Theo The Paper, thực tế đang tồn tại sự hỗn loạn trong thị trường gia sư trực tuyến tại Trung Quốc. Là một mắt xích quan trọng trong giáo dục, một nhóm được gọi là "bán hàng dưới sự kèm cặp", công việc gia sư thu hút sự quan tâm lớn.
Tuy nhiên, để thu hút học viên, nhiều trung tâm gia sư đã có nhiều chiêu trò gian lận, tác động tiêu cực vào tâm lý phụ huynh.
Một số cựu gia sư đã chủ động vạch trần các thủ đoạn mà họ từng áp dụng khi còn làm việc tại các trung tâm. Họ phải bán đủ khóa học, chịu trách nhiệm về KPI chi tiết, làm việc theo quy trình cho trước. Các gia sư online trao đổi với phụ huynh bằng từ ngữ, quy trình được chuẩn hóa thành kịch bản đã được trau chuốt kỹ lưỡng.
Nhiều gia sư trực tuyến tập trung vào việc bán khóa học chứ không để tâm đến nhu cầu của hoc viên, phụ huynh. Ảnh: Sina. |
Đầu tháng 6, Yuan Rong, một gia sư trực tuyến, bước vào đợt tuyển sinh mới cho lớp của mình. Anh tham gia một lớp trải nghiệm ngắn hạn, thu hút phụ huynh trong lớp đó, sau đó thuyết phục họ đăng ký cho con lớp học hè.
Ban đầu, một phụ huynh cảm thấy thời gian của khóa học không phù hợp với con nên không có ý định đăng ký.
Yuan Rong bắt đầu dùng lời lẽ kích động vị phụ huynh: "Học lực của con chị không tốt lắm, nghỉ hè là thời gian để cải thiện. Các khóa học của chúng tôi không chỉ kéo dài 7 ngày mà là kế hoạch học tập 21 ngày. Gia sư có thể giúp cháu. Không chỉ giúp học sinh củng cố kiến thức toán và ngôn ngữ mà còn rèn luyện nhiều kỹ năng".
Vị phụ huynh bị thuyết phục và đã đăng ký cho con khóa gia sư Toán và Tiếng Trung.
Trên thực tế, kế hoạch học tập 21 ngày Yuan Rong đề cập chỉ có 7 ngày là học chính, 14 ngày còn lại là học hè. Gia sư thêm WeChat của phụ huynh 7 ngày trước khi đến lớp để giúp con chuẩn bị. Sau giờ học, anh sẽ giúp đứa trẻ ôn tập.
Là một gia sư thời vụ, Yuan Rong biết rõ các thủ thuật để bán được khóa học. Về cơ bản, 70% nội dung công việc của gia sư ở mỗi cơ sở giáo dục là bán hàng.
Nhiều gia sư cảm thấy áp lực khi phải chạy đua doanh số, bán đủ khóa học cho công ty. Ảnh: The Paper. |
Theo báo cáo, một khóa học kinh nghiệm ngắn hạn là 7 ngày, và thời gian hướng dẫn của gia sư thường là khoảng 10-15 ngày. Dịch vụ bắt đầu từ thông tin liên hệ của phụ huynh và thêm họ vào nhóm chat chung của lớp để trao đổi.
Lin Rui, một gia sư ngắn hạn ở Vũ Hán, nói rằng công ty của cô có một nền tảng trao đổi học tập chuyên dụng mà trên đó các gia sư có thể tìm hiểu các tiêu chuẩn hoạt động của các gia sư xuất sắc.
Một số gia sư còn gian lận bằng cách dùng một tài khoản khác đóng giả làm phụ huynh để vào nhóm. Tài khoản giả mạo tự đặt câu hỏi, khen ngợi giáo viên để phụ huynh có thêm sự tin tưởng.
Các gia sư thường làm việc từ 13h đến 22h hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều người cho biết thực tế họ hiếm khi được nghỉ trước 23h, nhiều lúc phải tăng ca tới nửa đêm.
Liu Han, một gia sư làm việc ở thành phố Trường Sa (Hồ Nam), cho biết thời gian gần đây cô nhận thấy công ty đang sa thải nhân viên một cách không rõ ràng. Những người không tuyển đủ học viên sẽ bị thuyên chuyển sang vị trí khác.
He Jing, từng làm gia sư cho một trung tâm Anh ngữ trực tuyến, nói rằng KPI là thứ mà công ty quan tâm nhất, ít nhất phải đạt 88% mỗi tháng. Để đạt được mục tiêu này, He Jing phải có khoảng 25 cuộc gọi hiệu quả trước khi tan làm lúc 21h.
Những cuộc gọi không kết nối được với phụ huynh sẽ không được tính. Nếu cuối tháng không đạt chỉ tiêu, cô và những người đồng nghiệp sẽ bị phạt.
Trước áp lực quá lớn, nhiều gia sư đã quyết định rời khỏi ngành công nghiệp này. Họ thất vọng khi nhận ra công việc này không phải để gắn bó và giáo dục trẻ em mà mang tính chất bán hàng quá lớn.