"Em dự định thi vào Đại học Y Hà Nội. Nhưng vào phút cuối, em quyết định đổi qua Học viện Nông nghiệp Việt Nam với chuyên ngành Thú y", Nguyễn Thu Hằng, học sinh trường THPT Vân Tảo (Hà Nội), nói.
Cô bé có vóc người bé nhỏ như học sinh cấp hai cho biết nguyên nhân xuất phát từ tình yêu của em với loài chó. Tuy nhiên, vì "nhà nghèo quá, em không thể nuôi".
Vừa là chị, vừa là mẹ
Cha mất sớm vì ung thư gan, mẹ trở thành trụ cột chính trong gia đình. Thương mẹ vất vả, Hằng tranh thủ thời gian rảnh để làm thêm phụ đỡ mẹ. Từ làm hương vòng, phụ gội đầu đến bán hàng trên mạng, em đều chẳng từ nan.
Hàng ngày, khi đi học về, Hằng tranh thủ phụ mẹ nấu cơm, làm việc nhà. Có thời gian rảnh, em làm hương vòng để bán.
Hằng cho biết trước đây, mẹ em làm phụ xây rất vất vả. Ảnh: Kim Ngân. |
"Một bao gồm 10 nén, mỗi bao em được trả 1.000 đồng. Hôm nào làm nhiều, em được khoảng 30-40 bao. Hồi đầu, em làm chậm lắm nhưng bây giờ làm nhanh rồi, mỗi bao chỉ mất khoảng 10 phút", nữ sinh thông tin.
Đến ngày nghỉ, cô bé hạt tiêu lại chạy qua hàng gội đầu của chị hàng xóm để phụ việc. Những lúc vắng khách, em lại mở sách tranh thủ học. “Cứ cuối tháng, em lên được bao nhiêu buổi, chị cho bấy nhiêu. Có ít, chị cho ít. Có nhiều, chị cho nhiều”, Hằng chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh mồ côi với Hằng, Tống Thị Định, học sinh trường THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai, Hà Nội), cũng buộc phải trưởng thành sớm. Vì là con cả nên bao gánh nặng đè hết lên vai em. Ngoài làm chị của 3 đứa trẻ, Định còn đóng vai trò làm mẹ.
"Lúc mẹ mất, em mới 16 tuổi. Mọi việc trong nhà cứ rối tung lên. Em vừa làm chị, vừa làm mẹ, vừa lo tài chính gia đình và chuyện học hành nên nhiều lúc cảm thấy bấn loạn", Định xúc động nói.
Nhiều đêm, em trai 6 tuổi tỉnh giấc vì nhớ mẹ. Định lại chịu dàng dỗ cậu bé ngủ ngoan. Nhưng sau đó, em quay lưng len lén khóc.
Đôi khi, các em nằng nặc đòi mẹ mà không cần chị. Tuy rất buồn, nữ sinh cố gắng an ủi các em rằng: "Mẹ hiện giờ đi xa. Chỉ cần em ngoan và học giỏi thì sau này sẽ gặp được mẹ".
Định cho biết chỉ có học mới giúp em và gia đình thoái khỏi hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Kim Ngân. |
Học là con đường ngắn nhất để thoát khổ
Định tâm sự cha em sức khỏe không tốt nhưng vẫn cố gắng đi làm thuê. Ở nhà, một mình Định quán xuyến công việc, đốc thúc các em học. Ngoài ra, 4 chị em còn nhận làm mây tre đan. Mỗi sản phẩm, người ta trả các em 5.000 đồng. Trừ chi phí nguyên liệu, các em còn 3.000 đồng.
Sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều lúc, Định đã nghĩ đến chuyện thôi học để nhường cơ hội cho các em. Nhưng sau đó, cô bé lại tự nhủ rằng mình đã cố gắng 12 năm, hãy cố gắng thêm chút nữa.
"Em biết hiện tại, con đường duy nhất và cũng là ngắn nhất để chúng em - những học sinh nghèo - vươn lên, chỉ có học. Phải học tốt để có tương lai", Định nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cô bé cho biết em phải học thật tốt mới có thể làm gương cho các em.
Định kể em thường học đến 23h. Buổi sáng, nữ sinh dậy từ 3h để tranh thủ ôn bài trước khi bắt đầu nấu bữa sáng cho cả gia đình.
Tiết lộ nguyên nhân chọn Đại học Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) là ưu tiên số một, Định cho hay: "Em thích học ngoại ngữ vì biết nhiều thứ tiếng có thể đến nhiều nơi, khám phá nhiều thứ mới lạ".
Bật mí về dự định, nữ sinh thông tin em sẽ cố gắng kiếm tiền để trang trải học phí và lo cho gia đình. Ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, Định sẽ tìm việc làm thêm ở quê. Lúc vào đại học, em sẽ cố gắng tự lập và tìm những công việc khác.
"Phải cố gắng học giỏi để thoát nghèo, không thể quẩn quanh trong cái tình cảnh này mãi được", Định nhắc lại.
Nguyễn Thu Hằng và Tống Thị Định là 2 trong số 20 thí sinh tại Hà Nội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ trong chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2018 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Báo Thanh Niên, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Năm nay, chương trình diễn ra tại 63 tỉnh và thành phố trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018