Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai Việt và hành trình đến ĐH Stanford

"Để được các trường ĐH nổi tiếng chấp nhận nhập, tôi nghĩ ứng viên không chỉ cần chuẩn bị tốt về ngoại ngữ mà còn rất cần một thế mạnh thật sự là mũi nhọn", Hiếu chia sẻ.

Chàng trai Việt và hành trình đến ĐH Stanford

"Để được các trường ĐH nổi tiếng chấp nhận nhập, tôi nghĩ ứng viên không chỉ cần chuẩn bị tốt về ngoại ngữ mà còn rất cần một thế mạnh thật sự là mũi nhọn", Hiếu chia sẻ.

Trong cộng đồng học sinh giỏi toán, Phạm Hy Hiếu là cái tên không xa lạ bởi sở hữu nhiều thành tích từ các kỳ thi toán quốc tế, trong đó có chiếc huy chương bạc Olympic Toán học (IMO) lần 50 năm 2009.

Ở tuổi 21, Hy Hiếu đang miệt mài, say mê với một hành trình mới tại đất Mỹ mang tên đại học Stanford.

Năm 2011, từ chối học bổng của một trường đại học nổi tiếng tại Singapore, Phạm Hy Hiếu dự tuyển vào các trường đại học ở Mỹ và được 5 trường đại học nổi tiếng chấp nhận nhận học. Hiếu quyết định chọn ngành khoa học máy tính của ĐH Stanford (bang California, Mỹ). Lên đường vào giữa tháng 9/2011 thì đến cuối tháng 9/2011, Hy Hiếu đã nhận được thông tin sẽ được trường ĐH Stanford trao học bổng toàn phần cho cả 4 năm học tại đây.

Giai đoạn đầu du học, Hy Hiếu đã băn khoăn giữa việc chọn học sâu về toán hay tin học. "Tôi rất vui khi đến thời điểm này tôi xác định được mình yêu thích tin học hơn toán".

Môi trường học tập mới, môi trường sống mới mang lại cho Hy Hiếu nhiều trải nghiệm thú vị: "Cuộc sống xa nhà giúp tôi tự lập hơn, biết xử lý những sự cố. Tôi cũng rất thích thú khi có dịp học cùng các giáo sư giỏi, các sinh viên ưu tú. Theo tôi, các yếu tố quan trọng để sống tốt và học tập tốt ở xứ người là phải chịu khó quan sát, lắng nghe, bắt chước và phải có kế hoạch, mục tiêu cụ thể cho bản thân".

"Hầu như ngày nào gia đình cũng gặp Hiếu qua mạng trong một tiếng để biết tình hình cuộc sống, học tập của Hiếu, từ đó kịp thời động viên, chia sẻ cũng như định hướng cho con", cô Trần Thị Thanh Nga, mẹ của Phạm Hy Hiếu chia sẻ.

Xác định mục tiêu quan trọng nhất là học tập, Hy Hiếu dành phần lớn thời gian cho giảng đường và tự học, tự nghiên cứu. Từ tháng 6 đến tháng 8/2012, Hiếu dự tuyển thành công vào nhóm nghiên cứu do trường Stanford tổ chức với nhiệm vụ chứng minh một định lý toán. Đó cũng là lựa chọn cho kỳ nghỉ hè của cậu. Sau năm học kỳ, điểm trung bình chung của Hiếu đạt 3.82/4, điểm trung bình chuyên ngành đạt 4.15/4.

Tinh thần của một thí sinh từng dự thi các kỳ thi quốc tế đã thôi thúc Hy Hiếu phấn đấu và trở thành một trong những đại diện của ĐH Stanford tham dự kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC vào tháng 11/2012 và cùng đồng đội đoạt giải nhì khu vực Bắc Thái Bình Dương. "Tôi cảm thấy tiếc khi đội mình không thể dự vòng thi ACM/ICPC toàn cầu. Tôi dự định tháng 9 năm nay sẽ tiếp tục tham dự cuộc thi này".

Xác định rõ những giá trị quan trọng mà một kỳ thực tập có thể mang lại cho du học sinh, từ đầu năm 2 học đại học, Hy Hiếu nhẫn nại nộp hồ sơ xin thực tập tại các công ty danh tiếng ở Mỹ. Đến khi bộ hồ sơ thứ 7 được gửi đến công ty VMware - một công ty về phần mềm, thuộc nhóm công ty trả lương thực tập cao nhất - thì những tín hiệu vui xuất hiện. Vượt qua vòng hồ sơ, sau đó là 3 vòng phỏng vấn, Hy Hiếu được nhận thực tập 3 tháng với mức lương hàng nghìn USD cho mỗi tháng. Kỳ thực tập ấy sẽ bắt đầu vào tháng 6/2013.

"Bật mí" bí quyết để thành công khi dự tuyển thực tập sinh, Hiếu chia sẻ: "Đó là hành trình đòi hỏi bạn phải bền bỉ, chuẩn bị hồ sơ kỹ, có những kinh nghiệm nhất định và phải có kỹ năng giao tiếp tốt để vượt qua những vòng phỏng vấn".

Giấc mơ học lên tiến sĩ tại Mỹ, mở một công ty về máy tính tại Mỹ... đang được Hy Hiếu xây đắp từng ngày bằng thái độ học tập, nghiên cứu nghiêm túc và đầy đam mê.

 

Theo Tuổi Trẻ

 

 

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm