Việt Nam và 27 nước khác trên thế giới tổ chức kỷ niệm rất trọng thể Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Thông thường, lao động nữ sẽ có nửa ngày nghỉ và được nhận quà hay hoa kèm theo nhiều lời chúc ý nghĩa.
Với các quốc gia còn lại trên thế giới, mặc dù không coi 8/3 là ngày lễ chính thức chung, không vì thế mà tinh thần ngày này lại kém rộn ràng.
“Trải qua 108 năm, ngày 8/3 vẫn được kỷ niệm rộng rãi trên toàn thế giới, bởi đơn giản vẫn tồn tại những bất công với phụ nữ”, chuyên trang về cộng đồng Ngày Quốc tế Phụ nữ IWD nhận định.
"Muối bỏ bể"
Ngày Quốc tế phụ nữ ở Trung Quốc được coi như Ngày của mẹ. Đây là dịp để người con bày tỏ sự hiếu thảo với mẹ mình.
Tuy nhiên do sự mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ quá lớn - hậu quả của tư tưởng “trọng nam khinh nữ” - ngày 8/3 đôi khi còn được xem như là ngày lễ tình nhân để đàn ông thể hiện tình cảm nam - nữ. Chính vì vậy, vào thời gian này, các hoạt động thương mại liên quan đến sản phẩm dành cho nữ diễn ra rất sôi động, phụ nữ có nửa ngày nghỉ để xả hơi hay mua sắm.
Biển quảng cáo sản phẩm dưỡng da dành cho phụ nữ giảm giá nhân dịp 8/3 của một cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Không giống như Trung Quốc, ngày 8/3 được chính thức coi là Ngày của mẹ ở Romania. Việc kỷ niệm ngày 8/3 vẫn rộn ràng, các tiết mục ca múa nhạc về lịch sử Ngày Quốc tế Phụ nữ vẫn được biểu diễn trên đường phố. Đối tượng hướng đến ở đây là những người mẹ, người bà.
“Chúng tôi vẫn có Ngày của mẹ là ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 5, nhưng Ngày Quốc tế Phụ nữ này cũng là để tri ân mẹ và bà. Dù sao họ cũng là những người phụ nữ quan trọng nhất”, Amelia Daniela, nhà báo tự do sinh sống tại thủ đô Bucharest (Romania), nói với Zing.vn.
“Tôn vinh nữ quyền vào một ngày duy nhất chẳng khác gì ‘muối bỏ bể’. 365 ngày phụ nữ cần được tôn trọng. Nếu có biến nó thành ngày đặc biệt thì đó nên là ngày dành cho mẹ”, Daniela nói thêm.
Đòi quyền bình đẳng, từ chối nhận hoa
Tinh thần Ngày Quốc tế Phụ nữ trong suốt hơn 100 năm vẫn là khích lệ mọi người trên khắp thế giới, cả phụ nữ lẫn nam giới, đứng lên và hành động đột phá để tiến tới bình đẳng giới.
Thay vì nhận hoa và quà, phụ nữ ở nhiều quốc gia như Australia, Ấn Độ, Pakistan, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Brazil hay Argentina vào ngày 8/3 đều chọn xuống đường tuần hành, kêu gọi và hô to khẩu hiệu, biểu ngữ nhằm nâng cao nhận thức của người dân và chính nữ giới về quyền bình đẳng giới.
“365 ngày trong năm, ngày nào cũng đấu tranh và kêu gọi bình đẳng nhưng Ngày Quốc tế Phụ nữ, vì là ngày kỷ niệm chính thức nên phần nào nâng cao nhận thức rõ ràng hơn và không khí sôi động, tạo hiệu ứng mạnh mẽ hơn”, Lee Eun-soo, người tham gia biểu tình chống nạn xâm hại tình dục phụ nữ ở Hàn Quốc năm 2018, nói với The Guardian.
Một người phụ nữ Georgia giơ cao tấm biển: Quyền lợi thay vì những bông hoa trong cuộc tuần hành ngày 8/3/2018 tại thủ đô Tbilisi. Ảnh: Reuters |
Ngày 8/3/2018, hàng nghìn người Hàn Quốc, bao gồm cả phụ nữ và nam giới xuống đường tuần hành ở trung tâm thủ đô Seoul, cầm theo các băng rôn, biểu ngữ gắn dấu từ khóa "MeToo", tức là "tôi cũng thế - tôi cũng là nạn nhân bị xâm hại, bị quấy rối tình dục", bày tỏ sự ủng hộ hay chia sẻ câu chuyện của mình, đấu tranh chống lại vấn nạn quấy rối tình dục.
Hay như tại Nhật Bản, đã thành thông lệ, cứ đến Ngày Quốc tế Phụ nữ, nhiều người, đa phần là nữ giới, tập trung ở trung tâm thủ đô Tokyo biểu tình nhằm xóa bỏ định kiến giới ở nơi làm việc. Những nỗ lực này buộc thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào năm 2015 đưa ra cam kết sẽ có những cải cách về vai trò của phụ nữ ở nơi công sở và hạn chế xâm hại tình dục phụ nữ.
Phụ nữ Hàn Quốc biểu tình ủng hộ phong trào #MeToo nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 2018. Ảnh: Reuters |
Với quốc gia tục tảo hôn và nạn hiếp dâm phụ nữ và trẻ em vẫn còn phổ biến như Ấn Độ, ngày 8/3 chính là thời điểm phụ nữ có thể thoải mái nêu lên quan điểm và kêu gọi đấu tranh bình quyền. Từ năm 2013, các cuộc tuần hành ở thủ đô Delhi còn thêm mục đích đòi lại công lý cho sinh viên y khoa Jyoti Singh bị hãm hiếp tập thể và giết chết một năm trước đó.
Còn ở Australia, một trong những quốc gia kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ sớm nhất, một số cột đèn tín hiệu giao thông sẽ hiển thị hình ảnh người đi bộ là nữ với mục đích xóa bỏ định kiến vô thức về giới hay những khuôn phép giáo điều xưa cũ trong tư duy của người dân.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng từng tổ chức một sự kiện mang tên “Trao quyền trẻ em gái và phụ nữ thông qua giao lưu quốc tế” nhân kỉ niệm 100 năm ngày Quốc tế phụ nữ. Cũng trong dịp này, tổng thống đương nhiệm lúc đó, Barack Obama, tuyên bố “tháng 3 là tháng lịch sử của phụ nữ”.
Không chỉ có những hoạt động “offline” để kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ, từ năm 2005, ngày 8/3 hàng năm Google đều thay đổi hình vẽ (doodle) trên trang tìm kiếm của mình. Chẳng hạn năm 2017, Google vinh danh 13 người phụ nữ tiên phong trên thế giới qua từng thời kỳ. Năm ngoái, doodle hướng đến hình ảnh người phụ nữ trong tương lai.
Manh nha của ngày lễ dành cho phụ nữ đến từ những năm đầu thế kỷ XX khi đảng Xã hội Mỹ lúc bấy giờ chọn ngày 28/2 là ngày phụ nữ Mỹ sau sự kiện 15.000 phụ nữ diễu hành khắp thành phố New York để đòi quyền bầu cử, trả lương xứng đáng và giảm giờ làm năm 1909.
Sau đó, một nhà hoạt động xã hội người Đức là Clara Zetkin khởi xướng ý tưởng về ngày Quốc tế Phụ nữ, cho rằng tất cả các quốc gia đều nên dành một ngày tôn vinh phụ nữ để thúc đẩy nhu cầu của họ.
Ngày 19/3/1911, ngày Quốc tế Phụ nữ lần đầu tiên được kỷ niệm tại Australia, Đan Mạch, Đức và Thuỵ Sĩ. Đến năm 1913, các nước quyết định chuyển Ngày Quốc tế Phụ nữ sang ngày 8/3 và được giữ cho đến nay.