Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chất gì trong cua, ốc biển gây tử vong?

Đã có 3/7 người phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn cua biển có hình dạng kỳ dị. Trước đó, cũng đã có trường hợp tử vong sau khi ăn loại cua này.

Đừng tưởng cua, ốc nào cũng ăn được

Chiều 7/5, một nhóm công nhân đã bắt được 10 con cua ở dọc bờ kè xã An Hải (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi). Không giống như cua biển thông thường, những con cua này to gần bằng bàn tay với hình dạng kỳ dị, có lông ở trên mai, càng cua.

Một giờ sau ăn, 3 người trong nhóm công nhân đã xuất hiện khó thở, chân tay tê cứng. Họ được khẩn trương dưa đến bị tê cứng chân, tay, khó thở nên mọi người ở lán trại chở đi cấp cứu tại Trung tâm y tế quân dân y Lý Sơn rồi một trong 3 nạn nhân được chuyển đến cấp cứu tại BV đa khoa Quảng Ngãi.

Theo Bác sĩ Dương Tiến Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quân dân y Lý Sơn thì 3 bệnh nhân này bị ngộ độc thần kinh vì ăn cua mặt quỷ. Theo đó, trong 15 năm qua đã có 6 người tử vong và nhiều người được đưa đến Trung tâm cấp cứu vì ăn loại cua này. Hầu hết họ là người ở xa đến đảo, không biết loài cua này có chứa chất độc

Không chỉ cua gây ngộ độc dẫn đến tử vong nếu ăn phải mà ngay cả với ốc biển, sứa biển – loại thực phẩm khá phổ biến ở vùng ven biển cũng có thể xảy ra tương tự. Trước đó, trong năm 2014, Cục An toàn thực phẩm ( Bộ Y tế) cũng đã tổng hợp ghi nhận có tới 14 trường hợp bị ngộ độc dẫn đến tử vong do ăn phải sứa và ốc ruốc biển (có nơi gọi là ốc chép) có chứa độc tố.

Loại cua chỉ cần ăn 0,5 g thịt cũng khiến tử vong.

Độc tố Saxitonin nguy hiểm cỡ nào?

Qua đánh giá, giám sát mẫu cua, ốc biển mà những người bị ngộ độc ăn phải các chuyên gia phát hiện trong những loài này chứa độc tố Saxitonin và Tetrodotoxin. Đối với cua mặt quỷ độc tố Saxitonin chứa trong thịt và trứng, nhiều nhất trong càng và chân cua. Theo đó, mỗi người chỉ cần ăn 0,5 g là đã có thể tử vong. Cua mặt quỷ thường cư ngụ ở các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu, thường gặp tại các rạn cạn, vùng triều thấp.

TS Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng giám sát ngộ độc (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết, trên thực tế đã ghi nhận nhiều ca ngộ độc khi ăn phải ốc biển, cua biển. Ngay trong tháng một, cũng đã có 3 ngư dân ở Thanh Hóa tử vong do ăn ốc biển đến giờ thì thêm 3 người được báo cáo ngộ độc do ăn cua mặt quỷ ở Quảng Ngãi.

“Saxitoxin là độc tố vi tảo tích lũy trong các loài ốc mặt trăng, ốc đụn, ốc tram … và có thể có trong các sinh vật hai mảnh vỏ, một số loài cua, rạm. Tetrodotoxin có trong ốc tù và, ốc hương Nhật Bản, ốc tù và gai miệng đỏ, ốc bùn, ốc ngọc và có trong một số loài cá nóc, mực đốm xanh hay con so biển” – TS Hùng nói.

Theo đó, triệu chứng ngộ độc cấp tính xảy ra trong vòng 20 phút đến 3h với những dấu hiệu tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi; đau bụng, buồn nôn, nôn, nôn mửa dữ dội; ngoài ra người bệnh còn xuất hiện những cơn đau đầu, tê bì chân tay, đi đứng loạng choạng, liệt, chóng mặt, rối loạn ý thức, hôn mê. Bệnh nhân suy hô hấp cấp, truy tim mạch và dẫn đến tử vong chỉ sau 30 phút hoặc 8h nếu không được cấp cứu kịp thời.

Điều đáng ngại là hiện nay chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho 2 độc tố này. Biện pháp hữu hiệu chỉ là là kích thích cho bệnh nhân nôn càng sớm, càng nhiều càng tốt; rửa dạ dày; uống than hoạt tính để thải loại bớt chất độc; điều trị triệu chứng kịp thời: hỗ trợ hô hấp (thở ô xy, thở máy…), hỗ trợ tuần hoàn (truyền dịch, trợ tim mạch…).

Để dự phòng ngộ độc do ốc, cua biển độc, TS Hùng khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng, không “thử nghiệm” các loại ốc, cua biển nghi ngờ có độc, các loài ốc biển lạ, màu sắc sặc sỡ (ốc ma), hình thù kỳ quái để chế biến thành thức ăn.

http://infonet.vn/chat-gi-trong-cua-oc-bien-gay-tu-vong-post163980.info

Theo Ngô Châu Anh/Báo Infonet

Bạn có thể quan tâm