Trao đổi với báo chí ngày 28/8 về công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật Chất, Bộ GD&ĐT - cho hay Thủ tướng đã có hai nghị quyết yêu cầu các cơ sở giáo dục đào tạo đảm bảo nhà vệ sinh trường học, chú trọng trong năm học mới cần làm quyết liệt và mạnh hơn vấn đề này.
- Vấn đề nhà vệ sinh trường học nhiều lần được đưa ra trong hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới. Hiện tại, nhà vệ sinh trường học đang được triển khai thế nào thưa ông?
- Theo thống kê, trong năm học vừa qua, cả nước bổ sung 60.000 công trình vệ sinh trường học các loại. Trong đó, khâu tổ chức quản lý, sử dụng, làm vệ sinh khi sử dụng là điều quan trọng. Các vấn đề đang tồn tại như kinh phí thuê người dọn dẹp, thiếu nguồn nước và hóa chất.
Ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật Chất, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Đ.L. |
Để đảm bảo nhà vệ sinh, một số thành phố lớn như Hà Đông (Hà Nội) sử dụng kinh phí của quận để thuê dịch vụ riêng quản lý, khai thác nên nhà vệ sinh đảm bảo sạch sẽ. Nhà trường có thể ký hợp đồng với bảo vệ, giao luôn nhiệm vụ dọn dẹp nhà vệ sinh. Trường cũng tổ chức phong trào, giáo viên ý thức trong việc sử dụng nhà vệ sinh.
Nhà vệ sinh trường học mang tính đặc thù vì tần suất học sinh sử dụng rơi vào một thời điểm. Nếu một trường học có 1.500 em cùng nghỉ giải lao, số học sinh vào nhà vệ sinh rất lớn, nếu ý thức không tốt sẽ làm ảnh hưởng bạn bè. Bộ GD&ĐT đang phát động phong trào đảm bảo nhà vệ sinh trong học sinh và giáo viên bằng việc nâng cao ý thức của các em.
Đặc biệt, trong việc đánh giá thi đua của các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đã đưa cơ sở vật chất và nhà vệ sinh trường học vào tiêu chí thi đua. Như vậy, kể cả những trường được đầu tư nhưng không được sử dụng tốt, sẽ không được ghi nhận. Đồng thời, người đứng đầu sẽ có trách nhiệm trong nhà vệ sinh.
Theo Thông tư số 13 về quy định công tác y tế trong trường học, trung bình cả nước có số nhà vệ sinh kiên cố hóa là 80%, đạt chuẩn là 60%.
- Thời gian áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 đã cận kề. Bộ GD&ĐT tính toán trường lớp ra sao cho việc này để giải quyết câu chuyện học hai buổi mỗi ngày?
- Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị đón đầu cho việc triển khai chương trình phổ thông mới cho lớp 1 và chương trình phổ thông mới nói chung. Hiện nay, chúng ta còn khoảng 25% trường học bán kiên cố, phòng học tạm và một số phòng học mượn.
Để chuẩn bị cho việc học 2 buổi/ngày, trước hết phải khắc phục được 25% phòng học tạm tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bộ GD&ĐT khẳng định từ năm 2020, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được cuốn chiếu, các trường dành phòng học cho học sinh lớp 1. Các em từ lớp 2 đến lớp 5 chỉ học một buổi mỗi ngày.
Sau năm 2020, các lớp học khác sẽ thực hiện học hai buổi mỗi ngày nên thiếu phòng học. Địa phương còn 2 năm nữa để chuẩn bị lộ trình này. Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị quyết liệt và phê duyệt nhiều đề án liên quan.
Một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên, Sơn La… áp dụng nguyên tắc “3 cứng”. Họ đầu tư xây dựng từ 30-40 triệu đồng để xây những phòng học kiên cố gồm nền cứng, mái cứng, tường cứng và huy động xã hội hóa để thi công.
- Tình trạng quá tải sĩ số học sinh đang diễn ra khá phổ biến ở thành phố lớn, nơi có tốc độ đô thị hóa cao như Hà Nội. Các địa phương cần giải quyết bài toán này ra sao?
- Ở thành phố lớn tập trung mật độ dân số đông sẽ dẫn tới việc các cơ sở thiếu quỹ đất, thừa sĩ số. Giải pháp đầu tiên và lâu dài là các thành phố, quận huyện phải làm tốt câu chuyện quy hoạch, dự báo, ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục.
Hiện, quỹ đất chủ yếu phát triển dân cư, nhà máy còn đất dành cho giáo dục chưa được quan tâm. Một trong 9 nhiệm vụ Bộ GD&ĐT chỉ đạo là rà soát quy hoạch trường lớp, trong đó ưu tiên phát triển trường học.
Hà Nội đang làm khá tốt việc khuyến khích phát triển trường ngoài công lập để đáp ứng yêu cầu của người dân nhưng vẫn không theo kịp sự phát triển của dân số.
Một số giải pháp tình thế có tác dụng như Bộ GD&ĐT yêu cầu thành phố lớn có lớp học diện tích nhỏ hơn khu vực đồng bằng, một số cơ sở có đủ điều kiện nền móng được nâng tầng, rà soát, sắp xếp lại phòng học và phòng chức năng sao cho hợp lý.