ChatGPT có thể làm rất nhiều thứ trong quá trình tuyển dụng nhân sự. Ảnh minh họa: Reuters. |
Khoảng 5 năm trở lại đây, nhân viên ngành quản trị nhân sự (HR) đã dần chấp nhận sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ như lọc CV của ứng viên tiềm năng hoặc phát triển chatbot để trả lời tự động các câu hỏi cơ bản của nhân viên.
Tuy nhiên, cho đến khi ChatGPT xuất hiện vào tháng 11/2022, mọi chuyện đã thay đổi.
Nhiều dự đoán AI này sẽ “soán ngôi" một số ngành nghề trong tương lai như lập trình viên máy tính, kỹ sư phần mềm, giáo viên, cố vấn tài chính...
Điều này khiến các nhà quản lý nhân sự cũng không hình dung được điều gì sắp xảy ra với họ. Theo HR Executive, đây là thời điểm những lao động trong ngành quản trị nhân lực phải sẵn sàng cho một cuộc chạy đua mới.
ChatGPT làm được quá nhiều
Tim Sackett, chủ tịch của HRU Technical Resources, công ty tuyển dụng nhân sự, cho rằng sự phát triển nhanh chóng của các công cụ AI sẽ đưa việc quản trị trong doanh nghiệp lên một tầm cao mới.
Tim Sackett và Todd Mitchem, giám đốc điều hành của AMP Learning and Development, công ty cung cấp phần mềm quản lý, là một trong những người được trải nghiệm sớm nhất ChatGPT.
Cả 2 đều cho rằng các đầu việc của bộ phận nhân sự hiện nay đều sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi trí thông minh nhân tạo.
Theo Philipp Petrescu, đồng sáng lập và giám đốc điều hành tại MVP Match, về mặt tuyển dụng, ChatGPT có thể viết bản mô tả công việc, soạn thảo câu hỏi phỏng vấn cho các vai trò cụ thể, tạo mẫu email để liên lạc, trao đổi với từng ứng viên.
Công cụ này cũng có thể soạn thảo hợp đồng lao động, chính sách, luật hiện hành trong doanh nghiệp. Đồng thời, ChatGPT cũng dễ dàng cập nhật, thay đổi thông tin theo thời gian thực.
“Với những đầu việc này AI có thể giải quyết trong thời gian rất ngắn, vượt xa năng suất làm việc của những nhân sự trong ngành", ông nói.
Idris Arshad, nhân viên HR của St Christopher, nền tảng cho thuê nhà nghỉ rộng khắp châu Âu cũng đã chia sẻ về quá trình sử dụng ChatGPT trong việc tuyển dụng của anh trên Twitter.
Công cụ này giúp anh mô tả công việc, viết các thông báo về tuyển dụng để đăng tải trên website và các phương tiện truyền thông nhanh chóng.
Về phía Sackett, ông cho rằng trí thông minh nhân tạo có thể đọc và đánh giá nhanh, công bằng giữa các ứng viên trong quá trình tuyển dụng.
“Không có sự tác động của cảm xúc cá nhân, ấn tượng ban đầu, thành kiến… Điều này sẽ giúp doanh nghiệp xác định được những nhân tố có trình độ, phù hợp với yêu cầu", Sackett nói.
AI vượt trội hơn trong các đầu việc cần xử lý thông tin, dữ liệu với tốc độ nhanh. Ảnh minh họa: The New Stack. |
Đồng thời, sự công bằng trong lương, thưởng, phúc lợi của nhân viên cũng có thể dựa vào ChatGPT. Theo Mitchem, khi ai đó đề nghị tăng lương hoặc có những yêu cầu riêng, công cụ này có thể đánh giá mong muốn đó có hợp lý, xứng đáng hay không dựa vào những dữ liệu nó thu thập được. Điều này tạo nên sự công bằng trong môi trường làm việc.
Không những vậy, với những dữ liệu mà AI nhận được hàng ngày, nó còn có thể nhận biết các nhân viên cần sự hỗ trợ về vấn đề cá nhân, tâm lý, sức khỏe thông qua hành vi hay những yêu cầu khác lạ của họ.
Khả năng thực hiện các nhiệm vụ đơn giản với tốc độ nhanh của ChatGPT đã làm dấy lên suy đoán rằng các bộ phận nhân sự sẽ phải thu hẹp quy mô trong tương lai. Tuy nhiên, các chiến lược gia như Sackett và Mitchem khẳng định sẽ còn nhiều vấn đề hơn mà HR cần nắm bắt và giải quyết.
Nhưng chưa đủ
Một thách thức lớn đối với ChatGPT và các mô hình tương tự là thông tin mà chúng cung cấp không phải lúc nào cũng chính xác.
Petrescu cho rằng ChatGPT đang chỉ là được “đóng gói" với những dữ liệu có sẵn được thu thập qua nhiều nguồn khác nhau, nên công cụ này không giải thích được tại sao nó lại viết những điều đó hoặc lấy thông tin cụ thể từ đâu.
Đây là một lỗ hổng lớn khiến nhóm nhân sự tốn nhiều thời gian hơn để kiểm chứng nguồn tin.
Theo Unleash, một vấn đề khác của ChatGPT là “bộ óc" của AI này chỉ đọc được những dữ liệu từ năm 2021. Điều này có nghĩa nó không thể cung cấp thông tin chính xác trong các lĩnh vực ở hiện tại.
Ví dụ: Các luật mới được ban hành đầu năm 2023 có ảnh hưởng đến hợp đồng lao động hoặc các nghiên cứu mới nhất vừa được công bố.
Còn theo Fortune, ChatGPT có thể hỗ trợ các công việc liên quan đến giấy tờ với tốc độ nhanh chóng, nhưng không thể thay thế việc xây dựng mối quan hệ cốt lõi và tầm quan trọng của bộ phận HR trong doanh nghiệp.
“Đây là một thiếu sót đặc biệt trong việc quản trị con người. HR là việc làm đòi hỏi sự gắn kết, thân thiết giữa ứng viên và nhà tuyển dụng, cũng như giữa nhân viên và công ty. Những người làm quản trị nhân sự còn phụ trách các nhiệm vụ về văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của tập thể", Sackett bày tỏ quan điểm
Chắc chắn, một robot có thể đọc thư xin việc, sàng lọc ứng viên, lên lịch phỏng vấn, nhưng không thể đưa ứng viên đi ăn tối, thuyết phục họ tham gia một sự kiện của công ty hay giúp họ kết nối hơn với những đồng nghiệp khác trong quá trình làm việc.
ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi về chênh lệch lương, lợi ích hoặc đưa ra mức độ hài lòng của nhân viên đối với công việc, nhưng những thông tin mà công cụ này cung cấp chỉ dựa vào nguồn dữ liệu có sẵn.
Để nhân viên sử dụng ChatGPT trả lời các câu hỏi khảo sát về tình hiện công việc, những khó khăn của họ, những quan điểm cá nhân, góp ý cho tổ chức,… các doanh nghiệp cần phải nhập một lượng dữ liệu lớn để phân tích.
Nhưng với phần lớn những câu hỏi mang tính chất riêng tư, nhiều nhân viên sẽ không thoải mái để tâm sự với một cỗ máy. Các con số AI cung cấp có vẻ hợp lý, nhưng không phải lúc nào con số cũng có thể phản ánh thực trạng một cách chính xác.
“Điều này đòi hỏi các HR trong tương lai phải là cầu nối, khiến ứng viên, nhân viên tin tưởng họ”, Sackett nhấn mạnh.
Một trong những lý do khiến ChatGPT không thể thay thế việc quản trị nhân sự đó là không thể xây dựng mối quan hệ cốt lõi giữa mọi người. Ảnh minh họa: Sueddeutsche.de |
Rafee Tarafdar, giám đốc công nghệ của công ty tư vấn CNTT Infosys, cho biết điều mà một công cụ như ChatGPT không thể làm là đưa ra quyết định hoặc đề xuất dựa trên kết quả mà nó phân tích được.
Các HR vẫn phải dựa trên chuyên môn của họ để đưa ra các quyết định nhạy cảm, đánh giá các ứng viên xin việc hoặc đánh giá chất lượng bảo hiểm sức khỏe và các phúc lợi khác của người lao động sao cho ứng với tình hình thực tế của công ty và thực trạng xã hội.
Ngoài ra, theo Tarafdar, HR cũng phải hiểu được tầm quan trọng của họ trong bộ máy vận hành của doanh nghiệp.
Các chuyên gia đều đồng ý rằng AI sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho bộ phận quản lý nhân sự với tốc độ làm việc và khả năng xử lý dữ liệu trên quy mô lớn. Tuy nhiên, đã đến lúc các HR cần chú trọng vào các kỹ năng mềm, xử lý tình huống, quản trị con người, gắn kết tổ chức bằng bộ óc và trái tim.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.