Sau trận mưa lịch sử tối 8/8, ba người trong một gia đình được tìm thấy đã chết trong căn hộ bán hầm ngập nước ở Seoul, Hàn Quốc.
Theo cảnh sát địa phương, các nạn nhân bao gồm một phụ nữ 47 tuổi, chị gái và con gái 13 tuổi. Nguyên nhân tử vong có khả năng là đuối nước.
Hãng tin Yonhap cho biết một người hàng xóm đã phá cửa sổ và cố gắng cứu họ, nhưng nước ngập quá nhanh khiến nỗ lực của người này bất thành.
Cái chết của gia đình ba người một lần nữa nhấn mạnh số phận mong manh của những người sống trong banjiha (từ tiếng Hàn chỉ căn hộ bán hầm). Tuy vậy, mưa ngập mới chỉ là một trong vô vàn nỗi khổ của nhóm cư dân này.
Tổng thống Hàn Quốc tới hiện trường gia đình tử nạn trong nhà bán hầm. Ảnh: Yonhap. |
"Mùa hè, khắp cả căn phòng tràn ngập trong sự ẩm thấp, mùi nấm mốc và chẳng khác gì 'phòng xông hơi'. Khi mùa mưa đến, những người sống ở đây đều thấp thỏm lo sợ nhà mình sẽ ngập trong biển nước.
Mỗi buổi sáng, họ chỉ thấy được tia nắng mặt trời le lói trong thời gian ngắn. Tại Hàn Quốc, những người sống ở nhà bán hầm bị xem như lũ lợn", The New York Times mô tả.
Bị lòng đất ẩm mốc nuốt chửng
Banjiha bắt đầu được chú ý qua bộ phim điện ảnh Parasite (Ký sinh trùng). Trong phim, căn hộ bán hầm là nơi ở của một gia đình 4 người.
Sự hôi hám, chật chội và cả hình ảnh nhớp nháp của banjiha sau một trận mưa đã được đạo diễn Bong Joon-ho lột tả trên phim khiến người xem ám ảnh.
Trong cuộc họp báo năm 2019, đạo diễn Bong nói: "Đây rõ ràng là một tầng hầm, nhưng những người sống ở đó luôn tin rằng họ thuộc về thế giới giàu có trên kia. Họ sợ bị lòng đất ẩm mốc nuốt chửng nếu có chuyện tồi tệ nào xảy ra".
Oh kee-cheol, cư dân banjiha, cho biết về cơ bản ánh nắng mặt trời không thể nào chiếu rọi tới căn hộ ẩm thấp của anh.
Không có đủ ánh sáng, cây nhỏ mọng nước của Oh cũng không thể tồn tại. Mọi người có thể nhìn vào nhà anh từ các cửa sổ. Thanh thiếu niên thỉnh thoảng hút thuốc phía bên ngoài hoặc khạc nhổ xuống đất.
Mọi người có thể nhìn vào nơi ở của Oh qua cửa sổ. Ảnh: BBC. |
Vào mùa hè, Oh phải chịu đựng độ ẩm khủng khiếp và "chiến đấu" với đám nấm mốc phát triển nhanh chóng.
"Khi mới chuyển đến, tôi bị bầm tím vì đập ống chân vào bậc lên xuống hay chà cánh tay vào tường bê tông. Nhưng bây giờ tôi quen rồi. Tôi biết tất cả vị trí có thể va chạm và nơi có ánh sáng".
Còn Song Sung-geun, người sống trong banjiha ở khu Samseog-dong thuộc quận Gwanak, phía nam Seoul, cho biết: "Không khí ẩm thấp và tôi không thích sống ở đây chút nào. Nhưng vấn đề là tôi không thể mua một nơi ở tốt hơn thế này".
Song đã sống trong căn hộ bán hầm rộng 30 m2, không có bồn tắm trong khoảng 30 năm. Ngay cả ban ngày, căn hộ cũng tối om vì ánh sáng không thể chiếu vào.
Để có thể "hít thở không khí", Song buộc phải rời khỏi nhà mỗi ngày và tìm đến phòng tắm hơi.
Biểu tượng của sự nghèo đói
Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Hàn Quốc cho thấy số lượng hộ gia đình sống trong các căn hộ có tầng hầm hoặc bán hầm là 360.000, chiếm khoảng 2% tổng số hộ gia đình vào năm 2015. Tỷ lệ này tăng vọt lên khoảng 6% vào năm 2020.
Kim Young-nam, nhân viên phúc lợi, sống trong một căn hộ bán hầm ở quận Mapo, trung tâm Seoul, bối cảnh của phim Parasite.
Bà và gia đình chuyển đến nơi ở khiêm tốn này cách đây khoảng 15 năm. Khi đó, khoản tiền đặt cọc cho căn hộ 25 m2 ở Seoul là 130 triệu won (99.000 USD).
Kim đã cố gắng tiết kiệm tiền bằng cách làm hai công việc là thợ làm tóc và y tá. Bà là trụ cột kinh tế của gia đình khi người chồng gần 60 tuổi không thể đi làm do sức khỏe yếu.
"Chúng tôi có thể không phải là những người nghèo nhất, nhưng tôi chắc chắn rằng những căn hộ bán hầm là biểu tượng của sự nghèo đói ở Hàn Quốc".
"Parasite" mô tả cuộc sống của một gia đình trong căn hộ bán hầm ở Seoul. Ảnh: CJ E&M. |
Các căn hộ bán hầm lần đầu tiên xuất hiện ở Hàn Quốc trong thời kỳ chiến tranh căng thẳng.
Để chuẩn bị cho một cuộc xung đột và có hầm trú ẩn các cuộc không kích, nhiều ngôi nhà đã được trang bị thêm banjiha.
Sau khi nền kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh chóng trong những năm 1980, tình trạng thiếu nhà ở đã trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với cư dân khu vực thành thị.
Để giảm bớt tình trạng khan hiếm chỗ ở, chính phủ đã đồng ý việc cho thuê banjiha. Kể từ đó, các gia đình có thu nhập thấp đã chọn nhà ở dưới mặt đất do giá thuê rẻ hơn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, không gian bán hầm đã trở nên phổ biến trong nhóm sinh viên và giới trẻ. Một số đã được chuyển đổi thành quán cà phê hoặc cửa hàng ở những khu vực phổ biến với khách du lịch do giá thuê rẻ hơn và không gian khác lạ.
Chiharu Izumi, giáo sư văn hóa Hàn Quốc tại Đại học Seokyeong ở Seoul, cho biết: "Tuy vậy, sự tồn tại của các căn hộ bán hầm vẫn phản ánh sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc".