Công an tỉnh Thanh Hóa đang tạm giữ hình sự Lê Văn Hoàng (18 tuổi, ở TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) để điều tra hành vi Giết người. Hoàng là nghi phạm giết con nợ rồi trói tay chân, giấu xác dưới gầm giường trước khi ném xuống sông Mã để phi tang.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cho biết sau khi phi tang xác, nam thanh niên còn lấy tài sản của nạn nhân gồm xe máy, laptop và điện thoại đi bán để lấy tiền tiêu xài.
Với những hành vi này, nghi phạm có phải đối diện các tình tiết định khung, tăng nặng trách nhiệm hình sự không. Ngoài ra, có thể khởi tố Hoàng về tội Cướp tài sản hay không?
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội
Hành vi tước đoạt tính mạng của người khác chỉ vì 5 triệu đồng thể hiện sự manh động, coi thường pháp luật và đáng bị lên án. Với việc dùng ấm đun nước đập nhiều lần vào đầu khiến nạn nhân tử vong, hành vi của Hoàng đủ yếu tố cấu thành tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Lê Văn Hoàng làm việc với cơ quan công an. Ảnh: Công an Thanh Hóa. |
Về các tình tiết như dùng băng dính quấn thi thể nạn nhân, giấu thi thể trong bao tải đặt dưới gầm giường rồi phi tang xuống sông, có thể thấy hành vi này nhằm phi tang thi thể, che giấu tội phạm. Đây không phải hành vi mang tính chất man rợ hay nhằm mục đích xâm phạm thi thể. Do đó, tình tiết này không có ý nghĩa trong việc định khung, định tội.
Đối với tình tiết tăng nặng có hành động xảo quyệt nhằm che giấu tội phạm theo Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, quy định này hiện chưa có văn bản hướng dẫn chính thức của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Để phục vụ thực tiễn xét xử, các khái niệm phức tạp này được định nghĩa tại Sổ tay thẩm phán của TAND Tối cao, lưu hành năm 2009.
Theo đó, “hành động xảo quyệt, hung hãn” được là “hành động thâm hiểm, khó mà lường thấy trước được hoặc là hành động dữ tợn, phá phách, đánh giết người nhằm trốn tránh, tẩu thoát hoặc để che giấu tội phạm.” Yếu tố “xảo quyệt” được hiểu là sự thâm hiểm, khó lường, thể hiện sự tính toán nhằm đánh lạc hướng điều tra và tạo chứng cứ ngoại phạm. Việc gói, bọc xác và vứt đi đơn thuần chỉ thể hiện ý muốn phi tang vật chứng của tội phạm, không thể hiện được tính chất “xảo quyệt” hoặc “thâm hiểm”.
Như vậy, nghi phạm có thể đối diện mức án 7-15 năm tù về tội Giết người theo khoản 2, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Về việc xử lý thêm nghi phạm về tội Cướp tài sản, cần cân nhắc kỹ cấu thành của tội danh này. Cụ thể, cấu thành cơ bản của tội này đòi hỏi phải có mục đích chiếm đoạt và hành vi dùng vũ lực hướng tới chiếm đoạt tài sản. Do đó, cần làm rõ mục đích chiếm đoạt tài sản của H. hình thành từ thời điểm nào, trước hay sau khi thực hiện hành vi giết người, cũng như các tình tiết khách quan khác nhằm bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội.
Thực tế xét xử cho thấy đối với hành vi giết người rồi chiếm đoạt tài sản, các bị cáo thường sẽ bị truy tố, xét xử về tội Giết người và Cướp tài sản bởi trong các vụ việc đó, việc gây thương tích và tước đoạt mạng sống là nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, các yếu tố này khá khó chứng minh, cần căn cứ vào hồ sơ vụ án cũng như lời khai của bị cáo.