Khi nhu cầu vui chơi, giải trí ngày càng tăng cao, bartender (người pha chế) nhanh chóng trở thành một trong những nghề hot trong giới trẻ. Với môi trường làm việc chủ yếu tại bar, beer club, nhà hàng… một bartender chuyên nghiệp cần nằm lòng hàng trăm công thức đồ uống, "làm bạn" với rượu, hoa quả, chai, bình lắc rượu và ly.
Công việc này chia ra 2 bậc: bartender bình thường (chỉ pha chế theo cách cổ điển) và bartender showmanship (ở đẳng cấp cao hơn, vừa biểu diễn vừa pha chế).
Minh Quân (sinh viên TP HCM) cho biết: “Mình chọn bartender vì yêu thích sự năng động và cơ hội việc làm của nghề này khá cao. Mọi người chỉ cần học vài tháng có thể xin vào pha chế tại những quán nhỏ, nếu có kinh nghiệm, chịu khó luyện tập sẽ kiếm được việc tốt hơn".
Cháy sân khấu vì múa chai với lửa
Để thành công, một bartender thường phải trải qua 1-3 năm khổ luyện với rất nhiều thách thức. Đôi lúc, nhằm tạo sự khác biệt, người pha chế còn mạnh dạn thực hiện vũ đạo hay dùng lửa biểu diễn.
Lê Mạnh (bartender tự do tại TP HCM) kể lại bài học đáng nhớ: “Ngày đầu vào nghề, mình thường đi diễn ở hội chợ, vừa kiếm tiền vừa có thêm kinh nghiệm. Mình sử dụng lửa để thu hút khách hàng. Do còn non nên mình làm rơi chai, đổ cồn ra sàn. Lúc ấy, lửa bùng cháy khiến một số khán giả hoảng sợ”.
Màn múa lửa đẹp mắt của chàng bartender trẻ tuổi. Ảnh: NVCC. |
“Mình chứng kiến khá nhiều đồng nghiệp gặp phải tai nạn đáng tiếc như bỏng lửa, chảy máu đầu… Có người còn bị mảnh thủy tinh rơi trúng phải nhập viện khâu nhiều mũi, hay bị bỏng miệng, hàng ngày chỉ có thể ăn cháo loãng bằng ống hút” - Nam nói.
Vì tính chất vất vả, nguy hiểm của nghề, không ít bạn trẻ có khả năng biểu diễn quăng chai hiện dần dần từ bỏ đam mê. Một số khác lại quyết định trở về làm pha chế theo phong cách cổ điển.
Nhận không ít cay đắng, tủi hờn
Giống như nghề PG, PB, môi trường làm việc nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc với chất kích thích, gặp gỡ nhiều loại người khác nhau... khiến các bartender hay rơi vào tình huống dở khóc, dở cười, gây hiểu lầm.
Thanh Hằng (nữ pha chế mới ra trường) cho hay: “Khi tìm phòng trọ, mình thường nói rõ nghề nghiệp, giờ giấc đi làm cho chủ nhà biết. Lần gần đây nhất, người cho mình thuê phòng là hai cô chú lớn tuổi, không biết bartender là gì? Lúc nghe thấy làm việc ở quán bar, beer club…và thường xuyên về khuya, họ thẳng thừng từ chối, cho rằng nghề này không đàng hoàng, tốt đẹp".
Tương tự Thanh Hằng, Hoài Lê (bartender tại TP HCM) cũng gặp phải nhiều điều tiếng từ xã hội. Lê cho biết, mỗi khi luyện quăng chai, anh thường bị mọi người chê bai rằng: "Học cái gì không học, lại học làm xiếc lòe thiên hạ". Dù rất buồn, chàng trai vẫn cố gắng mỉm cười cho qua, tiếp tục sống với đam mê của mình.
Dù gặp phải nhiều điều tiếng khi làm bartender, Hoài Lê vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê. Ảnh: FBNV. |
Công việc vất vả, thường xuyên làm đêm khiến những bạn trẻ theo nghề pha chế luôn về nhà trong tình trạng mệt mỏi. Minh Ngọc chia sẻ: “Mình xong việc vào khoảng 12h đêm, về đến nhà đã gần 1h sáng.
Có lần, mình gặp một tên "yêu râu xanh" ngay trong hẻm. Rất may, có mấy cô chú công nhân vệ sinh gần đó nên hắn không dám làm gì. Từ đó, mỗi khi về trễ, mình đều nhờ đồng nghiệp, bạn bè đưa về. Sau một thời gian, mình quyết định chia tay với nghề bartender”.
Trước đây, nghề pha chế hay được các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn lựa chọn theo đuổi. Tuy nhiên hiện tại, nhiều trường dạy nghề, hướng nghiệp tại Việt Nam có xu hướng đào tạo bài bản công việc này.
Mỗi nghề nghiệp đều mang nhiều khó khăn, thuận lợi riêng. Bởi vậy, những người không có bản lĩnh, lòng kiên trì rất khó có thể tiếp cận bartender và thành công với nó.