Bất chấp lời cảnh báo của chính phủ đối với văn hóa "996" ở các công ty, tập đoàn, nhiều nhân viên làm việc trong lĩnh vực công nghệ cho biết vẫn phải làm việc quần quật từ 9h đến 21h, 6 ngày/tuần, theo Straits Time.
Họ từ chối chia sẻ tên công ty do sợ mất việc làm, cho biết có nhiều lý do khiến họ phải tăng ca. Đa số nói đây là yêu cầu từ cấp trên để gấp rút xử lý các dự án.
"Quy định về giờ giấc làm việc trên giấy tờ không quan trọng. Nếu sếp ra chỉ thị hoàn tất dự án vào cuối tuần, bạn cần tìm cách làm hết việc, dù có phải tăng ca", Jimmy Liao (31 tuổi), lập trình viên, nói.
Bất chấp nguy cơ về sức khỏe từ lối làm việc "996", nhiều nhân viên ở Trung Quốc vẫn chấp nhận làm thêm giờ vì không muốn mất việc hay bị đánh giá thấp năng lực. Ảnh: |
Zheng Lang (28 tuổi), nhà phát triển ứng dụng, kể công ty của anh muốn nhân viên phải "túc trực 24/7" để rà soát và vá lỗi ngay lập tức.
Albert Zhang (32 tuổi), kỹ sư lập trình xử lý hình ảnh, kể anh có lúc phải làm việc 10 giờ/ngày suốt cả tuần.
Zhang nói rằng anh có thể tìm việc ở một nơi khác với thời gian làm việc ít hơn 20 giờ/tuần, nhưng mức lương sẽ giảm 60%.
"Sự thay đổi đó không đáng giá. Các đồng nghiệp khác vẫn chịu đựng được thì không lý nào tôi lại từ bỏ công việc hiện tại. Nếu không tăng ca, tôi sẽ bị đánh giá là không chăm chỉ", anh nói.
Dưới áp lực của quy định giờ làm và tốc độ đào thải nhân sự của ngành, người lao động phải chấp nhận tăng ca, thậm chí đi làm vào cuối tuần để có mức thu nhập cao hơn gấp đôi so với công chức.
Họ được bồi thường một khoản phí tăng ca, thời gian làm thêm ngoài giờ sẽ không được công khai trên bảng chấm công.
Tháng 8/2021, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã đưa hướng dẫn, cảnh báo các công ty về hành vi tăng giờ làm bất hợp pháp.
Theo đó, các nhà chức trách đưa ra ví dụ về những công ty bị phạt 8.000 nhân dân tệ tới 766.912 nhân dân tệ do vắt kiệt sức lao động của đội ngũ nhân viên, thậm chí dẫn đến tử vong.
Từ tháng 6/2021, một số công ty công nghệ lớn như ByteDance, hay nền tảng chia sẻ video trực tuyến Kuaishou tuyên bố bỏ quy định tăng ca cuối tuần.
Văn hóa "996" bị chỉ trích khi tạo áp lực quá lớn đối với người lao động. Ảnh: Aly Song/Reuters. |
Tuy nhiên, nhiều người lao động trong lĩnh vực công nghệ nói họ vẫn làm việc khoảng 70 giờ/tuần, nhiều hơn so với mức trung bình trên toàn quốc là 46,7 giờ.
Một số nhân viên kể với Straits Times rằng cấp trên của họ hiểu quy định về thời gian làm việc tối đa, song ngầm nhận định người lao động nên tự giác tăng ca để nâng cao hiệu suất công việc.
Liao lấy ví dụ rằng trong khi chính sách của công ty anh cấm văn hóa làm việc "996", điều đó lại không được hiện thực hóa vì các đồng nghiệp "sợ bị đuổi việc".
Hơn thế, người làm việc trong ngành công nghệ còn có thêm áp lực khác là độ tuổi.
Khi chạm ngưỡng 35 tuổi, nếu không giữ vai trò quản lý hay có đóng góp lớn cho công ty, họ có thể bị cho thôi việc để nhường chỗ cho nhóm nhân viên hơn, có sức khỏe để làm thêm giờ.
"Nhân viên làm ngành công nghệ như chúng tôi thường đùa về chuyện bị đuổi việc ở tuổi 35, nhưng nỗi sợ ấy là có thật", Liao nói.