Ngày 20/4, qua một bản tin truyền hình, Chie Matsuda biết rằng hành khách trên các chuyến bay Mỹ vừa được phép bỏ khẩu trang. Đó là khoảnh khắc vui mừng đối với một số người Mỹ, còn bà thì không.
“Tôi sẽ cảm thấy không thoải mái nếu hành khách ngồi cạnh mình trên chuyến bay không đeo khẩu trang”, bà Matsuda (64 tuổi), đang ăn bánh mì kẹp bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Tokyo (Nhật Bản), nói với Wall Street Journal.
Bà chia sẻ thêm: “Chúng ta vẫn chưa thực sự tìm cách sống chung với đại dịch. Ở giai đoạn này, tốt nhất con người nên tiếp cận ‘bình thường mới’ một cách thận trọng hơn”.
Nhiều người Mỹ không còn đeo khẩu trang ở các sân vận động, cuộc họp văn phòng và trên máy bay. Họ như thể đến từ hành tinh khác so với phần lớn người dân châu Á, nơi khẩu trang vẫn rất phổ biến và có lẽ sẽ còn duy trì một thời gian dài, Wall Street Journal nhận định.
Một trận đấu bóng bầu dục vào tháng trước ở Tokyo. Ảnh: Charly Triballeau/AFP. |
Tránh áp lực xã hội
Ngày 18/4, nhiều hãng hàng không lớn tại Mỹ bao gồm American Airlines, Delta Air Lines, Southwest Airlines, United Airlines, Alaska Air... và tuyến tàu hỏa quốc gia Amtrak đồng loạt thông báo bỏ quy định đeo khẩu trang đối với du khách và nhân viên.
Nhiều người, thậm chí đang trong chuyến bay, đã hưởng ứng bằng cách bỏ khẩu trang ngay khi thông báo được lan truyền.
Việc nới lỏng hạn chế phòng Covid-19 này diễn ra sau khi Kathryn Kimball Mizelle, thẩm phán liên bang ở Florida, bãi bỏ yêu cầu đeo khẩu trang của CDC với hành khách đi máy bay và các hình thức giao thông công cộng khác.
Vị thẩm phán cho rằng CDC đang vượt quá thẩm quyền quy định, không thông qua ý kiến cộng đồng và không giải thích thỏa đáng các quyết định của mình.
Tuy nhiên, cảnh tương tự khó có thể sớm xảy ra ở châu Á. Từ Thái Lan, Hàn Quốc cho đến áp lực xã hội tại Nhật Bản, hoặc yêu cầu của chính phủ, người dân vẫn phải đeo khẩu trang.
Khẩu trang vắng bóng tại một sân vận động ở thành phố Athens (bang Georgia, Mỹ) hôm 16/4. Ảnh: Jason Getz/AP. |
Tại xứ kim chi, nơi làn sóng Omicron đẩy số ca mắc Covid-19 đạt đỉnh hồi tháng 3, giới chức hiện đã dỡ bỏ các hạn chế về quy mô tụ tập và giờ hoạt động kinh doanh. Song, quy định đeo khẩu trang vẫn còn đó.
Ngày 20/4, Jeon Hae-cheol, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc, cho biết tháng 5, quy định có thể được dỡ bỏ tại các không gian ngoài trời. Còn với không gian trong nhà, người dân vẫn phải tiếp tục đeo khẩu trang.
“Khẩu trang vẫn giữ vai trò quan trọng trong thời gian dài”, ông khẳng định.
Hong Kong đã nới lỏng một số quy tắc giãn cách xã hội kể từ ngày 21/4. Tuy nhiên, thành phố vẫn duy trì quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ngay cả với những người tập thể dục ngoài trời. Mức phạt cho người vi phạm lên tới hơn 600 USD.
Ở Nhật Bản, việc đeo khẩu trang vốn phổ biến từ trước khi đại dịch hoành hành. Nó càng ăn sâu hơn vào xã hội nước này trong 2 năm gần đây. Xứ hoa anh đào không còn bắt buộc đeo khẩu trang, nhưng hầu hết người dân vẫn thực hiện.
Hành khách trên tàu điện ngầm ở Tokyo hôm 18/4. Ảnh: Charly Triballeau/AFP. |
“Tôi tin rằng đó là do áp lực từ xã hội”, Ryo Takahashi (22 tuổi), sinh viên đại học, chia sẻ. Anh đeo chiếc khẩu trang vải trong lúc xếp hàng chờ gọi món tại một quán đồ ăn nhanh.
Takahashi không lo lắng nhiều về việc nhiễm virus SARS-CoV-2, bởi anh còn trẻ và biến chủng Omicron không gây ra những triệu chứng nghiêm trọng. Thế nhưng, anh vẫn đeo khẩu trang để tránh nổi bật giữa đám đông.
Khẩu trang vẫn quan trọng
Tỷ lệ lây nhiễm ở Nhật Bản, Hàn Quốc và một số khu vực khác của châu Á cao hơn Mỹ do biến chủng Omicron BA.2 vẫn tiếp tục lây lan, mặc dù số ca tử vong và nhập viện đã giảm.
Các quán ăn, cửa hàng và hội trường tổ chức sự kiện ở xứ hoa anh đào yêu cầu khách phải đeo khẩu trang, trừ lúc ăn uống. Tại trường, học sinh đeo khẩu trang phần lớn thời gian và ăn trưa một cách yên lặng.
Tuy nhiên, mọi người không cảm thấy khó chịu.
Koji Yoshimura, quan chức tại Liên đoàn Hiệp hội Taxi cho thuê Nhật Bản, cho biết trong thời gian đầu đại dịch, khi nguồn cung khẩu trang còn bị hạn chế, các cuộc tranh cãi về yêu cầu đeo khẩu trang từng xảy ra giữa tài xế và hành khách.
“Nhưng hiện nay, những tranh chấp tương tự hầu như không còn nữa”, ông nói.
Việc đeo khẩu trang ở châu Á nói chung, Nhật Bản nói riêng vốn phổ biến từ trước khi đại dịch hoành hành. Ảnh minh họa: Kyodo News. |
Theo cuộc khảo sát vào tháng 3 của Planet Inc., một công ty dịch vụ dữ liệu ở Tokyo, hơn 1/3 số người được hỏi có ý định đeo khẩu trang mọi lúc, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát. Khoảng 1/2 cho biết thỉnh thoảng họ sẽ đeo khẩu trang.
Sau phán quyết của tòa án Mỹ, các hãng hàng không Nhật Bản cho biết vẫn tiếp tục yêu cầu hành khách trên các chuyến bay nội địa và quốc tế phải đeo khẩu trang khi lên máy bay và tại sân bay.
Tetsuya Hayano, phát ngôn viên của Japan Airlines Co., cho biết hãng hàng không sẽ thuyết phục càng nhiều hành khách đeo khẩu trang càng tốt. Mặt khác, nếu không tuân thủ, họ có thể không được phép bay, trích nội dung trên website công ty.
“Điều này để giảm bớt nỗi lo lắng cho những hành khách khác”, ông nói.