Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai Việt được Facebook trao 6.000 USD vì tìm ra lỗ hổng lớn

Phạm Văn Khánh gây chú ý khi là người Việt đầu tiên tìm ra lỗ hổng lớn trên Facebook và được mạng xã hội này vinh danh, trao thưởng 6.000 USD.

Phạm Văn Khánh (25 tuổi, sống tại Hà Nội) hiện là người Việt Nam đầu tiên được Facebook ghi nhận phát hiện lỗ hổng hệ thống của mạng xã hội lớn nhất toàn cầu. Đồng thời, anh còn được Facebook công nhận và trao thưởng 6.000 USD.

Ít ai biết, Văn Khánh từng là chàng "thủ khoa nông dân" đầu vào của ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2010 với số điểm 29,5.

Đam mê tìm lỗ hổng

- Cảm nhận của Khánh khi là người Việt Nam đầu tiên tìm ra lỗ hổng của Facebook?

- Mình thấy rất vui. Đêm nhận được trả lời từ Facebook, mình không ngủ được. Đó là điều mình mong chờ từ lâu.

chang trai tim ra lo hong Facebook anh 1
Phạm Văn Khánh - chàng trai Việt đầu tiên tìm ra lỗ hổng trên Faceboook. Ảnh: NVCC.

- Khánh nghĩ sao về phần thưởng 6.000 USD? Bạn có cho rằng đó là thành công ít người làm được?

- Đối với mình, đó là một số tiền lớn, mang lại những giá trị nhất định. Thành công ban đầu giúp mình thấy có niềm tin và động lực hơn trong công việc đang theo đuổi.

Nhìn rộng ra, kết quả đó rất nhỏ bé, Việt Nam còn nhiều người xuất sắc trong ngành An toàn thông tin. Mình cần hoàn thiện bản thân hơn nữa.

- Lý do bạn tìm kiếm lỗ hổng trên trang mạng xã hội nổi tiếng như Facebook? 

- Facebook có chương trình "bug bounty", số tiền trả cho mỗi lỗ hổng tương đối lớn.

Hơn nữa, việc đi tìm lỗ hổng là công việc yêu thích của mình. Nó giúp mình nâng cao trình độ, học tập nhiều kiến thức mới, đem lại những thử thách nhất định. Nếu may mắn thành công, mình sẽ có thêm thu nhập, nâng cao lý lịch trong cộng đồng an ninh mạng.

- Đến nay, bạn hài lòng nhất ở bản thân điều gì?

- Mình đã có một công việc yêu thích, phù hợp với tính cách cũng như sở trường. Công việc có nhiều thử thách, giúp mình phấn đấu, thể hiện hết năng lực.

Với mình, đây là nghề thú vị, luôn đổi mới buộc bản thân phải không ngừng học tập, tích lũy mỗi ngày.

chang trai tim ra lo hong Facebook anh 2
Thư Facebook gửi cho Khánh và thông báo về số tiền thưởng 9X nhận được. Ảnh: NVCC.

- Để đạt được một số thành tựu, bạn đã phải đánh đổi và hy sinh điều gì?

- Đôi khi, mình dành quá nhiều sự quan tâm, thời gian cho công việc.

Một điểm nữa, do đặc thù nghề nghiệp, mình tìm lỗi rồi báo cáo cho các đội phát triển. Họ lại phải tốn thêm nhiều thời gian và công sức để sửa chữa nên chắc không vui lắm đâu (cười).

Đi lên từ hoàn cảnh khó khăn 

- Khánh từng được biết đến là chàng thủ khoa "nông dân". Hoàn cảnh gia đình tác động thế nào tới bạn trong cuộc sống và công việc?

- Hoàn cảnh vất vả tạo động lực, giúp mình vươn lên, tránh khỏi cám dỗ trong cuộc sống. Lúc khó khăn, mình luôn ý thức được cần cố gắng, học tập, làm việc nhiều hơn. Sau này khi nhớ về giai đoạn đó, mình sẽ biết trân trọng hơn những gì mình đang có.

Clip Phạm Khánh chia sẻ bí quyết học tập Từ một chàng thủ khoa nhà nghèo, bố mẹ chân lấm tay bùn chàng trai Phạm Văn Khánh đạt những thành công trong lĩnh vực an toàn thông tin, được nhiều người khen ngợi.

- Là thủ khoa khối A với 29,5 điểm, Khánh có điểm yếu về môn học nào không? Bạn khắc phục nó ra sao?

- Thời cấp 3, mình học thiên về khối A, chủ yếu là môn Toán. Đó là môn học mình yêu thích nhất. Những môn xã hội như Ngữ văn, Địa lý... hay khi lên đại học, môn Triết học mình học không khá lắm.

Điều này do đặc thù, dân kỹ thuật tư duy thường logic, khô cứng. Mình chưa biết khắc phục sao vì một phần cũng do tính cách cá nhân. Tương lai, mình muốn dành nhiều thời gian để đọc một số tiểu thuyết văn học, truyện.

- Mọi người thường nói làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin lương khá cao. Điều này có đúng với bạn?

- Câu này mình xin phép không trả lời. Lý do vì mức lương bây giờ cũng biến động nên mình không đưa ra được con số cụ thể.

- Theo bạn, công nghệ thông tin có phải đang là nghề "hot" kiếm ra tiền?

- Mình học công nghệ thông tin nên quen nhiều bạn bè trong nghề. Theo đánh giá chủ quan của mình, mức lương ngành này cao hơn mặt bằng chung. Sinh viên ra trường dễ tìm việc, các công ty tuyển dụng khá nhiều. Mình biết có không ít công ty săn đón sinh viên từ lúc còn chưa tốt nghiệp.

chang trai tim ra lo hong Facebook anh 3
Phạm Văn Khánh được công ty trao thưởng 100.000 triệu đồng vì phát hiện lỗ hổng lớn của Facebook. Ảnh: NVCC.

- Sinh viên công nghệ thông tin mới ra trường có khả năng kiếm được 2.000 USD/tháng?

- Đây là mức khá cao, các công ty thường sẽ đòi hỏi kinh nghiệm nhiều năm hoặc vị trí quản lý.

Cơ hội để có thu nhập 2.000 USD cho sinh viên mới ra trường rất hiếm. Song một số bạn xuất sắc từ lúc đang đi học, chuẩn bị hành trang tốt cho mình vẫn có thể đạt được.

- Sinh viên công nghệ thông tin cần học tập thế nào để có công việc lương cao?

- Đối với lĩnh vực an toàn thông tin, các bạn nên học tốt các môn căn bản trong năm thứ 2 và thứ 3 đại học, tham gia thường xuyên các cuộc thi CTF (Capture the flag) để nâng cao kiến thức và kỹ năng.

Các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội thực tập ở một đơn vị làm an toàn thông tin phù hợp để có định hướng rõ ràng. Nếu chuẩn bị kiến thức tốt, làm việc đạt hiệu quả, khi đó bạn sẽ nhận được một mức lương cao.

- Dự định và kế hoạch trong tương lai của bạn?

- Kế hoạch của mình khá đơn giản. Mình tiếp tục làm việc tại công ty, học thêm những mảng kiến thức trong ngành.

Bên cạnh đó, mình sẽ nghiên cứu một thứ gì đó chuyên sâu và theo đuổi việc tìm lỗ hổng ứng dụng. Mình cũng muốn chơi một môn thể thao thường xuyên và đều đặn để rèn luyện sức khỏe.

chang trai tim ra lo hong Facebook anh 4
9X được nhiều bạn bè hâm mộ khi là thủ khoa "nông dân" có nhiều thành công trong lĩnh vực an toàn thông tin.
chang trai tim ra lo hong Facebook anh 5
Tên của chàng trai Việt được Facebook vinh danh trên fanpage.

Nam sinh có 'cái đầu lạnh' nhất cuộc thi tuần Olympia

Trong cuộc thi mà sự kịch tính, căng thẳng đến tận phút cuối, nam sinh Vũ Đức Phước đã chiến thắng nhờ cách chơi phù hợp, bản lĩnh và vốn hiểu biết phong phú.

Kiều Trang

Clip: NVCC

Bạn có thể quan tâm