Giáo dục giới tính đang trở thành vấn đề “nóng” tại các trung tâm, các trường dạy trẻ khuyết tật, đặc biệt đối với trẻ thiểu năng trí tuệ.
Tình yêu của “trẻ khờ”
Trong một buổi học về giới tính, cô Giang Thị Nhiên (Trung tâm giáo dục Phúc Tuệ, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội) hỏi N. - một học sinh trong lớp - có người yêu chưa? N. bảo có rồi. Hỏi N. người yêu như thế nào, thì hóa ra N. đang “yêu” một chị sinh năm 1983, trong khi N. sinh năm 1992.
Cô giáo đùa N. đừng yêu chị ấy nữa, yêu bạn khác nhé, N. cũng đồng ý luôn, không… chung thủy gì hết. Hay như T., trong trường có bạn gái vô cùng khắc khổ, đành phải nói là… xấu gái, nhưng cô giáo đùa, bảo T. yêu bạn ý nhé, T. cũng gật đầu đồng ý.
Còn có những “tình yêu” mà người làm cha mẹ muốn khóc.
Chị H. có con trai KTTT. Bỗng một ngày chị nhận ra cậu con 15 tuổi của mình dường như quá quấn quít mẹ, muốn mẹ ôm ấp vuốt ve nhiều hơn. Thậm chí, bắt mẹ cõng đi chơi… Quan sát thêm một thời gian, chị giật mình nhận ra con mình đã lớn.
Bà Minh Hương, giám đốc TT Phúc Tuệ kể, có phụ huynh nhà có con trai KTTT bước vào tuổi lớn, đến tâm sự với bà về nỗi lo lắng đến ám ảnh vì trong nhà còn cô con gái nhỏ.
“Có con gái lớn bị KTTT thì lại lo kiểu khác”, bà Hương than thở. “Đấy, cứ nhìn mà xem, các em gái KTTT vô lo vô nghĩ, nên vào tuổi dậy thì trong rất xinh xắn vô tư. Các em lại thích dỗ ngọt, thích được chiều chuộng. Nên không cảnh giác, để mắt tới là dễ xảy ra chuyện”.
Việc thể hiện tình cảm, cảm xúc khi không có ý niệm gì về giới tính của trẻ KTTT cũng khiến giáo viên và cha mẹ đau đầu.
“Ở trường chúng tôi, nhiều khi có tình nguyện viên đến, các em nam chạy đến ôm chầm lấy cổ tình nguyện viên (TNV) nữ. Các em gái thì nhảy lên để các anh TNV nam bế, nhìn rất chướng mắt, nhưng không nói được. Có học sinh của trường khi đi xe bus đã bất ngờ giơ tay… chộp ngực hành khách, khiến giáo viên cùng đi phải hết lời giải thích, xin lỗi”, bà Hương kể.
Những bài giảng không có giáo án
Trung tâm giáo dục Phúc Tuệ hàng năm tiếp nhận khoảng 80 học sinh, trong đó có hơn 50 em ở độ tuổi dậy thì. Trường tiểu học Bình Minh (Hà Nội) hiện cũng đang giáo dục hơn 180 em KTTT… Mục đích dạy giới tính cho các em này, theo những chuyên gia, giáo viên trong ngành, là rất cần thiết để giúp các em tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại tình dục, tránh những hậu quả đáng tiếc…
Đau đầu nhất cho các giáo viên của trẻ KTTT là ở độ tuổi dậy thì, các em có những nhu cầu tự nhiên và cũng không xấu hổ “thỏa mãn” ngay giữa nơi đông người. Đơn giản nhất là các em là thích chạm tay vào bộ phận sinh dục, thậm chí “sờ mó” ngay trong lớp học. Nhiều em nữ tháo BVS ra… “khoe” với các bạn trai. Có em nam cứ thấy bạn nữ là nhào vào đòi hôn…
Cô Giang Thị Nhiên chia sẻ: “Trẻ KTTT chỉ chậm về nhận thức, còn sinh lý vẫn phát triển bình thường. Thậm chí, ham muốn tình dục của các cháu còn phát triển rất mạnh”.
Bài giảng đầu tiên về giới tính cho trẻ KTTT ở TT Phúc Tuệ là bài học mà thường trẻ em 2, 3 tuổi đã có thể nhận biết, đó là phân biệt thế nào là nam, là nữ. Nhưng để dạy các em phân biệt được cũng không dễ. Khó khăn hơn, là dạy cho các em biết sự khác biệt giữa bộ phận sinh dục nam và nữ, chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế xuất tinh… Những khái niệm này các cô phải dạy đi dạy lại hàng tháng trời, mà có khi học sinh vẫn mơ hồ.
Bài học được truyền tải bằng lời nói, bằng tranh ảnh, video… Thậm chí, bà Hương cho biết, có những lúc các cô giáo phải trực tiếp dẫn học sinh nữ vào nhà vệ sinh, dạy thật chậm các thao tác đóng, thay băng vệ sinh như thế nào.
“Những vấn đề quá tinh tế các em không hiểu, như không nắm tay lâu, không ngồi sát cạnh… Nhưng nếu dặn đi dặn lại các em không sờ vào bộ phận sinh dục, không được đến chỗ vắng, không đi theo người lạ… thì các em cũng sẽ nhớ” – bà Hương đúc kết.
Đặc biệt, với những hành xử quá tự do, các cô phải lựa nhiều cách để dạy. Chỉ vào những em trai lớn lộc ngộc trong lớp, cô giáo Nhiên không ngần ngại kể hầu như em nào cũng đã từng “thủ dâm” ngay trong lớp học. Khi nhận thấy, cô nhẹ nhàng gọi các em ra một góc riêng, giải thích đây là việc tế nhị và hãy làm ở chỗ kín đáo, không để người khác nhìn thấy.
Không chỉ trang bị kiến thức giới tính cho các em, các giáo viên cho rằng phụ huynh trẻ KTTT cũng cần phải biết những kiến thức cơ bản để giúp đỡ, bảo vệ con em mình. “Ở nước ngoài, đây cũng là vấn đề chung, rất nan giải, và cũng là vấn đề lớn đối với cộng đồng”, bà Hương cho biết.
“Biết rằng việc truyền tải thông tin về giới tính cho đối tượng học sinh này không đơn giản như ở trường phổ thông, bởi vì ở đây mỗi em có nhận thức khác nhau, và phương pháp hiệu quả nhất là sự tận tụy của các thầy cô, nhưng chúng tôi vẫn mong sẽ sớm có chương trình chính thức, để các giáo viên được tập huấn bài bản về kỹ năng giáo dục giới tính cho trẻ KTTT”, bà Minh Hương bầy tỏ nguyện vọng.