Cả 4 chiếc Toyota Hilux bán ra trong tháng 9 đều là mẫu rẻ nhất Hilux E 4x2 giá 697 triệu đồng. Hai phiên bản cao cấp hơn là Hilux 4x4 AT và Hilux 4x4 MT không bán được chiếc nào.
Việc tụt dốc doanh số của Hilux không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, bởi tháng trước, dòng xe này cũng chỉ bán được 26 chiếc.
Doanh số Toyota Hilux đang tụt dốc không phanh trong phân khúc bán tải tại Việt Nam. |
Ra mắt tại Vietnam Motor Show 2016, khi đó, Toyota Hilux được kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh sòng phẳng với các dòng xe bán tải đang làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam như Ford Ranger, Mazda BT-50 hay Nissan Navara. Tuy nhiên sau hơn một năm có mặt trên thị trường, doanh số Hilux luôn thấp "lẹt đẹt" ở mức trên dưới 100 chiếc mỗi tháng.
Đỉnh cao doanh số của dòng xe này được ghi nhận vào tháng 6 năm nay, với 158 chiếc bán ra. Trong cùng phân khúc, đối thủ Ford Ranger luôn nằm trong top xe bán chạy nhất thị trường, với doanh số trên 1.000 chiếc mỗi tháng.
Toyota Hilux không đạt được mục tiêu ban đầu đề ra. |
Theo các chuyên gia trong ngành, sở dĩ Hilux không được lòng khách hàng Việt Nam là bởi có quá ít phiên bản để lựa chọn. Mức giá "dở dở ương ương", không cao không thấp cũng gây khó cho khách hàng quyết định.
Nếu muốn một mẫu xe giá thật rẻ, người dùng có thể lựa chọn Mazda BT-50 2.2MT 4WD (giá 620 triệu đồng) hay Ford Ranger XL 2.2L 4x4 MT (619 triệu đồng).
Nếu biết mặc cả, khách hàng có thể được chiết khấu hàng chục triệu đồng khi mua xe. Chẳng hạn chiếc Ranger XL 2.2L 4x4 MT có giá thực tế chỉ khoảng dưới 600 triệu đồng. Trong khi đó, Hilux E lại được niêm yết mức giá lên tới 697 triệu, cao hơn đối thủ gần 100 triệu đồng.
Ở phiên bản cao cấp, Ford Ranger Wildtrak 3.2L 4x4 AT gần như không có đối thủ và cũng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ. Chẳng hạn phiên bản này có giá bán lẻ đề xuất 918 triệu đồng nhưng mức giá bán thực tế chỉ khoảng 890 triệu đồng, cao hơn Hilux 2.8G 4x4 AT vài chục triệu nhưng động cơ và các tính năng vượt trội.
Ngoài ra, theo thống kê của VAMA, phiên bản bán tải một cầu chủ động, hộp số tự động chiếm phần lớn doanh số trong phân khúc nhưng Toyota Hilux lại thiếu bản này, buộc khách hàng phải lựa chọn thương hiệu khác.
Một nguyên nhân khác khiến Hilux kém sức hút là đây không phải dòng xe chiến lược của Toyota nên không được hưởng các chương trình kích cầu hấp dẫn.
Đối thủ Ford Ranger có doanh số gấp hơn 300 lần Hilux. Đồ hoạ: Phượng Nguyễn. |
Trong khi đó, các đối thủ liên tục tung ra những chiêu khuyến mãi nhằm kích thích tiêu dùng. Trong tháng 8, Mazda BT-50 giảm khoảng 25 triệu đồng mỗi phiên bản. Ford Ranger cũng giảm giá dù dẫn đầu thị trường. Mức giá của Hilux vẫn "bình chân như vại".
Ở phân khúc xe bán tải, mức chênh lệch vài chục triệu cũng đủ tạo nên khác biệt, bởi phần lớn khách hàng là các công ty hoặc gia đình muốn sở hữu một chiếc xe để phục vụ công việc. Vì vậy, giá trị sử dụng và số tiền bỏ ra được cân nhắc rất kỹ.
Theo báo cáo của VAMA, trong tháng 9, thị trường Việt Nam tiêu thụ 1.836 xe bán tải, giảm 12% so với 2.102 chiếc trong tháng trước. Trong đó, Ford Ranger vẫn giữ ngôi vị "vua bán tải" tại Việt Nam với doanh số lên tới 1.259, chiếm 68,5% thị phần. Xếp ngay sau là Chevrolet Colorado, bán được 294 xe, Mitsubishi Triton 160 xe và Mazda BT-50 đạt 96 xe.
Toyota Hilux là dòng xe bán tải cỡ trung của Toyota. Xe bán tại Việt Nam được nhập khẩu nguyên chiếc từ thị trường Thái Lan. Toyota Việt Nam phân phối ba phiên bản gồm Hilux 2.8G 4x4 AT giá 870 triệu đồng, Hilux 2.8G 4x4 MT giá 806 triệu đồng và Hilux 2.4E 4x2 MT giá 697 triệu đồng.