Cặp song sinh Trần Thanh Minh (trái) và Trần Thu Huyền tốt nghiệp xuất sắc và cùng được tôn vinh sinh viên tiêu biểu của ĐH Ngoại thương. |
Trước khi là sinh viên ĐH Ngoại thương, cặp song sinh (SN 2001) này cùng học trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc).
Thi đại học đạt 26,5 điểm, Minh trúng tuyển chuyên ngành Kinh tế đối ngoại. Huyền đạt tổng điểm 26,4, theo học chuyên ngành Thương mại quốc tế. Đây đều là những chuyên ngành thuộc ngành học có điểm chuẩn đầu vào cao nhất ĐH Ngoại thương.
Hai chị em cùng lọt top 20 sinh viên tiêu biểu toàn khoá
Lần lượt đạt tổng điểm trung bình chung tích lũy 3.93 và 3.87/4, cả Minh và Huyền không chỉ tốt nghiệp loại xuất sắc mà còn cùng lọt top sinh viên tiêu biểu khóa 58 của trường.
Căp song sinh cho rằng điểm chung của cả hai là trách nhiệm trong mọi việc từ học tập đến cuộc sống. |
Chia sẻ với VietNamNet, Thu Huyền cho hay suốt những năm tháng học ĐH Ngoại thương, hai chị em luôn mơ ước một lần cùng được vinh danh ở một dịp lễ bất kỳ nào đó và có sự chứng kiến của bố mẹ như một cách để động viên bậc sinh thành.
“Chúng em đã từng nghĩ rất khó, thậm chí không làm được bởi môi trường có nhiều bạn giỏi như vậy, làm sao đến lượt mình. Nhưng hai chị em luôn cố gắng hết sức và giờ đây, chúng em đã làm được”, Huyền nói.
Thanh Minh cũng rất hạnh phúc và niềm vui như nhân đôi khi chị em cùng lọt top những sinh viên tiêu biểu của toàn khóa.
Lúc mới vào trường, cả hai từng nghĩ việc giành được học bổng của ĐH Ngoại thương là điều khó khăn. Vì vậy, Minh và Huyền luôn tự nhủ cố gắng và đặt mục tiêu đạt được điểm cao nhất có thể trong tất cả các môn học.
“Trong quá trình học, em luôn cố gắng làm tốt nhất khả năng có thể. Để nếu có thất bại xảy ra như điểm số không cao hay bất cứ điều gì sẽ không bị cảm giác hối tiếc, mình đã nỗ lực hết sức”, Huyền chia sẻ.
Huyền thường tham vấn kinh nghiệm của các anh chị khóa trên để tìm cách học tối ưu. Minh cho rằng kết quả ngày hôm nay có được nhờ việc xây dựng nhóm bạn học cùng.
“Ở ĐH Ngoại thương, em luôn tìm cho mình những người bạn hoặc nhóm bạn có cùng mục tiêu trong học tập để học cùng. Qua đó, chúng em có thể hỗ trợ nhau trong học tập, cùng trao đổi về bài tập trên lớp, giảng lại cho nhau về những kiến thức còn thiếu hụt và cùng nhau ôn thi...”, nữ sinh chia sẻ.
Trong các lớp tín chỉ, Minh luôn xung phong làm lớp trưởng - việc mà theo Minh giúp em có được kết quả hôm nay. “Đã nhận vị trí đó, em luôn phải có tinh thần trách nhiệm cao hơn các bạn và chú tâm hơn vào việc học”, Minh giải thích.
Trong tổng số 48 lớp tín chỉ, Minh làm lớp trưởng 15 lần. “Việc này giúp em rèn sự chủ động, khả năng kết nối và kỹ năng giao tiếp”, Minh nói.
Việc có chị em sinh đôi, thêm người bạn đồng hành cũng là một trong những lợi thế giúp việc học tốt hơn. Trước mỗi kỳ thi, hai chị em thường tổng hợp đề cương ôn tập một cách chi tiết. Chuyên ngành khác nhau, nhưng vẫn chung ngành Kinh tế nên hầu như số môn học của chị em trùng nhau.
“Điểm thuận lợi của chị em sinh đôi là khi học những lớp tín chỉ cùng nhau chúng em có thể chia nhau ra làm đề cương ôn tập. Thông qua đó cũng có thể kiểm tra lại kiến thức cho nhau, đặc biệt ở những môn có yêu cầu vấn đáp. Nếu không đăng ký được cùng lớp do hết suất, người học trước sẽ chia sẻ đề cương hay kinh nghiệm học môn học đó cho người còn lại”, Huyền nói.
Tuy vậy, như các sinh viên khác, cả hai vẫn có những thời điểm gặp sự cố.
Thanh Minh và Thu Huyền cùng bố mẹ và em trai tại buổi lễ vinh danh sinh viên tiêu biểu toàn khóa 58 của ĐH Ngoại thương. |
Kỷ niệm buồn của Minh là cú trượt học bổng khuyến khích học tập ở kỳ 1 năm nhất, lý do không chú tâm việc học trên lớp. “Năm nhất mới vào, em bỡ ngỡ về phương pháp học ở bậc đại học, cộng thêm chưa quen cách dạy của thầy cô. Khi đó, không hiểu bài nhưng em ngại hỏi các bạn, thầy cô. Vì vậy, kết quả không được như mong đợi”, Minh kể.
Theo Minh, một thất bại nhưng đổi lại cho em rất nhiều điều. “Đó cũng là bài học để các kỳ sau em luôn cố gắng tập trung hiểu bài và mạnh dạn hỏi các bạn, thầy cô khi không hiểu, làm hết sức có thể trong các bài thi”, Minh nói.
Huyền cũng từng thất vọng vì những môn điểm thấp, không như kỳ vọng. “Hồi kỳ 1 năm hai, em chỉ đạt 5 điểm ở bài kiểm tra giữa kỳ của môn Tài chính - Tiền tệ. Lý do là em không ôn bài kỹ. Điểm giữa kỳ như vậy quá thấp, em phải cố gắng ở bài thi cuối kỳ bởi nếu không có nguy cơ dính điểm D, thậm chí phải học lại”, Huyền kể.
Theo Huyền, khoảng thời gian đó thật sự khó khăn, bởi chỉ còn mỗi bài thi cuối kỳ để vớt vát. Không còn cách nào khác, Huyền ôn cẩn thận hơn và nhờ sự hỗ trợ từ Minh, em gỡ gạc được ở bài thi cuối kỳ với điểm 9. Qua đó, em đạt trung bình chung tích lũy trên 8 để đạt điểm B và vẫn níu lại học bổng kỳ học đó.
“Từ lần đó, em nghĩ rằng không gì không thể, miễn cố gắng hết sức. Sự nỗ lực chắc chắn sẽ được đền đáp. Có thể nó đến muộn hơn một chút, đôi khi bạn phải kiên trì, gục ngã nhưng chắc chắn nỗ lực sẽ có kết quả”, Huyền nói.
Cũng giống Minh, Huyền làm lớp trưởng 15 lớp tín chỉ ngoài việc lớp trưởng lớp hành chính. “Từ việc làm lớp trưởng nhiều lớp, em học được sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, cách gắn kết trong tập thể, kết nối với thầy cô và bạn bè”, Huyền nói.
Cả Minh và Huyền cho rằng may mắn với cả hai khi gia đình luôn là điểm tựa rất lớn, tạo nguồn động lực. “Bố mẹ luôn cho chúng em được tự quyết định công việc cũng như đường hướng sự nghiệp, không hề có sự áp đặt”, Minh nói.
Hiện, Minh làm việc tại hội sở một ngân hàng lớn trong nước, Huyền làm quản lý dự án tại một công ty truyền thông.
Huyền và Minh cho hay cả hai đều đang làm những công việc trái ngành. “Không ít người trẻ làm các công việc khác ngành đào tạo, nên em thấy đây là việc rất bình thường. Tuy nhiên, những kiến thức em được học ở chuyên ngành Kinh tế đối ngoại không vì thế mà uổng phí. Bởi những kiến thức được học cho chúng em kỹ năng, hiện tại có thể chưa dùng đến nhưng trong tương lai hoàn toàn có thể sử dụng đến khi khởi nghiệp, hoặc ở những vị trí công việc khác. Việc học không bao giờ thừa cả”, Minh nói.
Cả hai cùng đặt mục tiêu trong tương lai gần tiếp tục học lên thạc sĩ, song song với việc phát triển công việc.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.