Ngày 24/3, Bộ Tư pháp cho biết, trong 3 năm (2011 đến 2014), các bộ, ngành đã quan tâm triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, chi hơn 9 tỷ đồng để bồi hoàn cho công dân.
Cụ thể, các cơ quan TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, cùng bộ, ngành liên quan đã tiếp nhận 107 đơn yêu cầu bồi thường, thụ lý 98 vụ. Trong đó, đã giải quyết xong 71 vụ việc (chiếm 72,44%), với tổng số tiền phải bồi thường hơn 9,2 tỷ đồng, còn 27 vụ việc đang giải quyết.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính đã thẩm định, cấp phát hơn 8,3 tỷ đồng, chi trả cho các trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự. Riêng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) đã hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường cho 29 vụ việc.
Ông Nguyễn Thanh Chấn-một điển hình về án oán sai đang chờ được bồi thường. |
Đánh giá hoạt động bồi thường oan sai, Bộ Tư pháp cho rằng, việc thụ lý, bồi thường đối với một số vụ việc chưa kịp thời, do khó khăn trong thực hiện các thủ tục. Bên cạnh đó, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết bồi thường giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn tới việc giải quyết bị kéo dài, vượt quá thời hạn theo quy định, gây bức xúc cho người bị thiệt hại.
Tỷ lệ vụ việc chưa được giải quyết, phải chuyển sang kỳ sau qua từng năm vẫn còn cao. Đã có 19 vụ việc người dân khởi kiện trước tòa án, do không đồng tình với cách giải quyết của cơ quan bồi thường, nhất là tình trạng cơ quan bồi thường lại là đơn vị đã gây ra oan sai.
Bộ Tư pháp đã có văn bản kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác bồi thường.