Trần Hùng John, chàng trai Việt kiều đi xuyên Việt với chiếc ví rỗng vào năm ngoái, vừa ra mắt quyển sách John đi tìm Hùng, kể về hành trình 80 ngày dọc dải đất hình chữ S với chiếc ví rỗng.
Vì sao là ví rỗng?
Trong buổi ra mắt sách tại TP.HCM vào sáng 1/6, Trần Hùng John xuất hiện với bộ trang phục giản dị, khăn rằn, nón tai bèo. Với vẻ ngoài vừa đĩnh đạc, vừa có chút bụi bặm, chàng Việt kiều 8X này thật sự khiến người ta lấy làm tò mò. Trần Hùng John cho biết anh sinh ra và lớn lên tại Mỹ nên mọi thứ về Việt Nam chỉ được biết đến qua lời kể của bà.
Vào năm 2010, Trần Hùng John quyết định sang Việt Nam du học theo chương trình trao đổi văn hóa. Cũng chính trong vài tháng ngắn ngủi này, anh bắt đầu yêu mến nơi đây và… không muốn về Mỹ nữa. “Mẹ tưởng tôi có bạn gái ở Việt Nam nhưng kỳ thực, sau thời gian đi và khám phá nhiều nơi, tôi nhận thấy đây mới là quê hương mình và quyết định gắn bó với nơi này luôn”, Trần Hùng John chia sẻ.
|
Trần Hùng John trong buổi ra mắt sách. |
Bắt đầu tại Hà Nội từ tháng 5/2012, Trần Hùng John bắt đầu cuộc hành trình xuyên Việt với một cái ba lô, một cái lều, một cái mũ và một chai nước cùng một túi đeo ngang bụng. Trong ba lô là 3 bộ quần áo, bộ sơ cứu, bật lửa, dao, kem chống nắng, bản đồ, sổ tay, sạc điện thoại, đôi giày, đôi dép tông, bàn chải đánh răng, đèn pin…
Trong quyển sách này, Trần Hùng John giải thích rõ: “Tôi không mang theo tiền vì nghĩ tiền bạc luôn làm mọi việc thêm rắc rối. Nếu mang theo tiền thì tôi sẽ không thể kiềm chế và thuê một phòng khách sạn hoặc ăn trong nhà hàng thay vì xin được chia đồ ăn cùng người khác. Tôi không mang theo tiền vì nghĩ tiền bạc luôn làm mọi việc thêm rắc rối. Nếu mang theo tiền thì tôi sẽ không thể kiềm chế và thuê một phòng khách sạn hoặc ăn trong nhà hàng thay vì xin được chia đồ ăn cùng người khác".
Cứ như thế, với giọng Việt lớ ngớ, chàng trai 8X này đã đi qua nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn, tiếp xúc với đủ loại người. Cuộc hành trình ngàn dặm đã diễn ra với biết bao nụ cười, nước mắt, những rủi ro, những may mắn hiếm có, rồi có tai nạn, sự cố… Nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi, Trần Hùng John kể: “Đó là lần đi gặt lúa dưới cái nóng 39 độ C hay lần đầu tiên đi nhà vệ sinh… ngoài trời, không có giấy vệ sinh mà phải sử dụng… lá cây”.
"John đi tìm Hùng"
Trong suốt chuyến đi, Trần Hùng John cũng có rất nhiều bạn đồng hành nhưng đa phần những người bạn này đều đã bỏ cuộc giữa chừng hoặc bắt xe buýt đi theo. Chính vì thế, chàng trai 8X này quyết định viết sách với mục đích là truyền cảm hứng cho người trẻ.
Tuy nhiên, anh cũng khuyên rằng nếu chưa có kinh nghiệm và sức khỏe sẵn sàng thì không nên đi bộ vì thực tế anh bị va quẹt 3-4 lần (nhưng chỉ xây xát nhẹ) trong chuyến đi này. “Còn chuyện xin ở nhờ, xin ăn uống thì lại rất dễ. Nếu thật thà, nói thẳng, chẳng hạn như khi tôi nói rằng mình đi để khám phá con người, quê hương Việt Nam thì đều được mọi người sẵn sàng giúp đỡ”, Trần Hùng John chia sẻ.
|
Trần Hùng John tham gia gặt lúa trong chuyến đi của mình. |
Chàng trai này cũng cho biết thay đổi lớn nhất sau chuyến đi này chính là trong suy nghĩ. "Khi đến Huế, tôi được một người thầy kể chuyện Thầy bói xem voi. Sau chuyến đi, tôi nghiệm ra rằng việc nào cũng có 3, 4 mặt. Cuộc sống không chỉ có trắng và đen mà còn có nhiều màu khác vì thế không nên đánh giá sự việc một cách vội vàng. Đặc biệt, chuyết đi này còn giúp tôi tìm lại người cô bên nội thất lạc bấy lâu", Trần Hùng John nói.
Anh cho biết sau khi ra mắt quyển sách sẽ về Mỹ để thăm gia đình, sau đó trở lại Việt Nam tiếp tục khám phá, chinh phục những vùng đất mới và mang quyển sách của mình đến với nhiều người hơn, đồng thời dành ra một khoản từ số tiền bán sách để sử dụng cho các hoạt động từ thiện.
John đi tìm Hùng - tên quyển sách có lẽ cũng chính là cuộc hành trình tìm kiếm và khám phá quê hương mình, bản thân mình của chàng trai Mỹ gốc Việt này.
“Khi chương cuối cùng của hành trình này khép lại, hành trình của cuộc đời tôi đã bắt đầu. Cuộc sống ở Mỹ của tôi quan trọng vô cùng nhưng Việt Nam là nơi tất cả bắt đầu và cũng là nơi mọi thứ sẽ tiếp diễn. Tôi không còn mang theo gánh nặng cần phải chứng minh cho mọi người thấy tôi là người Việt Nam. Hành trình đã đưa tôi tới đây và tôi tự hào là một người Mỹ gốc Việt. Nhưng Việt Nam giờ là quê hương, là nhà của tôi và những con người ở đây đã là anh, là chị, là chú, bác, cô, dì, là bạn của tôi... Hùng cuối cùng đã tìm được nhà", trích đoạn cuối của quyển John đi tìm Hùng.