“Điều em rất muốn làm mà chưa thể làm được, đó là nói lời cảm ơn đến bố. Gia đình xảy ra chút chuyện từ ngày em còn nhỏ, hai bố con không gần gũi với nhau. Em biết bố rất tốt với em, em cảm nhận được điều đó.
Nhưng những khúc mắc trong lòng và cái tôi quá lớn khiến em vẫn chưa thể nói lời cảm ơn”.
Đó là nội dung của một trong số 60 podcast mà Dũng đã thực hiện 2 tháng qua. Từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Dũng đã lên ý tưởng và hoàn thành podcast 30 giây về các chủ đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người trẻ trong đại dịch.
Trong 60 số podcast, có 30 nam, 30 nữ tới từ 33/63 tỉnh thành thuộc tất cả các vùng miền trên cả nước tham gia. |
1.800 giây lên sóng
Trở về Việt Nam sau những năm vi vu trời Âu, Phan Quốc Dũng (sinh năm 1995) hoạt động như một blogger chia sẻ về các vấn đề liên quan đến du học và du lịch.
Khi làm việc ở nhà vì dịch Covid-19, Dũng nhận thấy mọi người thường nhắn tin với nhau hơn gọi điện nói chuyện. Thời gian này, nhiều người cũng rơi vào tâm trạng lo âu, căng thẳng vì không được giải tỏa, bày tỏ những suy nghĩ trong lòng.
Bên cạnh đó, Dũng cho rằng giọng nói là một trong những công cụ quan trọng để biểu đạt tâm tư, cảm xúc. Vì thế, Dũng đã lên ý tưởng thực hiện một loạt podcast với những khách mời ban đầu là người quen, bạn bè chia sẻ về những câu chuyện thường nhật, những quan điểm sống hay bất cứ điều gì họ muốn nói.
Podcast không quá mới mẻ ở Việt Nam, song thường có thời lượng khá dài, lên đến cả tiếng đồng hồ. Vì vậy, Dũng muốn sản phẩm của mình sẽ là một điều gì đó đặc biệt hơn. Sau nhiều lần đắn đo, Dũng đã chọn 30 giây cho mỗi podcast.
“Mình tin rằng với 30 giây, người nói hoàn toàn có thể chia sẻ cũng như truyền tải những thông điệp một cách ngắn gọn và súc tích nhất. Các khách mời khá hào hứng với yêu cầu đặc biệt này của chương trình và đều nhận lời tham gia”, Dũng cho biết.
Dũng thường trao đổi trước với khách mời về format và yêu cầu của podcast trước khi tiến hành ghi âm. |
Để chương trình không nhàm chán, ngay từ đầu Dũng đã có những tiêu chí nhất định: Khách mời đa dạng giới tính, vùng miền để các giọng nói sẽ xen kẽ trong các số phát sóng, độ tuổi từ 20-30 để chương trình sẽ đúng nghĩa là “kết nối giới trẻ Việt”.
Sau khi liên hệ khách mời, Dũng dựa trên những đánh giá và quan sát để đưa ra câu hỏi phù hợp với từng người. Nhận được file thô, Dũng sẽ tiến hành thiết kế hình ảnh, chọn nhạc nền và xử lý âm thanh.
“Do không phải người làm chuyên nghiệp nên mình chỉ tận dụng những công cụ và phần mềm đơn giản nhất. Cũng may là chưa bị ai chê cả”, Dũng cười nói.
Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, nhờ thêm một vài người nghe thử, Dũng mới đăng bài: “Mình chọn 21h mỗi ngày để đăng vì đây là lúc mọi người gần như hoàn tất công việc trong ngày, có thời gian thư thái để lắng nghe hơn”.
“Podcast đầu tiên ngày 25/7, mình hồi hộp lắm, cứ một lát lại mở xem lượt view, bình luận", Dũng nhớ lại.
Với mỗi khách mời, Dũng thường quan sát và tìm hiểu tính cách để có thiết kế hình ảnh và âm thanh phù hợp nhất. |
Lần đầu thử sức với podcast, Dũng dự định chỉ làm 30 số vì sợ mình sẽ không thể đảm bảo chất lượng nếu khách mời quá lớn. Tuy nhiên sau những số đầu tiên, Dũng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người nghe. Điều này làm Dũng bắt tay vào việc bổ sung và nâng tổng số câu hỏi và khách mời lên gấp đôi.
“Số lượng khách mời lớn nên câu hỏi cần đa dạng hơn, các thiết kế hình ảnh và nhạc nền cũng sẽ phải chọn lựa kỹ hơn để phù hợp với từng câu chuyện, sắc màu của các khách mời. Thật may vì mọi người vẫn luôn đón nghe và đồng hành cùng mình trong suốt 2 tháng chương trình lên sóng”, Dũng nói.
“Người trẻ tích cực, lạc quan trong dịch”
Trong quá trình tiếp xúc với 60 khách mời đến từ khắp mọi miền trên cả nước, đa phần là người trẻ, có nhiều người ở ngay trong tâm dịch, Dũng nhận thấy mọi người có cách nhìn tích cực dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các bạn trẻ hướng đến cuộc sống kết nối với bản thân nhiều hơn trong những ngày giãn cách.
Khách mời trong số phát sóng đầu tiên đã chia sẻ rằng: "Đây là khoảng thời gian quý báu để mỗi cá nhân lắng nghe cơ thể mình, điều mà trước đó nhiều người đã bỏ qua do bộn bề công việc và quá tập trung cho các yếu tố bên ngoài. Hãy dành thời gian này để tạo thói quen chăm sóc sức khỏe bản thân, bắt đầu từ chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên".
Theo Dũng, mỗi khách mời đều có phản ứng khác nhau trước các câu hỏi nhưng tất cả đều hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. |
Dũng cho biết đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ cảm nhận được những tình cảm đơn sơ, gần gũi mà bình thường không nhận ra, đó có thể là lời hỏi thăm của hàng xóm, là những bữa cơm đầy đủ thành viên trong gia đình,…
“Có bạn chia sẻ rằng lâu rồi mới có thời gian đọc và làm cả thơ nữa, điều mà trước giờ bạn ấy muốn nhưng chưa thể thực hiện vì cuộc sống khá bận rộn, chưa có thời gian làm những điều mình thích.
Cũng có bạn nói rằng thời gian này ở nhà nhiều hơn, ở gần người thân hơn nên nhận ra từ trước đến giờ mình đang còn thiếu sót gì đó với bố mẹ mình”, Dũng cho hay.
Không chỉ nhận những lời chia sẻ từ các khách mời mà Dũng còn đọc được những dòng tâm sự của người nghe sau mỗi số lên sóng.
Nhiều bạn bày tỏ sự nuối tiếc khi không thể nói lời cảm ơn đến bố vì bố đã đi xa, có bạn bỗng nhận ra lâu nay mình sống hời hợt với mọi người, có bạn lại tìm ra cách để khiến bản thân trở nên tốt đẹp hơn.
"Dù là gì đi nữa thì mình rất vui vì phần nào giúp được các bạn có một nơi để bày tỏ, chia sẻ cảm xúc trong những những ngày này", Dũng cho biết.
Trong thời gian tới, khi thành phố nới lỏng giãn cách, Dũng dự định thực hiện thêm nhiều podcast để mang đến các câu chuyện tích cực, là nơi để các bạn trẻ có thể gửi gắm những cảm xúc của mình.