Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chất độc chết người trong một số cây cảnh quen thuộc

Trúc đào, đỗ quyên, xương rồng là những cây cảnh quen thuộc song ít ai biết rằng trong chúng có những độc tố gây ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng con người.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Thạch, Khoa công nghệ sinh học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, đứng đầu trong các loại cây cảnh có độc tố nguy hiểm là trúc đào.

Theo đó, trong các bộ phận của loại cây này đều chứa chất nhựa màu kem, vàng ngà chứa chất độc gốc cn rất nguy hiểm. Chúng gây ức chế toàn bộ các enzim hô hấp. Nếu dùng đúng liều quy định thì có tác dụng trợ tim, nếu dùng quá liều thì sẽ ngộ độc, thậm chí tử vong.

Trúc đào có hoa rất đẹp nhưng lại là loại cây có độc. Ảnh: Asiaone
Trúc đào có hoa rất đẹp nhưng lại là loại cây có độc. Ảnh: Asiaone

Giáo sư Thạch cho biết, hoa trúc đào rất đẹp nên được dùng khá nhiều bên các khu chung cư, ven đường quốc lộ. Nếu người dân không biết được độc tố của chúng sẽ rất nguy hiểm. Việc tiếp xúc với nhựa của chúng có thể gây ngộ độc tức thì. Chỉ cần ăn phải từ 10-20 lá trúc đào thì một người lớn cũng có thể bị nguy hiểm đến tính mạng và chỉ cần một chiếc lá cũng có thể gây tử vong ở trẻ em. Chuyên gia này đã từng chứng kiến nhiều trường hợp trâu bò bị trúng độc sau khi ăn lá cây trúc đào này.

Đồng quan điểm, giáo sư Ngô Quang Đê, nguyên Chủ tịch Hội sinh vật cảnh của Đại hoc Lâm nghiệp Hà Nội, cũng khuyến cáo cây trúc đào có chứa độc tố. Khi chất độc vào cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng như nôn mửa dữ dội, sau đó người mệt lả, nhức đầu, chóng mặt, đau bụng. Ngộ độc nặng hơn có thể trụy tim, tụt huyết áp, hôn mê rối loạn nhịp tim. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Giáo sư Đê cho biết, trước đây loại cây này được trồng nhiều ở khu dân cư, chùa chiền, song hiện nay người ta đã cấm trồng loại cây này. Ông khuyên người dân tốt nhất tránh xa chúng.
Tương tự trúc đào, đỗ quyên cho hoa rất đẹp nên được nhiều người trồng trong nhà. Tuy nhiên, tất cả các bộ phận của cây đều có chứa độc tố mang tên andromedotoxin và arbutin glucosit. Theo các nghiên cứu, một lượng từ 100-225 g lá đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho trẻ em 25 kg.

Nhựa xương rồng bắn vào mắt gây mù. Ảnh: Socialsciencespace

Ngoài ra, theo nghiên cứu của chuyên gia này, xương rồng cũng là một cây cảnh quen thuộc cần cẩn trọng bởi mủ nhựa của chúng rất độc. Nhựa xương rồng dính vào da, niêm mạc sẽ làm phồng da, rát bỏng. Khi nhựa bắn vào mắt có thể gây mù. Uống phải nhựa xương rồng sẽ bị ngộ độc, đau bụng, đi ngoài... 
Tuy nhiên độc tố của hai loại cây này không nguy hiểm như cây trúc đào.

Riêng cây vạn niên thanh, vạn tuế được nhiều người cảnh báo có chất độc gây chết người, giáo sư Đề cho hay đó là thông tin không chính xác. Đây đều là hai cây cảnh có lợi, được trồng phổ biến. Trong đó, vạn niên thanh có nhiều loại, như loại dây leo và có cây thân như thân cây mía, có loại lá đốm hoặc lá không đốm, tán lá rất rộng có khả năng quang hợp rất tốt.

Vạn niên thanh được trồng nhiều trong văn phòng làm việc nhờ tác dụng lọc không khí. Ảnh minh họa

Cây này được trồng nhiều trong nhà bởi tác dụng lọc không khí theo cơ chế nó hút cacbonic và thải oxy. Còn cây vạn tuế cũng được trồng nhiều từ bao đời nay, độc tố không đáng kể.

Theo giáo sư Đề, với các loại cây cảnh được cảnh báo có độc tố như trúc đào, đỗ quyên, xương rồng, tốt nhất không nên trồng trong nhà để tránh nguy cơ trẻ nhỏ hoặc người lớn vô tình tiếp xúc. Ngoài ra, với tất cả loại cây, nguyên tắc tuyệt đối không tự ý ăn, uống bởi chúng không phải loại có thể ăn được. Khi đó, khả năng dị ứng, ngộ độc hoàn toàn có thể xảy ra.




Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm