Sinh ra trong gia đình thuần nông tại vùng quê Chương Mỹ, mới 2 tuổi, cậu bé Phùng Văn Trường đã bắt đầu có triệu chứng teo cơ. Căn bệnh ngày càng nặng khiến cho mọi sinh hoạt của cậu trở nên khó khăn và gần như phải phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ.
Nét chữ đẹp từ những đôi môi rướm máu
Tật nguyền cả tay và chân, không thể phát triển bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa, tuy vậy, Trường lại rất hiếu học. Ban đầu, con đường tới trường của cậu gắn liền với tấm lưng của cha mẹ và bạn bè. Sau này lớn hơn, Trường cố gắng tự mình chống nạng đến lớp.
Trong suốt 8 năm tiểu học và trung học cơ sở, cậu đều đạt học sinh giỏi. Dù rất kiên cường, hết lớp 8, cậu bé buộc phải nghỉ học khi sức khỏe không còn cho phép nữa.
Xa trường lớp bạn bè, Trường vẫn cố gắng làm việc phụ giúp bố mẹ, nhưng nỗi nhớ sách vở, bút nghiên vẫn day dứt khôn nguôi. Trường muốn được viết, nhưng ngặt nỗi đôi tay đã không còn như xưa. Không đầu hàng số phận, cậu bé tìm mọi cách để có thể viết lại.
Thầy giáo Phùng Văn Trường khổ luyện viết chữ bằng miệng là tấm gương cho nhiều học sinh ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: An Ninh Thủ Đô. |
Tình cờ xem tivi thấy có một nhân vật không thể viết được bằng tay mà phải ngậm bút vào miệng, Trường quyết tâm học theo, bởi cậu nghĩ người ta làm được thì không có lý do gì mình không làm được.
Lấy Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký là người truyền cảm hứng, chú bé bắt đầu tập viết chữ. Trường nhớ lại khi mới bắt đầu, anh sử dụng một cây bút chì dài khoảng 10 cm ngậm vào mồm, dùng răng cắn chặt để “vẽ” từng nét một.
Nhưng mọi thứ không hề đơn giản, nhiều lúc miệng anh cảm thấy mỏi rã rời, thậm chí chảy cả máu vì phải cắn bút thật chặt trong thời gian quá lâu. Sau nhiều lần cố gắng, anh tìm được cách ngậm bút nghiêng để đỡ có cảm giác buồn nôn.
“Tôi lấy răng hàm làm điểm tỳ để giữ bút cố định. Răng cửa như những ngón tay kẹp chặt cán bút và dùng cổ để đưa các nét. Nói ra thì đơn giản vậy, nhưng phải mất cả tháng trời tôi mới viết được những chữ đầu tiên tạm gọi là… dễ nhìn” - anh Trường nói.
Chưa dừng lại ở việc viết được chữ, Trường muốn mình phải viết thật đẹp vì như thế sau này sẽ dạy lại được cho các em học sinh. Anh chia sẻ muốn dạy được người khác viết thì chữ của mình phải đẹp hơn họ, lúc ấy người học mới phục và nghe theo. Quả thật, bây giờ nhìn những nét chữ bay bổng tinh tế của anh, không ai nghĩ những dòng chữ ấy lại được viết bằng miệng.
Cứ cuối tuần, em Hoàng Bảo Yến (học sinh lớp 2, trường Tiểu học Nam Phương Tiến) lại đến nhà thầy Trường để học.
Yến bảo: “Con phục thầy Trường lắm. Con học ở đây hơn 2 năm rồi, thầy dạy con viết chữ đẹp và làm toán nhanh. Nhờ thế con học tốt hơn và tự tin khi đến trường”.
Suốt 10 năm dạy viết chữ đẹp và toán miễn phí cho học trò nghèo, lớp học này được người dân đặt cho một cái tên giản dị là “lớp thầy Trường”. Chàng trai không khuất phục nghịch cảnh ấy được cả làng đều truyền nhau như một bài học về nghị lực và theo đuổi ước mơ.
Không chỉ dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo, thầy Trường cùng một số người đã vận động được hơn 3.000 đầu sách từ sách giáo khoa đến sách khoa học, kỹ năng sống, truyện tranh... và mở thư viện Hallo World (Xin chào thế giới) miễn phí cho các em.
Học sinh nghèo sẽ được thầy tặng sách giáo khoa. Em nào muốn mượn về nhà xem chỉ cần ghi lại số điện thoại. “Nhà tôi như là nhà cộng đồng. Nhìn các em vui vẻ bên những cuốn sách, tôi thấy hạnh phúc và cảm nhận cuộc đời mình ý nghĩa hơn” - thầy Trường nói.
Nét chữ của thầy Trường. Ảnh: An Ninh Thủ Đô. |
Đám cưới đơn sơ mà ấm áp
Nhà của thầy Phùng Văn Trường thường xuyên có những nụ cười tươi rói, những tiếng trẻ râm ran trao đổi bài. Cảm phục nghị lực của chàng trai tật nguyền, vượt qua cả sự can ngăn của gia đình, chị Ngô Thị Hường - một cô gái trẻ cùng quê đã tìm đến và quyết định gắn bó với anh.
“Dù biết ở bên anh vất vả trăm bề, dù có lúc bực tức vì con quấy, tôi vẫn không nuối tiếc về quyết định của mình” - chị Hường hạnh phúc nói.
Khi quyết định kết hôn, hai vợ chồng anh Trường đều khó khăn, vất vả. Thời gian chuẩn bị cho đám cưới chỉ vỏn vẹn có 6 ngày, vì thế, họ không có cơ hội trao nhẫn cưới, vợ anh Trường cũng chẳng được mặc một chiếc váy cô dâu trắng muốt như bao người khác.
Cả hai chỉ có được vài kiểu ảnh chụp chung, nhưng đám cưới đơn sơ ấy vẫn thấm đẫm tình yêu thương. Và kết tinh của tình yêu cổ tích ấy là bé Phùng Thiên Trường Quảng ra đời giúp gắn chặt hơn tình nghĩa vợ chồng của họ.
“Con trai là đôi chân, cánh tay và tương lai của tôi” - anh Trường nói trong xúc động.
Bây giờ thì căn nhà nhỏ hạnh phúc của thầy Trường ở thôn Nhân Lý chẳng lúc nào vắng khách. Lúc thì vài em nhỏ sang hỏi bài, lúc thì dăm cậu thanh niên sang mượn sách... Với anh, hạnh phúc đủ đầy chỉ đơn giản là mình đã sống có ích. Thông điệp giản đơn ấy làm bất cứ ai gặp anh cũng phải cảm phục.