Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chắt chiu từng đồng đầu tư cho giáo dục

Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số quy định tỷ trọng chi tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm cho giáo dục.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần chắt chiu, sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư này, tránh lãng phí.

Theo báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục sửa đổi của Chính phủ, đa số ý kiến góp ý nhất trí với việc nhà nước dành ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Cần định hướng ưu tiên trong phân bổ ngân sách

Báo cáo của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu rõ quy định này khẳng định và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các bộ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội khi phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và HĐND các cấp khi phê chuẩn dự toán ngân sách cấp mình, địa phương mình phải bố trí tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước dành cho GD&ĐT. Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số quy định tỷ trọng chi tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho giáo dục.

Ngan sach giao duc anh 1
Nhiều ý kiến cho rằng không nên cào bằng trong đầu tư giáo dục. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo luật các định hướng ưu tiên trong việc phân bổ nguồn ngân sách cho giáo dục là để thực hiện phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tránh trường hợp cào bằng trong phân bổ kinh phí ngân sách cho giáo dục như trước đây.

Một số ý kiến khác đề nghị xác định rõ tăng ngân sách cho một số bậc học đặc thù như giáo dục mầm non (0-3 tuổi), giáo dục thường xuyên đạt 6% tổng ngân sách cho giáo dục.

Vấn đề lương của nhà giáo, Chính phủ cho hay giữ nguyên quy định tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu. Theo đó, nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Về chính sách không thu học phí đối với học sinh thuộc diện phổ cập, theo quan điểm của Chính phủ, trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, THCS trường tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Đối với học sinh THCS, Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trường tư thục trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách Nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tránh những đề án tiền tỷ "đắp chiếu"

Xung quanh đầu tư cho giáo dục, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng vấn đề quan trọng không phải con số 25% hay 20% tổng chi ngân sách Nhà nước mà quan trọng là ngân sách ấy đã được đầu tư như thế nào, có hiệu quả hay không?

"Nhiều dự án, đề án của Bộ GD&ĐT lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng sau nhiều năm triển khai thì lại chưa đạt mục tiêu. Ví dụ như đề án "Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020" (Đề án 911). Theo báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, giai đoạn 2012-2016, các kết quả thực hiện mục tiêu đề án, từ tuyển sinh và đào tạo, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo tiến sĩ, tài chính đều không đạt. Không ít dự án khác của bộ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đây là sự lãng phí lớn trong tình hình kinh phí chi cho giáo dục nước ta còn eo hẹp" - ông Vinh nói.

Một chuyên gia của ĐHQG Hà Nội cũng khẳng định trong tình hình kinh tế còn khó khăn, đầu tư cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi của ngân sách nhà nước là hợp lý.

"Vấn đề, chúng ta phải quản lý nguồn ngân sách đó như thế nào. Thực tế sự lãng phí đang diễn ra ở rất nhiều trường học, rất nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực. Từ in ấn, sử dụng SGK đến đầu tư xây dựng cơ bản, trang thiết bị cơ sở vật chất rồi các dự án ngàn tỉ của ngành" - chuyên gia này nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng trong khi đời sống của giáo viên còn khó khăn, lương thấp, việc nhiều thì có sở GD&ĐT đã đầu tư gần 200 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học. Trong số này, rất nhiều nhóm thiết bị công nghệ cao, giá trị hàng chục tỷ đồng nhưng mua về thời gian dài mà hệ thống phòng lab, màn hình thông minh vẫn trong cảnh "đắp chiếu" chưa một lần sử dụng.

"Nếu còn lãng phí như vậy, đầu tư bao nhiêu vẫn không đủ. Việc đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp hiện nay đang gây lãng phí lớn. Quy mô học sinh học nghề không bao nhiêu nhưng chi phí cho một học sinh học nghề rất cao, cao hơn nhiều sinh viên ĐH" - chuyên gia này nêu thực tế.

Giáo viên áp lực vì quá nhiều sổ sách chồng chéo Nhiều nhà trường, giáo viên chịu áp lực do quá nhiều loại sổ sách chồng chéo, không cần thiết, làm mất rất nhiều thời gian.

Phải sử dụng hiệu quả từng đồng

Ông Vũ Chí Thành, Giám đốc Cao đẳng FPT Polytechnic, cho rằng 20% mức đầu tư lớn bởi có rất nhiều việc khác đáng được quan tâm trong tổng chi ngân sách.

"Vì vậy theo tôi, cần sử dụng hiệu quả từng đồng trong 20% này và thu hút đầu tư vào giáo dục. Nước Mỹ chỉ chi 13%, châu Âu trung bình khoảng 12%. Việt Nam nằm trong top 50 nước chi nhiều nhất cho giáo dục" - ông Thành nói.

Bộ GD&ĐT nói về quy định thí sinh cao từ 1,5 m mới được thi sư phạm

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, ĐH Sư phạm TP.HCM phải đảm bảo bình đẳng cho thí sinh nếu quy định cao từ 1,5 m mới được thi sư phạm.


https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/chat-chiu-tung-dong-dau-tu-cho-giao-duc-20190219224133088.htm

Theo Yến Anh / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm