Dư luận và một số đại biểu Quốc hội còn bày tỏ nhiều băn khoăn về vụ án Hồ Duy Hải. Sáng nay, trước diễn đàn Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có hơn 13 phút đề cập về các chứng cứ chứng minh Hải là hung thủ giết người tại Bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, Long An hôm 13/1/2008.
Chứng cứ chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội
“Đây là vụ án xảy ra từ 2008, trải qua quá trình tố tụng nhiều cấp, đã được liên ngành thẩm định và trong đoàn giám sát oan sai của Quốc hội năm 2015 cũng đã xem xét vụ án này. Qua sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và đã đến Chủ tịch nước quyết định, giờ câu chuyện đặt ra là có oan sai hay không. Tôi sẽ trả lời Hồ Duy Hải có phạm tội hay không, có oan sai hay không”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đặt vấn đề.
Theo Chánh án TAND Tối cao, Hồ Duy Hải quen 2 cô gái ở Bưu điện Cầu Voi. Tối 13/1/2008, Hải đến đây chơi. Lúc này, nạn nhân Vân đang trực, còn cô Hồng đang nghỉ.
Sau khi tán tỉnh, Hải có ý định quan hệ tình dục với cô Hồng nên đã đưa tiền cho Vân đi mua trái cây. Sau đó, Hồ Duy Hải dẫn Hồng vào buồng ngủ khiến cô gái phản ứng, đạp vào bụng Hải rồi bỏ chạy. Khi Hồng ngã, Hải cầm thớt đập vào đầu nạn nhân, trước khi sát hại Vân.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Hải Quân. |
Trình bày trước Quốc hội, ông Nguyễn Hòa Bình nêu nhiều chứng cứ chứng minh Hải phạm tội. Thứ nhất, cơ quan điều tra đã cho Hải mô tả hiện trường. Thanh niên này đã mô tả chính xác những đồ vật mà theo ông Bình "nếu không có mặt thì không thể miêu tả được”.
Có điểm lưu ý là những đồ vật trong phòng ngủ của cô Hồng đều được Hải miêu tả chính xác. “Bưu điện là nơi công cộng, bên ngoài ai cũng có thể biết nhưng trong phòng ngủ thì không có mặt trong hiện trường sẽ không biết”, Chánh án TAND Tối cao nhận định.
Ông Bình nhấn mạnh đến vị trí của những đồ vật không cố định trong phòng ngủ của nạn nhân Hồng như con gấu, tờ báo, cốc nước, túi trái cây… đều được Hải miêu tả đúng ở thời điểm xảy ra vụ án.
Chứng cứ thứ hai là diễn biến hành vi. Hải khai quá trình sờ soạng Hồng không nói gì nhưng khi đè cô gái ra đã bị phản ứng và đạp vào bụng.
Sau đó, do nạn nhân bị Hải đập đầu bằng thớt nên hiện trường có thớt dính máu nằm bên cạnh đầu cô Hồng. Đỉnh đầu nạn nhân có một vết thương, kết luận pháp y xác định là do tác động của vật cứng, mặt phẳng.
Chứng cứ thứ ba là giám định pháp y trong âm đạo của cô Hồng có dịch, cơ chế hình thành dịch được giám định pháp y kết luận do quá trình kích dục có đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm của cơ thể.
Về tài sản cướp được, ông Bình cho biết Hải khai sau khi giết 2 cô gái có lấy của bưu điện tiền, sim card và lấy của 2 cô gái một số tiền, nữ trang gồm vòng tay, nhẫn…
“Ở thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không biết Hải lấy được gì. Nhưng khi bắt được Hải, Hải khai chi tiết lấy của ai cái gì. Cơ quan điều tra hỏi gia đình nạn nhân thì họ mô tả đúng đồ vật các cô gái có. Bưu điện cũng nói rõ họ mất bao nhiêu tiền.
Chi tiết đáng lưu ý là Hải khai lấy của cô Hồng dây chuyền có mặt, còn của cô Vân dây chuyền không có mặt. Khi khám nghiệm hiện trường có thấy mặt dây chuyền của cô Vân”, ông Bình nói.
Mua dao, thớt để nhận diện
Ngoài ra, theo Chánh án TAND Tối cao, khi cơ quan điều tra yêu cầu Hải khai nơi tiêu thụ tài sản thì Hải mô tả chính xác nơi bán vàng, bán điện thoại lấy được ở bưu điện.
“Các cửa hàng này có thể có nhiều người biết, nhưng Hải khai rõ cửa hàng vàng tại quầy này có người phụ nữ lớn tuổi bán, quầy kia có người trẻ bán. Đặc biệt về giá cả, cơ quan điều tra xác minh giá chiếc điện thoại cũ ở thời điểm này được mua với giá 200.000 đồng, phù hợp với lời khai của Hải”, Chánh án TAND Tối cao phân tích.
Ông khẳng định phương thức thanh toán, giá cả của các đồ trang sức Hải mua cũng phù hợp với lời khai của Hải. Hồ Duy Hải còn khai quá trình bán vàng, do lo sợ nên Hải không nhìn vào người mua vàng mà nhìn ra ngoài đường xem có ai theo dõi. Người mua vàng cũng có lời khai trùng hợp là khi đưa máy tính tiền cho Hải xem để thống nhất mua bán nhưng Hải không nhìn nên phải viết ra giấy. Hải cũng xác nhận việc này.
Chánh án TAND Tối cao cho biết Hồ Duy Hải không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Người kêu oan nhiều nhất là mẹ của Hải. Ảnh: Ái Loan. |
Về hung khí, Chánh án TAND Tối cao thông tin khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thể biết cái thớt là hung khí. Chỉ khi bị bắt, Hải khai dùng thớt đập đầu nạn nhân thì cơ quan điều tra mới biết, nhưng khi đó cái thớt đã bị dọn đi.
Còn về con dao, Hải khai giấu sau bảng gắn trên tường ở bưu điện nên chỉ Hải biết, không ai tìm thấy. Sau này có 3 dân phòng dọn hiện trường, gỡ cái bảng thì thấy con dao rơi xuống nên họ vứt đi. “Vì họ sơ suất vứt con dao đi nên cơ quan điều tra không tìm được“, ông Bình nói.
Vì thế, sau này có cho 3 người dân phòng đi mua dao tương tự cho Hải và những người liên quan nhận diện xem có đúng dao và thớt có mặt ở hiện trường hay không. “Dư luận nói cho mua dao ở chợ về thay hung khí, nhưng trong hồ sơ chỉ khẳng định cho mua vật tương tự để Hải và người liên quan nhận diện có đúng với hiện trường hay không. Và khi để ra một loạt dao thì Hải nhận diện đúng con dao gây án mà dân phòng đã vứt đi, dù trước đó Hải có những lời khai không thống nhất về hung khí gây án này”, ông Nguyễn Hòa Bình thông tin.
Theo Chánh án TAND Tối cao, Hồ Duy Hải có 25 lời khai. Lời khai nhận tội đầu tiên khá chi tiết do Hải tự viết ra chứ không phải do hỏi cung. Và trong quá trình tố tụng, ở những thời điểm quan trọng, Hải đều thừa nhận. Điển hình như khi có kết luận điều tra hay cáo trạng của viện kiểm sát, Hải đều thừa nhận là đúng.
Kết thúc phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Hải gửi đơn cho Chủ tịch nước cũng chỉ xin giảm nhẹ hình phạt chứ không kêu oan. Còn người kêu oan nhiều nhất chính là mẹ của Hải.
“Còn nhiều chứng cứ khác tôi không thể nói hết trong thời gian ngắn. Đại biểu Quốc hội nào quan tâm, chúng tôi sẵn sàng phục vụ trao đổi thông tin”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình kết thúc phần phát biểu.