Bộ Công an vừa xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá. Dự thảo ra đời trong bối cảnh các ôtô đã qua sử dụng mang biển số đẹp, hiếm thường xuyên được rao bán với mức giá cao hơn nhiều giá xe mới lăn bánh.
Trong khi vấn đề này ở Việt Nam còn đang nằm trong dự thảo thì trên thế giới, nhiều quốc gia đã có quy định này từ lâu.
Việc bán đấu giá biển số đẹp nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân của người dân, đáp ứng mong muốn có một biển số thể hiện được sự giàu có, cá tính và địa vị. Ngoài ra, việc đấu giá biển số còn giúp tăng ngân sách quốc gia và mang lại một số lợi ích khác.
Đấu giá biển số xe để tăng thu ngân sách
Vào ngày 7/4 vừa qua, Cục Giao thông Đường bộ Thái Lan lần đầu tiên tổ chức bán biển số xe đặc biệt, các chủ xe ôtô cá nhân ở nước này được phép đấu giá các biển số đặc biệt, với mỗi biển số bao gồm các chữ cái Thái Lan, dấu thanh và số không quá 7 ký tự.
Theo báo chí Thái Lan, người dân xứ sở chùa Vàng dành nhiều sự quan tâm đến sự kiện này khi vòng đấu giá đầu tiên đã thu hút được gần 600 người tham gia, bao gồm tham gia tại chỗ và trực tuyến. Trong đó, biển số đắt nhất đấu giá thành công có giá 18,5 triệu baht (tương đương hơn 12,6 tỷ đồng).
Thế giới đã cho phép đấu giá biển số đẹp từ lâu. Ảnh: TripAdvisor. |
Theo Cục Giao thông Đường bộ nước này, vòng bán đấu giá đầu tiên đã thu về được 282 triệu bath, toàn bộ số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ Quỹ An toàn Giao thông Đường bộ Thái Lan.
Thuế thu nhập cá nhân mang lại cho chính phủ một nguồn thu khổng lồ. Tuy nhiên, tại một số nước người dân không cần phải trả cho khoản thuế này và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là một trong số đó.
Cũng chính từ đó, việc mua biển số đẹp được nhiều người dân cho rằng là một cách để đóng góp cho quốc gia chứ không đơn thuần chỉ là để phục vụ cho nhu cầu cá nhân.
Một chiếc biển số thông thường của UAE sẽ bao gồm 5 chữ số bất kỳ và một chữ số thứ 6 tùy thuộc vào chiếc xe được đăng ký ở tiểu vương quốc nào. Biển số đặc biệt để đấu giá là biển mang dãy số thuộc định dạng này hoặc ít chữ số hơn.
Biển số xe đắt nhất thế giới. Ảnh: AutoEvolution. |
Vào năm 2008, trong một cuộc đấu giá tại UAE, doanh nhân Saeed Abdul Ghafour Khouri đã chi đến 14,3 triệu USD (tương đương 328 tỷ đồng) để mua biển số có duy nhất một số “1”. Đến nay, đây vẫn là biển số xe có giá đắt nhất thế giới.
Ngoài Thái Lan và UAE, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng cho phép người dân đấu giá biển số xe để tăng ngân sách quốc gia, trong đó có Australia, Bỉ, Canada, Nam Phi…
Nhiều lợi ích khác
Khi ngày càng nhiều người ở Trung Quốc trở nên giàu có nhờ sự phát triển kinh tế nhanh chóng, việc mua ôtô không còn nhằm mục đích di chuyển, mà đã trở thành một món đồ thể hiện đẳng cấp, sự giàu có của người sở hữu.
Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, lượng xe cá nhân tăng nhanh đã khiến tình trạng giao thông ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Để giải quyết vấn đề, các nhà hoạch định chính sách ở những thành phố này đã đưa ra giải pháp áp đặt hạn ngạch đối với việc cấp biển số xe mới mỗi năm.
Một phiên đấu giá biển số xe tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: CarNewsChina. |
Ngoài ra, các thành phố lớn vừa nêu còn áp đặt thêm chính sách đấu giá biển số và quay xổ số quyền sử dụng xe. Theo CarNewsChina, từ 11 năm trước, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã hạn chế xe cá nhân bằng cách quay xổ số. Sau đó, nhiều thành phố khác cũng áp dụng biện pháp này để giảm xe cá nhân.
Đấu giá biển số còn là cách giúp Trung Quốc giảm nạn hối lộ để sở hữu biển đẹp, bổ sung nguồn thu lớn để giúp tu bổ đường sá vốn bị thất thoát trước đây.
Tương tự tại Mỹ, 50% tổng số tiền thu được từ đăng ký biển xe và bán đấu giá sẽ được phân bổ về các trường học công, khoảng 30% sẽ thuộc ngân sách địa phương, còn lại dành cho y tế, an ninh và từ thiện.
Cuối tháng 6, Bộ Công an đã đề xuất giá khởi điểm cho biển số xe đấu giá khoảng 40 triệu đồng/biển số xe tại Hà Nội và TP.HCM, 20 triệu đồng/biển số xe đối với các tỉnh, thành phố khác.
Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỉ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Nếu được các cấp có thẩm quyền và bộ, ngành thẩm định sớm, dự thảo nghị quyết thí điểm sẽ được trình Quốc hội xem xét vào tháng 10 tới.