Tình trạng quá tải, xuống cấp khu vệ sinh vẫn khá phổ biến tại nhiều trường học. Thông qua rà soát cơ sở vật chất đầu năm học, các quận như Thanh Xuân, Hà Đông... đều đã dành những khoản đầu tư hàng chục tỷ đồng xây mới, cải tạo nhà vệ sinh.
Đặc biệt, việc tìm ra biện pháp đảm bảo vệ sinh trong quá trình sử dụng khu công trình phụ được các quận này chú trọng.
Nhà vệ sinh tại trường tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) vừa được đầu tư toàn bộ thiết bị theo đúng tiêu chuẩn, có chất lượng tốt và có tính thẩm mỹ. |
Mạnh dạn đầu tư
Bà Lê Minh Nguyệt - hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Đông - cho biết trước tình trạng nhiều khu vệ sinh trường học quá xuống cấp do trường được xây dựng cách đây 27 năm, năm học 2015-2016, UBND quận đã rà soát các khu vệ sinh xuống cấp và cho sửa lại toàn bộ.
Trường đã nghiệm thu trong hè và đưa vào sử dụng năm học này với tổng số 6 phòng vệ sinh xây mới do UBND quận đầu tư gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, khó khăn với nhà trường là trường có tới 1.631 học sinh, chia làm 2 ca lại chỉ có 6 phòng vệ sinh nên luôn phải tìm cách khắc phục tình trạng quá tải.
Chị Trần Thị Thanh - nhân viên công ty Hoàn Mỹ, làm việc tại trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa - cho biết cả trường có 6 nhân viên vệ sinh làm việc, nhưng công việc luôn quá tải."
Nhà vệ sinh của trường mới được xây, sửa, các trang thiết bị khá hiện đại, nhưng nhiều học sinh thiếu ý thức không đảm bảo vệ sinh chung... nhiều em còn nghịch ngợm dẫm đạp lên bệ, trèo, đạp vào cửa... Học sinh cần được thầy cô thường xuyên tuyên truyền giữ gìn đồ dùng, tài sản công thì mới ý thức được" - chị Thanh chia sẻ.
Bà Phạm Thị Tâm - hiệu trưởng trường tiểu học Lê Lợi, quận Hà Đông - cho biết cả trường có 1.980 học sinh với 35 phòng học, 18 phòng vệ sinh. Khó khăn nhất với các trường tiểu học là học sinh còn quá nhỏ, đặc biệt học sinh lớp 1 thì khó để bảo đảm được vệ sinh chung.
"Nhà trường phải thuê 2 nhân viên trực khu vệ sinh riêng để bảo đảm nhà vệ sinh khô sạch. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng ý thức được. Hàng năm nhà trường phải thay thế nhiều thiết bị như bồn cầu, vòi nước..." - bà Tâm chia sẻ.
Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết UBND quận dự kiến sẽ đầu tư chống xuống cấp trường học 10 tỷ đồng, trong đó có các hạng mục đầu tư cho nhà vệ sinh đạt chuẩn.
Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng công trình sau đầu tư đang khiến các trường đau đầu bởi nhân viên vệ sinh không làm xuể do học sinh quá đông nên cần có mô hình vệ sinh công nghiệp, chuyên nghiệp hơn.
Chuyên nghiệp hóa công tác vệ sinh trường học
Được biết, kinh phí quận Thanh Xuân đầu tư xây dựng nhà vệ sinh mỗi trường từ 2,5-3,5 tỷ đồng, tùy điều kiện và số lượng học sinh.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - hiệu trưởng nhà trường - cho biết được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo quận cũng như Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân về khung cảnh sư phạm và hệ thống nhà vệ sinh, năm học này, trường tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) vừa được đầu tư toàn bộ thiết bị trong các nhà vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn, có chất lượng tốt và có tính thẩm mỹ. Trong nhà vệ sinh luôn có khăn lau tay, xà phòng, giấy vệ sinh và nước tẩy.
Không chỉ đầu tư lớn cho khu vệ sinh trường học, ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân - cho biết quận Thanh Xuân đã xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án phát triển GD&ĐT giai đoạn 2016-2020, trong đó, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất được quan tâm chỉ đạo, với 100% trường tiểu học, THCS được đầu tư nhà vệ sinh hiện đại kèm theo thực hiện mô hình vệ sinh công nghiệp.
"Ban đầu các trường rất băn khoăn với mô hình này, lo ngại chi phí tăng cao, nhân công vệ sinh cũ bị dư thừa. Tuy nhiên, mô hình vệ sinh thông thường đang thuê lao công dọn dẹp chi phí không thấp hơn so với mô hình vệ sinh công nghiệp.
Ưu điểm của công ty vệ sinh hiện đại đều có trang thiết bị, máy móc đầy đủ, quá trình thực hiện có theo dõi, kiểm tra thường xuyên, luôn đảm bảo sạch sẽ. Với đội ngũ lao công cũ, nếu muốn tiếp tục làm việc sẽ được công ty tiếp nhận, đào tạo về kỹ thuật vệ sinh công nghiệp... Mức lương thấp nhất bằng mức lương các trường đã chi trả" - ông Phạm Gia Hữu cho biết.
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Lệ Hằng cho rằng, để đảm bảo nhà vệ sinh trường học được đầu tư tốt và duy trì vệ sinh lâu dài thì các quận, huyện phải chủ động nguồn vốn.
"Quận Hà Đông rất chủ động trong việc chống xuống cấp nhà vệ sinh trường học, tuy nhiên, chúng tôi rất mong có sự vào cuộc của phụ huynh và xã hội" - bà Hằng chia sẻ.