Bốn em nhỏ mang các tên Việt, Nam, Hạnh, Phúc - con của cặp vợ chồng ở Đồng Tháp - là một trong những trường hợp sinh tư hiếm hoi. Các bé đã 4 tuổi, đi đâu, làm gì cũng có nhau.
|
Gia đình anh Trần Hữu Đồng và chị Trần Thị Tình ở ấp Tân Phú, xã Tân Phước (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) được nhiều người biết đến sau khi mang tứ thai và sinh được 4 em bé tháng 6/2012. Các con được bác sĩ đặt tên lần lượt là Trần Thị Minh Việt, Trần Thị Minh Nam, Trần Thị Minh Hạnh và Trần Thị Minh Phúc.
|
|
Trước đó, vợ chồng anh Đồng chị Tình vốn đã có hai con, một trai, một gái (nay đã 16 và 13 tuổi). Anh cho biết, lúc đó gia đình không biết phải làm thế nào khi đang trong cảnh nghèo khó. May mắn được nhiều người biết đến, gia đình anh chị được hỗ trợ từ nhiều nguồn như cấp sữa nuôi con, hỗ trợ xây nhà mới thay căn nhà cũ dột nát... |
|
Hàng ngày chị Tình phải chăm sóc 4 bé từ miếng ăn, giấc ngủ. Anh Đồng đi làm thêm kiếm tiền trang trải chi phí cho gia đình. Công việc của ông bố có 6 người con cũng không ổn định, ai thuê gì làm nấy nên thu nhập rất bấp bênh. |
|
Việc chăm sóc một lúc nửa tá con không hề đơn giản. Chị Tình chia sẻ, hết đứa này khóc đến đứa kia quấy. "Vừa dỗ đứa này nín xong đứa kia lại khóc, xoay quần quật cả ngày không làm lụng gì được", chị nói. |
|
Dù vất vả nhưng anh Đồng vẫn thấy bốn đứa con của mình như một món quà trời cho. Anh mong các bé lớn lên đều khoẻ mạnh, ngoan ngoãn. "Dù nghèo nhưng có Việt, Nam, Hạnh, Phúc là tui mãn nguyện rồi", anh cười. (Trong ảnh, Việt, Nam, Hạnh, Phúc từ trái sang phải). |
|
Bốn đứa trẻ mỗi ngày một lớn lên, gia đình lại thêm một nỗi lo mới. Con gái lớn của vợ chồng anh chị mới 16 tuổi nhưng đã phải đi làm công nhân để kiếm sống, con trai thứ hai đang học lớp 8.
|
|
Hết hè này bốn đứa bé sẽ đến trường. Vợ chồng anh mong muốn các bé sẽ được hỗ trợ do gia cảnh hiện tại của gia đình không thể lo cho các bé chu toàn. |
|
Những đứa trẻ sắp bước vào mẫu giáo, tiếp xúc với một môi trường mới nhưng gia đình anh chị vẫn chưa biết lấy tiền đâu để lo cho bọn trẻ ăn học vì thu nhập hiện tại của anh Đồng chỉ đủ trang trải ăn uống hàng ngày. |
|
Tuy mới 4 tuổi nhưng các bé đã được chụp khá nhiều ảnh lưu niệm. Thỉnh thoảng chúng lại giở ra xem. |
|
Do các em có khuôn mặt và dáng người giống nhau nên người ngoài khá khó phân biệt ai là chị, ai là em. Bố mẹ của 4 bé thường dựa trên các nốt ruồi và thể trạng để gọi con. |
|
Anh chị kể, Việt gầy gầy, hiếu động; Nam có hai nốt ruồi, một dưới cằm và một ở tay trái, nói nhiều; Hạnh có nốt ruồi nhỏ ngay mí mắt hay nghịch ngợm, chọc ghẹo các chị, em còn Phúc trông lớn con, vui vẻ, khoái nô giỡn.
|
|
Chơi ở đâu 4 đứa trẻ cũng đi cùng nhau. Điểm chung là các em đều hiếu động, vui vẻ, tinh nghịch. |
|
Dù còn nhỏ nhưng các bé đã biết phụ giúp gia đình các công việc nhỏ như xếp củi, gấp quần áo. |
|
Bốn bé có gương mặt giống nhau nên gia đình cũng muốn các bé mặc đồng phục cho đẹp. Tuy nhiên, bố mẹ không thể sắm ngay một lượt mà phải mua góp từ bộ đồ, đôi dép, do vậy, vẫn có sự lệch lạc về kiểu dáng, màu sắc. |
|
Đi đâu các bé cũng muốn đi cùng nhau, được bố mẹ chở đi cùng nếu không chúng sẽ khóc lóc. Vợ chồng anh Đồng phải "đàm phán" để chở hai đứa đi trước sau đó quay lại đèo tiếp hai con còn lại. |
|
Buổi tối các bé quậy đến 22h mới chịu đi ngủ. Đó là lúc vợ chồng anh Đồng mới có thể thảnh thơi. |
|
Phụ huynh của 4 bé đang có thêm nhiều ưu tư khi các bé sắp đến tuổi đi học. Anh Đồng tâm sự, dù gì cũng phải lo bằng được cho các bé đến trường. |
|
Nét hồn nhiên tinh nghịch của những đứa trẻ sinh tư Việt, Nam, Hạnh, Phúc.
|
Trường hợp sinh tư của bốn bé gái Việt, Nam, Hạnh, Phúc được xác định là một trường hợp hiếm gặp, với tỷ lệ sinh tự nhiên là 1/700.000. Mẹ ruột của anh Đồng, bà Dương Thị Mật cho biết, gần trăm năm qua ở khu vực bà sinh sống chưa từng có trường hợp nào. Nhiều nhất là sinh ba được ghi nhận ở một xã lân cận vào khoảng 20 năm trước đó.
Ở Việt Nam từng có hai trường hợp sinh tư được nhiều người biết đến với các tên Bắc, Nam, Thống, Nhất (ở Hà Nội) và Hòa, Bình, Hạnh, Phúc (ở Hưng Yên).