẽ vẫn là Việt Nam, mình chỉ thích sống ở quê hương thôi". Hoàng cũng cho biết thêm, Tết năm nay nữa là cái Tết thứ 2 Hoàng ăn Tết xa nhà. Cảm giác tất nhiên là buồn nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhưng đó là cái Tết đầu xa gia đình, còn bây giờ Hoàng cũng dần quen với cuộc sống ở đây nên cũng đỡ nhiều.

Theo Người Đưa Tin

 

Theo Người Đưa Tin

Bạn có thể quan tâm