Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, chuyên gia dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bệnh viêm đại tràng mạn tính xuất hiện sau khi nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh vật ở ruột. Ngoài ra, bệnh còn có thể tiến triển do xúc động tâm lý lo lắng, căng thẳng.
Khi gặp thức ăn, niêm mạc ruột “nhạy cảm” quá mức thường gây ra chứng đau ê ẩm phần bụng dưới, dọc theo khung đại tràng. Cảm giác đau tăng lên khi ăn, trước khi đại tiện. Thậm chí, bệnh còn gây rối loạn tiêu hóa, đại tiện.
Người bênh phải ăn uống kiêng khem, dễ bị đau bụng, đi ngoài. Đây là phiền toái không nhỏ, nhất là trong ngày Tết.
Bệnh nhân viêm đại tràng cần phải ăn uống kiêng khem. Ảnh: Everydayhealth
. |
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, vào ngày Tết, người viêm đại tràng mạn tính cần nhớ nguyên tắc xây dựng chế độ ăn như sau:
- Ưu tiên các loại thực phẩm ít chất béo như thịt nạc, cá nạc. Khi ăn các thực phẩm tanh như tôm, cua, cá, trứng nên dùng ít một và ngay sau khi chế biến. Chất đạm nạp vào cơ thể khuyến nghị 1 g/kg/ ngày. Chất béo không quá 15 g/ ngày.
- Uống đủ nước, ăn sữa chua, uống sữa không có lactose. Người bệnh hầu như không có nhiều lợi khuẩn để tiết men latase tiêu hóa lactose thành đường glucose. Nếu uống sữa có lactose, đường ruột lập tức “đánh đuổi” kẻ lạ, gây hiện tượng bụng sôi, đau quặn và đại tiện.
- Ăn các loại rau xanh nhiều lá: rau ngót, rau muống, rau cải… Nhưng chỉ nên nhặt phần rau non để ăn.
- Khi chế biến thức ăn nên hấp hoặc luộc, hạn chế xào rán.
Cần tránh ăn những thức ăn sau:
- Trứng, nem rán, thịt mỡ, đậu đen, hành sống, dưa cà muối.
- Rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga vì các loại thực phẩm này gây đầy hơi, chướng bụng.
- Sữa có lactose, quả quá ngọt, mật ong để tránh bị tiêu chảy, đầy hơi.
- Rau sống, ngô hạt, măng là những thực phẩm ảnh hưởng xấu đến vết loét.
Người bệnh nên thăm khám và có tư vấn của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để có thực đơn đa dạng mà vẫn đảm bảo sức khỏe để có những ngày Tết vui vẻ, trọn vẹn bên gia đình.