Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Check-in - chỉ hai từ đơn giản mà sao khó làm đúng đến thế

Nào có ai ngăn cấm văn hóa selfie, check-in. Nhưng để người khác nói mình kém duyên thì buồn quá!

Những ngày gần đây, mạng xã hội xuất hiện cuộc tranh cãi về việc check-in của nhiều bạn trẻ tại buổi triển lãm tranh Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Cụ thể, không ít người phản ánh rằng để có ảnh đẹp, nhiều bạn trẻ đã không chần chừ mà đứng sát vào tranh, tạo dáng và che chắn tầm nhìn của mọi người. Thậm chí, họ đến triển lãm chỉ để check-in rồi ra về thay vì tìm hiểu thông tin về tranh, tác giả

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng đây là chuyện bình thường vì vốn dĩ, triển lãm này được sắp xếp nhằm tăng tính tương tác giữa tranh và người xem.

Không có đúng, không có sai trong việc check-in. Vốn dĩ, chụp ảnh tại một địa điểm đã trở nên quá phổ biến trong giới trẻ. Tuy nhiên, không phải nơi đâu cũng là địa điểm lý tưởng cho việc “sống ảo”.

Che tầm nhìn người khác để tạo ra nghệ thuật?

Đây không phải lần đầu tiên việc check-in tại triển lãm trở thành đề tài bàn luận. Tại TP.HCM, các triển lãm tại trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory Contemporary Arts Center cũng không ít lần trở thành "nạn nhân" của việc check-in.

Vì là trung tâm nghệ thuật nên bên trong The Factory Contemporary Arts Center là không gian được trang trí tinh tế với nhiều góc có thể chụp ảnh. Chính vì thế, nơi đây thường xuyên có tên trong danh sách "những địa điểm sống ảo ở TP.HCM".

Mặc dù các tác phẩm không mang tính tương tác cao như Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm, nhiều bạn trẻ cũng chỉ đến đây để chụp ảnh rồi ra về. Việc chụp ảnh cũng ảnh hưởng đến những người đến vì muốn thưởng thức tranh.

Đừng để bản thân trở nên 'kém duyên'

Cụm từ "check-in" không còn xa lạ đối với giới trẻ ngày nay. Nó xuất phát từ cụm từ "tự định vị cá nhân" – một hình thức chia sẻ vị trí của mình với bạn bè (theo Wikipedia).

Nhan nhản trên Facebook, Instagram, có thể thấy hình ảnh của các bạn trẻ kèm theo vị trí được định vị trên dòng trạng thái. Đi ăn, đi cà phê, gặp mặt bạn bè, đi du lịch đều chụp ảnh check-in như một giao ước ngầm.

Bên cạnh đó, "selfie" cũng là một từ quen thuộc, xuất hiện đầu tiên vào năm 2002 từ một diễn đàn của Úc (theo Wikipedia). Tuy nhiên, đến năm 2013, "selfie" mới trở nên phổ biến và xuất hiện rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Giới trẻ Việt Nam thường dí dỏm gọi hành động chụp ảnh rồi đăng tải lên mạng xã hội là "sống ảo".

Tuy nhiên, "sống ảo" cũng phải đúng nơi, đúng thời điểm. Không phải ai cũng hiểu điều đó.

Cuối năm 2018, cộng đồng mạng phẫn nộ trước hành động ngồi giữa đường check-in của một nhóm phượt thủ. Lợi dụng lúc đường vắng, nhóm này vô tư đậu xe ven đường và xếp hàng dài ở giữa vạch kẻ, tạo dáng và selfie.

VCCA anh 5
Nhóm phượt thủ ngồi giữa đường check-in khiến cộng đồng mạng bức xúc.

Hành động này vấp phải rất nhiều ý kiến gay gắt. Không ít người cho rằng việc này có thể gây cản trở giao thông và có thể gây ra tai nạn nguy hiểm cho cả những người tham gia cũng như người điều khiển phương tiện giao thông.

Thời gian trước đây, tại Việt Nam và nước ngoài, một vài bạn trẻ chụp ảnh selfie trong tang lễ của người thân và đăng tải lên mạng xã hội kèm những dòng tiếc thương.

Khi gõ hashtag #funeral (nghĩa là tang lễ) trên thanh công cụ tìm kiếm của Instagram, các hình ảnh check-in hiện ra. Hình ảnh có thể ở thời điểm buổi lễ đang diễn ra, trên đường đưa tiễn,…

Những hình ảnh này nhận được ý kiến gây gắt từ dân mạng. Nhiều người tự hỏi liệu thông báo cho cả Facebook biết mình đau buồn thì mới là đau buồn thật?

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều trường hợp check-in trên thế giới cũng bị "ném đá" vì không đúng thời điểm.

VCCA anh 6
Nhóm du khách Anh vô tư check-in cùng búp bê tình dục tại tòa tháp đôi Ground Zero. Ảnh: Scoopnet.

Tháng 9/2016, một nhóm du khách người Anh đã vô tư selfie cùng búp bê tình dục tại nơi tưởng niệm nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9. Tòa tháp đôi Ground Zero trở thành nơi tham quan, cầu nguyện cho du khách mỗi khi đến thành phố New York.

Hành động selfie "xấu xí" này khiến du khách ở đây cũng như cộng đồng mạng vô cùng bức xúc.

Đầu năm 2016, một đôi du khách cũng khiến mọi người "lắc đầu" khi có thể thản nhiên giơ điện thoại lên "tự sướng" vui vẻ khi khung cảnh phía sau là khách sạn Address 63 tầng (Dubai) đang cháy lớn. 

Hành động khó hiểu của cặp đôi vấp phải nhiều chỉ trích từ dân mạng. Những từ ngữ như "ngu ngốc", "thiếu tôn trọng", "ác độc",... xuất hiện bên dưới ảnh của hai người.

VCCA anh 7
Cặp đôi vô tư chụp ảnh khi tòa nhà phía sau đang cháy lớn. Ảnh: India Times.

Sự thật là, "check-in" từ lâu đã vượt xa ra khỏi tính năng đơn thuần của mạng xã hội, nó đã trở thành thói quen và một phần cuộc sống của thế hệ trẻ hiện đại. Thật nhạt nhẽo biết bao nếu thiếu đi động tác giơ chiếc smartphone lên chụp ảnh, rồi gõ một dòng nhỏ nhỏ để khoe hôm nay ăn gì, cà phê ở đâu, đang cảm thấy thế nào.

Không phải show-off, làm màu, phô trương, sống ảo, check-in đơn giản là khéo léo thể hiện với cả thế giới "tôi là ai" mà chẳng cần nói thành lời.

Chỉ cần hãy làm sao cho đừng ảnh hưởng tới hoạt động của người khác. Hãy chia sẻ và hòa nhập trend với cả thế giới sao cho thật văn minh, tôn trọng không gian của mọi người, để cuộc sống của ai cũng đầy ắp sự thú vị và niềm vui, chứ không phải nhíu mày, lắc đầu, chê nhau là "những kẻ kém duyên".

Những bạn trẻ đứng chắn cả tranh để check-in tại triển lãm Dù đã có những ý kiến bức xúc, nhiều bạn trẻ đến triển lãm tranh Van Gogh tại VCCA chỉ lo tìm chỗ đẹp để chụp ảnh, đứng che cả tranh khiến những người xem khó chịu.

Quay lại VCCA, ngỡ ngàng nhiều bạn vẫn đứng che cả tranh để chụp ảnh

Phản ánh của Zing.vn và ý kiến các bên về những người tới xem triển lãm che cả tranh check in dường như không ngăn được việc các bạn che tầm nhìn mọi người để có tấm hình đẹp.




Lê Ngọc

Bạn có thể quan tâm