Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chánh án: Không giấu giếm vụ bà Thu Nga khai 'chạy tiền' vào Quốc hội

Nói về việc có thông tin cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga muốn khai "chạy" vào đại biểu Quốc hội nhưng không được, Chánh án TAND Tối cao khẳng định không giấu giếm gì.

Chánh án tòa tối cao nói về vụ Châu Thị Thu Nga chạy tiền vào Quốc hội Về thông tin cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga muốn khai "chạy" vào đại biểu Quốc hội nhưng không được, Chánh án TAND Tối cao khẳng định không giấu giếm gì.

Sáng 18/11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Ngoài các câu hỏi liên quan đến phát triển án lệ, làm cách nào để đảm bảo đời tư của cá nhân khi đưa bản án lên mạng...các đại biểu Quốc hội cũng đặt ra nhiều câu hỏi tới các vụ án cụ thể như Hà Văn Thắm, Trương Hồ Phương Nga hay án oan tại Điện Biên.

Chau Thi Thu Nga anh 1
Bị cáo Hà Văn Thắm bị tuyên chung thân với 4 tội. Ảnh: Việt Hùng.

Nói về vụ xét xử đại án Hà Văn Thắm và các đồng phạm, ông Bình cho biết bản án đã phân hóa rõ tội phạm. 

Theo Chánh án TAND Tối cao, kể từ khi có Nghị quyết 01 năm 2013, các thẩm phán ngại tuyên án treo với vụ đại án tham nhũng kinh tế. Tuy nhiên, ở vụ án Hà Văn Thắm có đến 34 án treo được đưa ra. "Đại án xét xử nghiêm khắc với chủ mưu cầm đầu nhưng nhưng rất nhân văn với người làm công ăn lương", ông Bình nói. 

Từ xét xử vụ án này, ông Bình cho biết có 4 bài học kinh nghiệm được rút ra: Thứ nhất đã truy tố đúng tội danh với các bị cáo; Thứ 2 là tranh tụng tại tòa khá minh bạch, không có sự hạn chế; Thứ 3 đã phân hóa được kẻ cầm đầu trong vụ án và cuối cùng ngoài làm hết chức năng để có một bản án nghiêm minh, kiến nghị xử lý những cán bộ có liên quan.

Liên quan đến vụ án cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga lừa gần 400 tỷ đồng mới được đưa ra xét xử hồi tháng 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chánh án giải trình về việc có thông tin cho rằng tại phiên toà bị cáo khai việc chạy vào Quốc hội, toà không cho khai, cần nói rõ hơn cho người dân hiểu.

Trả lời vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao đánh giá HĐXX không giấu giếm gì. "Chúng tôi đã yêu cầu chủ tọa phiên tòa giải trình và gặp luật sư Hướng. Phòng xét xử diễn ra bình thường, không có sự cố gì về loa đài", ông Bình nói.

Chau Thi Thu Nga anh 2
Bị cáo Châu Thị Thu Nga được đưa đến tòa sáng 9/10. Ảnh: Việt Hùng.

Ông Bình cho rằng hồ sơ vụ án có đầy đủ lời khai của Châu Thị Thu Nga và các đương sự liên quan. Việc chủ tọa phiên tòa không cho khai tiếp vì vụ án đã được tách ra, theo quy định của luật là được phép. Trên thực tế đã có nhiều vụ án được tách ra như vụ Ngân hàng Xây dựng, đại án xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương xử một phần.

Nếu trong tình tiết mới xuất hiện mà không có quyết định tách án thì HĐXX phải làm rõ, nhưng khi đã được tách án thì không cần làm rõ nữa. Đây là thông lệ bình thường.

Về lời khai chạy tiền để vào Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói bị cáo Nga khai là chi cho hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong danh sách, thứ hai là chi cho báo chí để đề cập chuyện không đi học nhưng vẫn có bằng Tiến sĩ. Ngoài ra, Nga còn khai gặp một doanh nhân buôn bán vàng có quan hệ rộng ở Hà Nội, đưa cho người này nhiều lần có lần 100.000 USD, có lần 200.000 USD tại các quán cà phê khác nhau. Việc đưa tiền chỉ có 2 người biết, không có chữ ký.

Tuy nhiên, tại biên bản đối chất, người này khai có quen biết Nga nhưng không nhận tiền. "Tình huống đó, cơ quan điều tra tách ra là cần thiết bởi tòa không thể làm rõ được ngay. Cần có phiên tòa công khai khác", ông Chánh án nói.

Trước đó, đầu tháng 10, TAND Hà Nội đưa Châu Thị Thu Nga và các đồng phạm ra xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tham gia thẩm vấn các bị cáo, luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho Nga) đặt câu hỏi cho thân chủ của mình về khoản tiền 1,5 triệu USD (khoảng 30 tỷ đồng) mà Nga khai đã dùng để “chạy” ĐBQH. Khi vị luật sư vừa dứt lời thì chủ tọa lập tức lưu ý vì phần này “không nằm trong phạm vi vụ án”. 

Đến chiều 16/10, HĐXX TAND Hà Nội tuyên bị cáo Châu Thị Thu Nga chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 9 bị cáo còn lại lĩnh án từ 36 tháng tù treo đến 7 năm tù giam.

Theo nhận định của HĐXX, bị cáo Nga đã chỉ đạo cán bộ sàn giao dịch bất động sản Housing Group lập các hợp đồng vay vốn, đặt cọc… để thu 30% giá trị căn hộ khách đã chọn. Khi khách có nhu cầu xem hồ sơ dự án, phía Housing Group sẽ cho xem mô hình, giấy tờ và thỏa thuận giá bán. Sau đó, Housing Group lập 3 hợp đồng và phiếu thu trình lãnh đạo công ty ký. Tiền thu về Nga giữ hoặc chuyển vào tài khoản công ty đứng tên bà ta.

Từ năm 2009 đến năm 2013, Châu Thị Thu Nga và các bị cáo được Chủ tịch Housing Group uỷ quyền đã ký 752 hợp đồng góp vốn, thu hơn 377 tỷ đồng của khách hàng với cam kết sẽ bàn giao 752 căn hộ tại dự án B5 Cầu Diễn. Khi không có nhà bàn giao, bà Nga đã trả lại hơn gần 29 tỷ đồng cho 43 khách hàng và chiếm đoạt, sử dụng hơn 348 tỷ đồng, đến nay không thể thu hồi, không có nhà để bàn giao. Hành vi trên đủ yêu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

HĐXX tuyên mức án Châu Thị Thu Nga và 9 đồng phạm Hội đồng xét xử cho rằng hành vi của Châu Thị Thu Nga là nghiêm trọng, cần phải cách ly vĩnh viễn bị cáo ra khỏi xã hội.

9 câu nói đáng chú ý ở vụ xử nguyên đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga

"Công an bắt tôi quá sớm", "nhiều điểm oan ức chưa được làm rõ" hay "bà ấy là đại biểu Quốc hội nên tôi phải tin"... là những câu nói nổi bật trong vụ xử Thu Nga và các đồng phạm.

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm