Chelsea sẽ là dấu hỏi lớn nhất cho người hâm mộ cũng như giới mộ điệu tại Premier League mùa giải mới. "The Blues" đã chơi canh bạc thật sự khi đặt niềm tin vào Maurizio Sarri.
Việc chỉ đứng thứ 5 vào mùa trước khiến Chelsea không thể giành được vé tham dự Champions League. Đó cũng là giọt nước làm tràn ly mối quan hệ giữa Antonio Conte và ban lãnh đạo Chelsea. Sau nhiều lùm xùm trên mặt báo về cách cư xử của hai bên trong vụ việc này, mọi chuyện cũng bắt đầu chìm xuồng.
Đó cũng là lúc người ta đặt câu hỏi về đội quân dưới sự chỉ đạo của vị tướng mới Maurizio Sarri.
Giới mộ điệu có thể nghe nhiều câu chuyện mang đầy cảm hứng về Maurizio Sarri như việc ông trở thành huấn luyện viên từ nhân viên ngân hàng như thế nào, là “con nghiện” bóng đá ra sao khi từng vẽ ra đủ 33 phương án chống phạt gọc khi chỉ mới dẫn dắt đội hạng ba Italy, hay chuyện là HLV đầu tiên sử dụng flycam để giúp các cầu thủ nhận biết rõ vị trí của mình trên sân cỏ, qua đó thiết lập nên đội bóng mà Pep Guardiola cùng Man City từng thừa nhận rằng gặp “vô vàn khó khăn” khi phải đối đầu.
Song không phải thứ gì lấp lánh cũng là vàng. Sarri giống như phần còn lại của giới huấn luyện, cũng có những điểm yếu. Thậm chí, những điểm yếu ấy có thể biến hành trình của ông tại Chelsea trong mùa giải này kết thúc trong thảm bại.
Điều đầu tiên, Sarri dùng rất ít cầu thủ. Trong vòng 3 mùa giải dẫn dắt Napoli (cũng là ba mùa đỉnh cao duy nhất trong sự nghiệp của Sarri), nhà cầm quân người Italy chỉ sử dụng khoảng 16 cầu thủ trong 23 cầu thủ đội hình chính thức. Sarri không có niềm tin hoặc không có nhu cầu sử dụng những cầu thủ còn lại.
Manolo Gabbiadini và Emanuele Giaccherini là những người hiểu hơn cả. Người đầu tiên được Napoli mang về từ Sampdoria với những hứa hẹn về việc cạnh tranh vị trí với Higuain để rồi dự bị không thấy mặt trời cho chân sút người Argentina. Ngay cả khi Napoli bán Higuain sang Juventus, Gabbiadini cũng không được Sarri tin dùng. Thay vào đó, ông mua Arkadiusz Milik và sử dụng Dries Mertens. Quá chán nản, Gabbiadini tới Southampton.
Giaccherini có mâu thuẫn nặng nề với Sarri cũng bởi lý do tương tự. Nhà cầm quân này hứa đường mật với Giaccherini về vị trí trong đội hình một Napoli sau kỳ EURO 2016 bùng nổ cùng ĐT Italy. Song trong vòng một năm rưỡi khoác áo Napoli, Giaccherini chỉ đá có vỏn vẹn 20 trận. Sau khi rời Napoli, Giaccherini bức xúc với tờ Gazzetta dello Sport, “Ông ta (Sarri-PV) không học được cách trao cơ hội cho người khác”.
Tại Chelsea, nếu Sarri tiếp tục thói quen sử dụng cầu thủ ít ỏi này, chắc chắn nhà cầm quân người Italy sẽ gặp tai họa. Đầu tiên, Premier League khắc nghiệt hơn Serie A, việc sử dụng 16 cầu thủ chinh chiến cả mùa giải là điều không thể. Thứ hai, cái tôi của những ngôi sao tại Chelsea sẽ lớn hơn Gabbiadini và Giaccherini rất nhiều. Sarri hoàn toàn có thể gặp họa nếu không kiểm soát được phòng thay đồ.
Điểm yếu thứ hai của Sarri là ông không mang theo đồng nghiệp được tới Anh. Thông thường những huấn luyện viên tới CLB mới mang theo cùng một nhóm đồng sự mới bao gồm các trợ lý huấn luyện, huấn luyện viên thể lực, nhưng Sarri không làm được điều đó. Những trợ lý của Sarri chấp nhận ở lại Napoli, thứ ông mang theo chỉ là dàn máy tính chứa toàn bộ những số liệu mà ông thu thập được.
Hệ quả: Sarri chỉ có 5 trợ lý, bao gồm 1 huấn luyện viên thể lực, cùng hai trợ lý là Gianfranco Zola và Carlo Cudicini đều bị đánh giá là khá non kém về mặt kinh nghiệm. Để so sánh, Man City và MU, hai đội đứng nhất nhì Premier League có 8 huấn luyện viên thể lực. Liverpool có 4 người. Nếu bước vào mùa giải mới, nền tảng thể lực của các cầu thủ Chelsea bị đặt dấu hỏi.
Đó chỉ là 2 lý do lớn bên cạnh những lý do nhỏ khác như không thích ẩm thực Anh, bị ông chủ Chelsea cấm hút thuốc lá. Sarri là canh bạc thực sự của Chelsea chứ không phải là một nhà truyền giáo như nhiều người chờ đợi.
Công tác chuyển nhượng của Chelsea trong mùa hè này là một dấu hỏi thực sự cho người hâm mộ.
Tân binh đáng chú ý duy nhất mà Chelsea có trong kỳ chuyển nhượng mùa hè là Jorginho, cậu học trò cũ của Sarri tại Napoli. Trong những trận tập dượt đã qua bao gồm cả trận tranh Community Shield với Man City, tiền vệ người Italy thể hiện cực tốt. Anh cho thấy khả năng thống lĩnh tuyến giữa, đồng thời truyền đạt tốt tới các đồng đội thứ gọi là “Sarriball”, tên gọi của triết lý bóng đá mà Sarri xây dựng qua sơ đồ 4-3-3.
Ngay cả khi Chelsea thua Man City 0-2 trong trận tranh Community Shield, thì Jorginho thực tế cũng chơi một trận không đến nỗi tồi. Vấn đề của Chelsea khi đó, như chính Sarri nói, là quân số không đủ khi những ngôi sao góp mặt tại World Cup như Eden Hazard, N’Golo Kante vẫn chưa trở lại.
Nhìn đi nhìn lại, Sarri chỉ có mỗi Jorginho. Ông yêu cầu Gonzalo Higuain, nhưng bộ phận phụ trách chuyển nhượng của Chelsea không mấy hứng thú và để tuột tiền đạo người Argentina vào tay AC Milan. Daniele Rugani của Juventus là một mục tiêu khác nhưng cũng dậm chân tại chỗ.
Nói Chelsea dậm chân trên thị trường chuyển nhượng cũng không sai. Trong bối cảnh Man City vẫn cực mạnh, còn Liverpool chi tiền tấn để tân trang lực lượng, Chelsea với ông thầy mới trên ghế huấn luyện rõ ràng sẽ phải nhận những cái nhìn đầy hoài nghi từ người hâm mộ cho mùa giải mới.
Chiến thắng lớn nhất (nếu có) mà Chelsea tạo ra trong kỳ chuyển nhượng mùa hè có lẽ là giữ chân thành công Eden Hazard. Real Madrid và Barcelona, hai siêu CLB có khả năng hút máu mọi đối thủ đều đã không ít hơn hai lần là chủ nhân của những tin đồn chuyển nhượng liên quan tới tiền vệ người Bỉ.
Barca được cho là chấp nhận chi tiền cộng Ousmane Dembele để có Hazard. Trong khi, Real Madrid muốn số 10 của Chelsea tới Santiago Bernabeu để thay thế vị trí của Cristiano Ronaldo.
Những tin đồn này kèm với những lời úp mở như kiểu “Real Madrid biết phải làm gì để có được tôi” của Hazard trước và sau khi World Cup diễn ra càng làm người ta tin vào viễn cảnh tiền vệ người Bỉ sẽ rời Chelsea ngay trong mùa hè này. Dẫu vậy, điều ấy đã không diễn ra khi tân HLV Sarri đã tìm mọi cách thuyết phục ban lãnh đạo giữ chân ngôi sao sáng nhất đội.
Liam Twomey trên ESPN khẳng định Jorginho là trung tâm trong hệ thống chiến thuật của Sarri, song Hazard vẫn sẽ là chủ công của "The Blues". Tất cả đều thấy Hazard bùng nổ ở World Cup ra sao. Ở tuổi 26, tiền vệ người Bỉ đang ở độ tuổi chín nhất cả về năng lực lẫn khát khao.
Dẫu vậy, Sarri sẽ phải giải quyết bài toán quan trọng nhất với Hazard có tên đắc nhân tâm. Nhà báo Paolo Bandini của ESPN mô tả tình thế của Hazard tại sân Stamford Bridge lúc này là “ác mộng” khi Sarri nhất quyết muốn giữ Hazard lại làm học trò, trong khi tâm thế của tiền vệ người Bỉ có thể đã ở đâu đó bên ngoài biên giới nước Anh.
Mọi chuyện đang diễn biến theo chiều hướng Chelsea có thể giữ chân được Hazard chứ không nắm giữ được tâm trí của anh. Hazard không muốn tốn một mùa giải trong quãng thời gian thăng hoa về phong độ, thể lực lẫn khát khao cho đấu trường Europa League. Champions League là mục tiêu kiên quyết của ngôi sao người Bỉ.
Từ khi chuyển tới Chelsea, Hazard mới chỉ đúng một lần hít thở không khí của trận bán kết (mùa 2013/14). Đó dĩ nhiên là điều không thể chấp nhận với tiền vệ từng được tung hô là sánh ngang đẳng cấp với Cristiano Ronaldo và Lionel Messi.
Sarri sẽ phải thuyết phuc Hazard tin vào kế hoạch của ông, giống như cách ông từng biến Higuain từ tội đồ của ĐT Argentina tại World Cup 2014 và Copa America 2015 trở thành chân sút xô đổ mọi kỷ lục về bàn thắng trong lịch sử Serie A mùa giải 2015/16, chỉ sau đúng buổi gặp nói chuyện riêng tư.
Sarri từng là nhân viên quản lý ngân hàng kỳ cựu, ông hiểu cách để thu phục người tài bằng kỹ năng mềm. Hazard sẽ là “nhân viên” mà ông phải tìm cách thương thảo hợp đồng nếu không muốn công việc mới mẻ đầy mơ ước này sớm lụi tàn.
Sau cùng, những người hâm mộ Chelsea không muốn “đi tàu lượn” thêm nữa. Chứng kiến đội bóng con cưng lên xuống so-le nhau mỗi mùa là một cảm giác không mấy dễ chịu. Lực lượng của Chelsea không hề yếu, thậm chí đủ mạnh để cạnh tranh mục tiêu vô địch. Song, những sai lầm ở khâu quản lý luôn khiến The Blues tự suy yếu.
Trên kênh ESPN, chuyên gia Craig Burley thừa nhận Chelsea đang “dần biến thành Arsenal” trong mùa này khi đặt mục tiêu chỉ là top 4. “Top 4 ư? Mục tiêu của Chelsea luôn phải là vô địch. Chẳng có gì thành công khi chỉ đứng trong top 4 cả, Roman Abramovich ạ”.
Tuyên bố của Craig Burley có thể hơi phiến diện và gây chú ý theo đúng kiểu truyền hình đôi chút, song cũng được xem như khá trọn vẹn để lột tả tham vọng của Chelsea mùa giải này. Trong vòng nửa thập kỷ đổ lại, Chelsea luôn bước vào Premier League với tham vọng vô địch. "The Blues" có những cầu thủ xuất sắc, một hệ quả từ bầu sữa không ngơi nghỉ của tỷ phú Roman Abramovich.
Song việc thay đổi liên tục các huấn luyện viên khiến Chelsea không khi nào duy trì được tính ổn định. Ngược lại, sự mất cân bằng trầm trọng này khiến đội chủ sân Stamford Bridge sa sút vào có những mùa giải thảm họa như 2015/16 (đứng thứ 10) hay mùa năm ngoái (đứng thứ 5).
Những thất bại không lường trước được này đều bắt đầu từ những sai lầm có tính chất tương tự trong công tác quản lý. Jose Mourinho lớn tiếng chỉ trích nữ bác sĩ Eva Carneiro hay Antonio Conte nhắn tin từ mặt Diego Costa đều là những hành động rất khó hiểu nếu chiếu theo hệ giá trị thông thường.
Song đặt vào trường hợp của Mourinho hay Conte thì xem chừng lại dễ hiểu. Cả hai đều đưa ra quyết định đã trực tiếp tạo ra hỗn loạn khiến mình mất ghế vào thời điểm đang trên đỉnh khi vừa giành Premier League. Khi đứng trên đỉnh cao, người ta có xu hướng muốn khẳng định quyền lực và sức mạnh.
Đen đủi cho cả Mourinho và Conte là suy nghĩ ấy đã đi chệch hướng. Bóng đá hiện đại không còn phù hợp cho những giây phút cao ngạo hứng chí nhất thời như thế nữa. Tất cả thay đổi từng ngày. Hôm nay anh đúng, ngày mai suy nghĩ đã có thể lỗi thời.
Quan trọng hơn cả là Chelsea với Roman Abramovich không có đủ sự kiên nhẫn để nhìn Mourinho hay Conte sửa sai. Sai lầm phải được thay mới. Conte bị sa thải và Maurizio Sarri lên thay. Vòng tròn luẩn quẩn ấy cứ kiềm tỏa Chelsea bước lên hàng ông lớn thực sự của bóng đá châu Âu. Chỉ tội nghiệp các cổ động viên Chelsea trung thành luôn phải chuẩn bị tinh thần cho bất kỳ điều gì từ tệ hại nhất đến vinh quang nhất trước khi mỗi mùa giải bắt đầu.
Trên tờ The Guardian, những phóng viên khẳng định Chelsea sẽ chỉ về đích thứ 6 trong mùa giải Premier League 2018/19. Không thể nói đó là những dự đoán vô lý.