Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chanh đào: Vị thuốc chữa ho của mọi nhà

Khi mùa chanh đào vào vụ cũng là lúc các bà nội trợ tranh thủ chuẩn bị cho gia đình mình một bình chanh ngâm giúp chữa ho trước khi mùa đông tràn về.

Đã nhiều năm rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái ngày mà cu Bin nhà tôi mới chập chững biết đi. Cứ mỗi lần quay gió, hít phải khí bụi hay lô nghịch với mấy con mèo của nhà là nước mũi cháu lại chảy dòng dòng, thở ậm ạch, ho khò khè khó chịu và thường xuyên quấy khóc khiến cả gia đình phải lo sợ.

Một lần mẹ tôi từ quê lên chơi thấy cu Bin bị như vậy nên mẹ đã bảo tôi gọi điện cho cậu em trai mang từ quê lên một bình chanh đào ngâm mật ong. Mẹ tôi đã lấy nước chanh đào ngâm mật ong cho cháu uống mỗi bữa một thìa dành cho trẻ nhỏ. Kết quả thật bất ngờ, chỉ vài ba ngày cháu đã giảm ho nhiều, sau đó thì khỏi hẳn. Từ đó trở đi cứ mỗi lần cháu khúc khắc ho là mỗi buổi sáng ngủ dậy tôi lại cho cháu uống một thìa chanh đào ngâm sẵn.

Chanh đào.

Hôm vừa rồi mẹ tôi xuống chơi, cu Bim giờ đã lớn đùng, nhưng bà vẫn không quên dặn tôi. Bà bảo thời điểm này miền Bắc đang vào mùa chanh đào, nhiều gia đình thi nhau mua chanh về ngâm để chuẩn cho cả gia đình vào mùa đông này đấy. Chanh đào chỉ có nhiều vào tháng 8, 9 hàng năm nên gắng bớt chút thời gian qua chợ mua về ngâm để nếu có đứa nào bị ho, hay viêm họng gì thì còn có cái mà dùng. Sợ tôi không biết mua mẹ còn dặn mua loại quả chín, vỏ mỏng, màu vàng hanh, ruột hồng và thơm là loại có chứa nhiều tinh dầu. - Đó là chia sẻ của chị Ngô Hương Liên ở phố Hàng Bạc, Hà Nội.

Giảm ho, chữa côn trùng cắn

Theo Ths. BS Nguyễn Thị Hằng (Phó chủ nhiệm bộ môn Đông dược, học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) chanh có tên khoa học là Citrus lemon var, ở nước ta có nhiều loại chanh và chanh đào có tác dụng như một vị thuốc quý.

Theo Y học cổ truyền, quả chanh đào có vị chua, tính bình có tác dụng sinh tân, kiện vị, hòa đàm chỉ khải (long đờm, cầm ho), khứ thử (chống nắng nóng). Nước chanh không chỉ cung cấp vitamin C và nhiều chất có lợi cho sức khỏe giúp các tế bào chống khuẩn mà còn có thể tiêu diệt virus trong màng dịch nhầy ở mũi và ở cổ họng.

Ngoài việc chanh đào giúp giảm ho thích hợp cho nhiều người, đặc biệt là hô và viêm họng ở trẻ nhỏ, thì một chút nhỏ dung dịch nước chanh đào nhấp môi hoặc thái lát nhỏ đắp lên cổ và gan bàn chân, long bàn tay cũng giúp trẻ nhỏ hạ sốt, giảm co giật khi sốt cao.

Với những người bị côn trùng, rắn cắn chỉ gây sưng hoặc ngứa có thể dùng hạt chanh và một số vị thuốc khác như rễ chanh, gừng tươi, phèn chua giã nhỏ đun sôi lấy nước uống, bã đắp lên vết thương sẽ làm giảm sưng, ngứa rất hiệu quả. Bài thuốc này xưa kia được áp dụng nhiều.

Còn theo nhiều nghiên cứu khác, thì thành phần của từng loại chanh có khác nhau, nhưng thành phần tự nhiên của chanh nói chung là rất phong phú về mặt dinh dưỡng và các nguyên tố vi lượng gồm protein, carbonhydrat, dầu béo, chất vô cơ, canxi, phospho, sắt và nhiều loại nguyên tố vi lượng khác... nên rất tốt để dùng chữa bệnh, đặc biệt là cho người bị ho, cảm cúm. Ngoài ra, chanh được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm, trong việc tạo ra tinh dầu và chất thơm trong ngành mỹ phẩm.

Bệnh nặng không có tác dụng

Theo bác sĩ Hằng, chanh đào có thể hợp với người này nhưng không hợp với người khác, hay những người khi đã bị ho nặng mà dùng thì không có tác dụng.

Người bị nhiệt miệng thì không được dùng chanh đào ngâm mật ong mà nên dùng chanh đào ngâm với muối hoặc đường.

Riêng người viêm loét dạ dày tá tràng hoặc bị chứng ợ nóng hay mắc các bệnh về thận, túi mật hoặc dị ứng với trái cây thuộc họ cam không nên dùng chanh hay chế phẩm của chanh. Nếu ăn vào, vị chua của chanh sẽ càng làm tăng tiết axit trong dạ dày...

Bài thuốc trị ho từ chanh đào ngâm mật ong

Nguyên liệu:

- 1kg chanh đào, chọn những quả tươi, mỏng vỏ, chin vàng, càng già càng tốt.

- 1 lít mật ong rừng.

- 0,5kg đường phèn.

- 1 bình thủy tunh to hơn lượng chanh cần ngâm, vì nước chanh ngâm sau một thời gian sẽ lên men và tiết ra nhiều nước.

- 1 vỉ nén bằng nan tre và một bình thủy tinh có lắp đậy.

Cách làm:

- Pha một chút nước muối đun sôi để nguội, cho chanh vào ngâm khoảng 30 phút sau khi chanh đã rửa sạch. Vớt chanh ra để khô rồi cắt thành lát mỏng và ngâm cả hạt.

- Đập nhỏ đường phèn và cho một lớp xuống đáy lọ, tiếp đó là cho một lớp chanh đã thái lát. Tiếp tục làm như vậy cho tới khi đầy bình hoặc hết nguyên liệu, sau đó đổ mật ong vào và dùng vỉ nan nén xuống.

- Ngâm khoảng 3 tháng là lấy ra dùng được.

Lưu ý:

- Không bịt quá chặt miệng bình. Luôn để bình tại những nới thoáng mát và không nên để trong tủ lạnh.

- Thường xuyên kiểm tra bình trong thời gian đầu nếu thấy sủi bọt thì hớt bỏ. Chanh sẽ bị mốc, nổi váng nếu để chanh nổi trên mặt vỉ, vì thế phải luôn đảm bảo chanh luôn nằm dưới vỉ nén và ngập trong nước.

- Thời gian đầu sử dụng chanh còn hơi đắng nên ngâm càng lâu sẽ tốt hơn, chanh đào ngâm lâu khi ăn có cảm giác như ăn ô mai, tốt cho cổ họng và tăng cường sức khỏe.

- Mọi người cũng có thể cho chanh đào, mật ong, đường phèn vào máy xay sinh tố, xay nhỏ làm siro chanh, mật ong, đường phèn.

http://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/chanh-dao-vi-thuoc-chua-ho-cua-moi-nha-15710/

Theo Chuyên đề sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Bạn có thể quan tâm