Nhắc tới đạo diễn Charlie Nguyễn là nhắc tới tác giả của hàng loạt phim đạt doanh thu khủng phòng vé như Để mai tính, Tèo em, Long Ruồi... Tuy nhiên, phim, Fan cuồng mới ra mắt được đầu tư tới 26 tỷ đồng nhưng lại không thành công như kỳ vọng. Đạo diễn Việt kiều thừa nhận một phần thất bại này là do anh chủ quan.
Tèo em hay Để mai tính mới là thất bại của tôi
- Sau khi phim "Fan cuồng" ra mắt, nhận nhiều lời khen chê từ khán giả, anh đối diện với điều này thế nào?
- Là người nắm bộ phim nên tôi phải biết trước bộ phim của mình thế nào trước khi khán giả xem. Tôi không ngạc nhiên về sự phản hồi từ phía khán giả. Không chỉ phim này mà bất cứ phim nào tôi cũng chuẩn bị tinh thần cho việc không đón nhận nồng nhiệt.
Khi học và tìm hiểu, tôi thấy các nền điện ảnh đi trước, họ cũng có những bộ phim có đầy đủ những yếu tố để thắng nhưng lúc ra rạp lại rớt thê thảm. Chuyện này lặp lại hàng năm và ở đâu cũng có. Không ai dám đảm bảo bộ phim mình làm sẽ thắng về doanh thu. Đó cũng là sự thú vị của nghề làm phim vì không ai biết được số phận của bộ phim thế nào.
Bỏ qua doanh thu, Fan cuồng là sự thất bại về nghề nghiệp của tôi. Tôi buồn không phải vì doanh thu thấp mà vì số phận của nó đáng lý phải tốt hơn. Buồn vì mình có thể làm cho Fan cuồng tốt hơn nhưng đã không làm được.
Đạo diễn Charlie Nguyễn. Ảnh: ĐPCC |
- Trước đây, anh làm phim hài như "Tèo em", "Để mai tính" đạt doanh thu cao kỷ lục. Vì sao anh lại thay đổi, chọn đề tài và thể loại đều kén khán giả như với "Fan cuồng"?
- Động lực để tôi làm bộ phim này là bản thân cảm thấy buồn về những bộ phim chất lượng quá kém, khán giả bị thành kiến về phim Việt. Tôi muốn làm cái gì đó, góp phần nhỏ vào phát triển nền điện ảnh. Tôi cũng muốn phát triển công việc của mình theo chiều hướng chất lượng chứ không phải số lượng.
Làm Fan cuồng là tôi và ê kíp quyết định chuyển hướng, bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Nếu muốn ai cũng muốn làm phim doanh thu cao, nằm trong vùng an toàn thì điện ảnh không thể có sự thay đổi, bản thân người làm nghề thì đi vào lối mòn. Đã làm nghệ thuật, phải phiêu lưu, đặt những vấn đề khó khăn hơn để thử thách bản thân thì mới thú vị.
- Tuy nhiên, thử thách là làm phim tử tế không dễ. Và thực tế, "Fan cuồng" đã thất bại về mặt doanh thu. Anh có nghĩ đây là sự thất bại của mình?
- Nói về doanh thu thì đúng đây là sự thất bại vì phim không giúp nhà đầu tư thu hồi vốn. Về mặt đạo diễn, sự thành công hoặc thất bại không hoàn toàn dựa vào doanh thu. Ví dụ với Để mai tính, 2 nhà sản xuất thu 100 tỷ đồng là sự thành công khủng khiếp nhưng riêng tôi không nghĩ mình thành công. Thành công về doanh thu chỉ là thị hiếu khán giả. Bản thân người làm nghề, tôi phải nhìn vào tác phẩm, kể câu chuyện tốt nhất chưa, có những lỗi gì chưa làm được…
Hay như Tèo em đạt 85 tỷ đồng, tôi lại nghĩ nó quá thất bại bởi vì đáng lẽ tình cảm giữa 2 anh em Tí và Tèo phải được đọng lại trong lòng khán giả khi ra về, chứ không chỉ nhớ đến Tèo em với những tràng cười.
Đến Fan cuồng, sự thất bại tôi lại thấy ít hơn. Doanh thu có thể không tốt nhưng tôi đã chạm đến những người khán không thích xem phim hời hợt, hài nhảm.
Tôi đã quá chủ quan
- Nếu mổ xẻ cụ thể, anh nghĩ "Fan cuồng" thất bại vì những lý do gì?
- Với Fan cuồng thất bại lớn nhất của tôi là sự liều lĩnh. Khi bàn bạc với nhà sản xuất, ai cũng cản, khuyên không nên làm nhưng tôi vẫn quyết tâm.
Tôi bảo với mọi người rằng: đây là con đường khó đi dù mình phải đạp đinh, đạp gai, leo trèo trầy trụa nhưng tôi cố gắng sẽ làm. Tuy nhiên, tôi không lường trước được kịch bản này phải mất bao nhiêu thời gian để hoàn chỉnh. Thời gian viết ngắn nên kịch bản chưa có sự đào sâu.
Tôi tin tuyệt đối, nếu có thêm thời gian, tôi có thể làm kịch bản hay hơn. Mối tình giữa Gia Nghị, Mỹ Kỳ và Thái phải cao trào, ướt át hơn. Riêng mối quan hệ giữa Gia Nghị và nhóm Sexy Beat phải gay cấn, khốc liệt hơn.
Trước đây, khi làm phim Dòng máu anh hùng, Để mai tính hay Long ruồi, tôi đều chưa có kịch bản hoàn chỉnh trong tay. Tôi vừa làm, vừa suy nghĩ cái kết cho bộ phim. Điều này trở thành mặc định của mọi người rằng Charlie đã làm được. Ngay cả bản thân tôi cũng chủ quan mình sẽ tạo được một kịch bản hoàn chỉnh dù lúc bắt đầu còn dang dở. Nhưng không ngờ, kịch bản này không nằm trong vùng thoải mái, quen thuộc của tôi. Nó đòi hỏi tôi phải động não, suy nghĩ nhiều hơn.
Tới khi bấm máy thì cảnh quay đầu tiên chúng tôi thực hiện lại là cảnh cao trào cảm xúc nhất. Do lịch đã sắp xếp, không thể thay đổi được vì vậy cũng khó cho diễn viên.
Casting cũng là thất bại của phim. Vai khó nhất trong phim là Gia Nghị. Đây là vai không có diễn viên nào đóng tốt trong điều kiện và hoàn cảnh của ê kíp là thời gian gấp gáp. Trí không phải là người chúng tôi mời đầu tiên mà là Phạm Anh Khoa. Anh Khoa là người thích hợp, có sẵn chất rock, dễ thuyết phục khán giả nhưng Khoa đã từ chối vì anh ấy muốn dành thời gian cho âm nhạc. Khi đó tôi mới mời Trí. Trí chỉ có 1 tháng tập đàn, hát nhưng không đủ thời gian để hóa thân.
Đạo diễn Charlie Nguyễn và Phương Trinh Jolie trên phim trường. Ảnh: ĐPCC |
- Bước ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận thay đổi là chấp nhận sự thua lỗ. Liệu anh có e dè những dự án tiếp theo?
- Không. Nếu phim Fan cuồng thành công về mặt doanh thu thì sẽ tạo cơ hội cho chúng tôi làm bộ phim tiếp theo kinh phí cao hơn nữa. Bản thân tôi luôn muốn nâng cao sự thử thách, không muốn dừng lại ở mức an toàn. Trong nghề này, không có phần thưởng tinh thần nếu đặt sự thử thách lên mình quá ít.
Để mai tính, Tèo em đạt doanh thu khủng nhưng tôi coi đó là sự giậm chân, không có nhiều ý nghĩa. Tôi biết rằng các phim quốc tế họ làm quá chuyên nghiệp, đẳng cấp, còn mình có quá nhiều sự thiếu sót. Nếu làm phim chỉ chăm chăm vào doanh thu phòng vé thì mình thấy hèn với nghề quá. Bởi vậy, sự thất bại của Fan cuồng làm cho tôi mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Mình còn phải học hỏi và khắc phục nhiều hơn nữa.
- Anh và Thái Hòa là cặp bài trùng, từng giúp anh ấy trở thành diễn viên triệu đô. Vậy sau sự thất bại này anh có nghĩ sẽ tìm kiếm gương mặt mới?
- Nhiều người nói với tôi, Thái Hòa hết thiêng, hết hot. Bây giờ thế hệ trẻ có nhiều người tài giỏi, không ai đứng ở vị trí siêu sao mãi mãi. Đạo diễn phải nắm bắt điều đó và nhạy bén trong việc chọn diễn viên đang được khán giả hâm mộ nhiều, có gia trị về mặt thương mại. Những quan điểm này hợp lý nhưng đối với tôi, tôi nghĩ khác. Diễn viên không như ca sĩ mà có thời. Diễn viên chỉ cần có vai diễn phù hợp thì dù ở bất cứ tuổi nào họ cũng tỏa sáng.
Nếu một bộ phim thất bại mà đổ lên diễn viên thì đặt quá nhiều trách nhiệm trên vai họ. Một bộ phim sống là nhờ tất cả mọi người đóng góp, cộng hưởng, thăng hoa. Một mình diễn viên không thể tự tỏa sáng. Bởi vậy, Thái Hòa hiểu điều đó nên anh ấy rất kỹ tính khi lựa chọn những cộng sự làm việc với mình.
Nếu trong hoạn nạn mà bỏ nhau, chỉ đến với nhau trong sự thành công thì thiếu tâm và nghề. Như vậy, sẽ không thể đi xa, đi đường dài được. Tôi nhìn nhận sự thất bại này theo hướng tích cực. Ai vẫn còn đứng sau lưng tôi, đồng hành cùng mình thì sẽ còn gắn bó.