Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Check-in ở triển lãm không sai, nhưng quan trọng bạn đứng ở đâu vậy?

Không ai cấm mọi người chụp ảnh cùng tranh khi tới buổi triển lãm. Nhưng chỉ vì muốn có ảnh đẹp check-in mà làm ảnh hưởng đến việc xem tranh của người khác thì thật khó chấp nhận.

Trong buổi triển lãm tranh Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, phóng viên Zing.vn ghi nhận việc một số bạn trẻ vì muốn sở hữu bức ảnh đẹp đã đứng sát vào bức tranh, che chắn tầm nhìn của mọi người.

Sau bài phản ánh, nhiều độc giả đã từng đến triển lãm bày tỏ sự bức xúc bởi một số người không tới đó xem tranh hay tìm hiểu thông tin về tác giả, tác phẩm, mà chỉ thi nhau tạo đủ dáng để chụp ảnh ngay trước các màn trình chiếu.

Check-in không xấu nhưng cần đúng lúc, đúng chỗ

Hải Yến (25 tuổi, nhân viên kế toán) tới buổi triển lãm tại VCCA vào hôm 17/3 vừa rồi nhận xét: "Người ngắm tranh thì ít, kẻ vô duyên thì nhiều".

"Kẻ vô duyên" được Yến lý giải là những bạn trẻ vô tư cười nói như ở chợ, đến không phải vì yêu nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng, mà chỉ chăm chăm kiếm "con ảnh nghệ nghệ" hay "so deep" để "đăng lên phây".

"Bạn đến với mục đích thưởng thức nghệ thuật hay chỉ để check-in không ai quan tâm. Nhưng có nhiều cách chụp ảnh như đứng sang bên cạnh, chụp từ xa không che chắn tầm nhìn, tại sao các bạn không áp dụng, mà lại nhảy vào giữa bức tranh, làm phiền đến người khác? Cái tối thiểu là hành xử lịch sự nơi đám đông cũng không làm được thì văn minh ở đâu?", Yến bức xúc.

Phạm Phương (25 tuổi, quản lý shop thời trang) đồng tình tại VCCA không có biển quy định không được đứng chắn trước tranh để chụp ảnh, nhưng đó là vấn đề thuộc về ý thức hành xử nơi đám đông.

VCCA anh 3
Nhiều bạn trẻ đứng chờ tới lượt chụp ảnh cùng bức tranh và không chịu rời đi khi chưa có ảnh đẹp "đăng phây". Ảnh: Yen Pham.

TS Lin Qiu - người thực hiện nghiên cứu về chụp selfie cho Đại học Công nghệ Nam Dương, Trung Quốc - từng nói khi chụp ảnh, chủ thể có thể kiểm soát mọi yếu tố như biểu cảm gương mặt, vị trí camera, các đối tượng trong nền ảnh. Chính vì vậy, bức ảnh có thể bộc lộ phần nào tính cách và suy nghĩ của người chụp.

Theo đó, vài người đứng sát bức tranh để chụp ảnh, che chắn tầm nhìn của người khác có thể nói là hành động vô tư, không nhận thức được sự ảnh hưởng gây ra bởi hành động vô ý của mình.

Tuy nhiên, khi nhiều người áp dụng "concept" đứng ngay trước bức tranh đang được trình chiếu nhiều để chụp ảnh tới nỗi không đếm được thì khó có thể coi là vô tư, mà đã biến tướng thành trào lưu xấu xí.

Chụp ảnh check-in mỗi khi tới thăm thú địa điểm nào đó hiện là thói quen phổ biến trong giới trẻ. Hành động này không xấu, cũng không ai cấm cản nếu được thực hiện đúng thời điểm và hoàn cảnh. Bởi thực tế, không phải nơi nào cũng có thể biến thành sân khấu cho người thích "sống ảo".

Ví như đứng giữa lễ tang chẳng ai nên giơ máy ảnh lên selfie liên tục hay chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc không ai nên căn góc chụp ảnh cho thật ghê rợn để đăng lên mạng "câu like". Đó là những điều "luật bất thành văn", nghĩa là không có quy định cấm ở đâu, nhưng người có ý thức không bao giờ làm.

'Sự dễ dãi của một bộ phận nhỏ, sao có thể mang ra làm tiêu chuẩn cho cộng đồng?'

Sau khi tranh cãi nổ ra, có cá nhân nêu quan điểm về “interactive exhibition" (tạm dịch: triển lãm có tính tương tác) với lý giải rằng "thay vì tiếp cận nghệ thuật một cách thụ động và nhàm chán, bạn sẽ được trở thành một phần của nó (be a part of it) và có thể tương tác với những gì được bày ra trước mặt". 

Với lý lẽ đó, người này cho rằng việc các bạn trẻ đứng sát vào tranh check-in không đáng bị lên án?

Không hiểu sao hành động nhiều người cho là "kém duyên", thậm chí "không văn minh" này lại được một số khác dễ dàng chấp nhận, nói rằng hình thức này tuân theo xu hướng "be a part of it" phổ biến tại nước ngoài trong 10 năm trở lại đây và được dự đoán sẽ "kế nhiệm" những cách tiếp cận cũ kỹ, lỗi thời của con người với nghệ thuật?

"Từ bao giờ sự dễ dãi của một bộ phận nhỏ khi nhìn nhận một vấn đề lại có thể mang ra làm tiêu chuẩn cho cộng đồng? Nếu điều đó đúng thì không cần sự kêu gọi nào, cũng sẽ được số đông chấp nhận", Phương Phương (25 tuổi, nhân viên content marketing) nêu quan điểm.

Theo quan sát của phóng viên Zing.vn, buổi triển lãm cũng có sự hiện diện của nhiều du khách nước ngoài. Họ có thể đứng rất lâu để ngắm một bức tranh mình chú ý, đọc thông tin được viết trên bảng và bàn luận với người đi cùng về các tác phẩm.

Không ai có ý định nhảy vào bức tranh để được trở thành "a part of it" mà chỉ thưởng thức bằng nhãn quang của mình. Họ cũng tỏ ra lịch sự khi các bạn trẻ thi nhau đứng trước các bức tranh tạo đủ kiểu dáng để chụp hình, song dường như đây không phải điều quen thuộc với họ.

Với những người yêu nghệ thuật, việc được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật một cách trọn vẹn là ưu tiên lớn nhất. Còn những ai không dành sự ưu tiên cho việc xem tranh, xin đừng dùng sự vô tư của mình để làm ảnh hưởng đến những người khác.

Những bạn trẻ đi xem triển lãm, đứng che cả tranh chỉ để check-in

Trong buổi triển lãm tranh Van Gogh tại Hà Nội, nhiều vị khách phản ánh việc một số bạn trẻ vì muốn sở hữu bức ảnh đẹp đã đứng sát vào bức tranh, che chắn tầm nhìn của mọi người.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm