Sáng 10/8, anh Phạm Sỹ Long (28 tuổi, ở xóm 3, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cùng mẹ là bà Trần Thị Hà đã có mặt tại Trung tâm điều phối hiến ghép tạng quốc gia (Bệnh viện Việt Đức) để đăng ký hiến đầu.
Vào năm 2003, khi mới 15 tuổi, trong lúc trèo cây anh Long bị ngã gãy dập đốt sống cổ. Sau khi điều trị, anh Long bị liệt toàn bộ cơ thể từ cổ tới bàn chân. Dù đã điều trị tại nhiều bệnh viện lớn, anh Long vẫn không thể khôi phục khả năng vận động, trở thành phế nhân dù trí não vẫn hoàn toàn bình thường, tỉnh táo.
Anh Long và mẹ có mặt tại Bệnh viện Việt Đức để đăng ký hiến đầu. |
Vì vậy, chàng trai nảy sinh ý định hiến đầu từ tháng 4 sau khi biết thông tin ở nước ngoài đang chuẩn bị tiến hành ca ghép đầu người đầu tiên. Tại Việt Nam, Bệnh viện Việt Đức cũng đang nghiên cứu, chuẩn bị kế hoạch ghép đầu người.
“Gần đây khi biết thông tin về việc hiến tạng, hiến đầu người, Long có nói với tôi muốn ra Hà Nội hiến đầu để được ghép đầu mình vào cơ thể người khác, lúc đầu tôi cũng không đồng ý. Nhưng cháu thuyết phục tôi rằng, nếu không thành công các bộ phận khác cũng có thể được ghép cho người khác nên gia đình chấp thuận đưa cháu ra Bệnh viện Việt Đức”, bà Trần Thị Hà kể.
Sáng 10/8, tại Trung tâm Điều phối ghép tạng ở Bệnh viện Việt Đức anh Long đã được GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức- Giám đốc Trung tâm điều phối hiến ghép tạng quốc ta tư vấn, giải thích.
Ông Sơn cho biết, trường hợp của anh là mong muốn điều trị chữa bệnh chứ không phải hiến đầu người hay hiến tạng cho khoa học. Vì thế Luật pháp không cho phép lấy bất cứ bộ phận nào trên cơ thể của anh.
Mặt khác, ở nước ta luật pháp cũng chưa có bất cứ quy định nào về hiến đầu người hay gọi chính xác là ghép thân nên tất cả mới đang trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị.
Nếu năm 2017, ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới có thể thực hiện thành công, Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp cận, nghiên cứu ngay kỹ thuật này.
Vì thế, GS Trịnh Hồng Sơn ghi nhận tinh thần tự nguyện và mong muốn sống chính đáng của bệnh nhân Phạm Sỹ Long, động viên anh tiếp tục sống không từ bỏ hy vọng. Nếu luật pháp cho phép và Việt Nam có thể tiến hành kỹ thuật ghép cơ thể, bệnh viện sẽ liên hệ với bệnh nhân.
Ông Cao Tiến Sỹ, cán bộ Trung tâm điều phối hiến ghép tạng quốc gia cho biết thêm, trước anh Long cũng có 5-6 bệnh nhân tìm đến trung tâm với ý nguyện hiến đầu hay thực hiện kỹ thuật ghép cơ thể. Tuy nhiên đây là kỹ thuật rất mới trên thế giới và hiện chưa có nước nào thực hiện thành công nên Việt Nam cũng mới đang dừng ở khâu chuẩn bị, dự đoán trong vài năm tới chưa thể thực hiện.