Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chạy đua với thời gian cứu bệnh nhân uốn ván

Người đàn ông ở Hòa Bình nhập viện trong tình trạng hai hàm răng cắn chặt, toàn thân tím tái, nguy cơ sắp ngừng thở.

Cách đây 10 ngày, bệnh nhân bị que gỗ đâm vào đuôi cung mày bên phải trong lúc làm việc. Ảnh: BSCC.

Mới đây, TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết chiều 10/11, đơn vị này tiếp nhận một bệnh nhân uốn ván trong tình trạng suy hô hấp nguy kịch. Khi nhập viện, bệnh nhân tăng trương lực cơ toàn thân, hai hàm răng cắn chặt, đờm hầu họng, không nuốt và ho khạc được. Người bệnh thở rất khó khăn, toàn thân tím tái, nguy cơ sắp ngừng thở.

Theo bác sĩ Tình, lúc này, các thầy thuốc chỉ có ít phút để mở đường thở qua cổ (mở khí quản) hỗ trợ thở máy cho bệnh nhân. Quá trình chuẩn bị dụng cụ và mở khí quản được tiến hành rất nhanh chóng, khẩn trương. Sau khoảng 10 phút, bệnh nhân đã được mở một đường thở qua cổ, hút trong phổi ra rất nhiều đờm, tình trạng hô hấp đảm bảo.

"Bệnh nhân cần nhiều ngày tiếp theo để điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng tích cực mới có hy vọng sống sót", bác sĩ Tình nói.

Benh nhan uon van anh 1

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Cách đây 10 ngày, bệnh nhân bị que gỗ đâm vào đuôi cung mày bên phải trong lúc làm việc. Vết thương chảy máu, sau đó tự cầm và khô dần.

Hai ngày gần đây, người đàn ông xuất hiện há miệng hạn chế, khó nuốt, không ho khạc được. Sau đó, bệnh nhân khó thở, hai hàm răng cắn chặt, được gia đình đưa đi cấp cứu.

Trước đó, ngày 31/10, cơ sở y tế này cũng tiếp nhận một bệnh nhân uốn ván trong tình trạng tương tự và phải mở khí quản cấp cứu để tạo đường thở qua cổ. Sáng 10/11, bệnh nhân được rút ống mở khí quản, tự thở tốt, đang được theo dõi sát và phục hồi chức năng tích cực. Hai bệnh nhân đang điều trị ở giường bệnh sát nhau để thuận lợi cho việc chăm sóc và phục hồi chức năng.

Bệnh uốn ván đã có vaccine phòng ngừa. Trường hợp được tiêm phòng vaccine chủ yếu là trẻ em và phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ. Vaccine uốn ván chỉ sinh ra kháng thể trong 5-10 năm nên cần tiêm nhắc lại một mũi sau 5-10 năm đối với người đã tiêm phòng đầy đủ trước đó. Vì vậy, đa số người lớn và trẻ em sau tiêm vaccine trên 10 năm không có kháng thể chống lại vi khuẩn uốn ván nên rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương, gây bệnh.

"Tiêm phòng vaccine uốn ván cho những người chưa tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa tiêm nhắc lại là việc cần thiết. Đặc biệt, những người có nguy cơ cao như thường xuyên tiếp xúc với bùn đất, phân của các loài động vật, nông dân, công nhân trong công trường, nhà máy, xí nghiệp... cần tiêm vaccine sớm", bác sĩ Tình khuyến cáo.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những con người vượt qua bệnh tật và những trang sách yêu mến cuộc sống ở tuyển tập sách của Zing.

> Xem thêm: Hành trình chiến thắng bệnh tật

Người phụ nữ phát hiện ung thư đại trực tràng từ triệu chứng đơn giản

Người phụ nữ này cho biết vài tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân thấy đi ngoài phân lỏng, kèm theo mệt mỏi mức độ nhẹ.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm