Chí Trung: 'Đừng so hài truyền hình với sân khấu'
"Nghệ thuật phải khiến người ta bỏ tiền mua vé, đội mưa đội nắng đến với người nghệ sĩ, không phải cái thứ văn hóa vé mời hay thưởng thức nghệ thuật miễn phí", danh hài xứ Bắc chia sẻ.
>> NSƯT Chí Trung bị tai nạn, gãy 5 xương sườn
>> Chí Trung: 'GS.Cù Trọng Xoay không phải người của showbiz'
Chí Trung và Xuân Bắc trong "Gặp nhau cuối năm". |
- Có nhiều người nhận xét rằng vốn gây cười của các nghệ sĩ hài dường như đã cạn kiệt bởi có quá nhiều các vở hài phải dùng những câu chuyện nhảm nhí, rẻ tiền để chọc cười khán giả. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Xin hỏi rằng những người có nhận xét trên họ xem hài ở đâu? Họ xem trên truyền hình hay ở nhà hát, xem bằng vé mời hay tự bỏ tiền ra mua? Xin đừng xem truyền hình để nhận xét về sân khấu. Tôi ghét nhất ai chưa xem chúng tôi diễn trên sân khấu nhưng nhận xét "cứ như đúng rồi".
Xin thưa rằng hài trên truyền hình là hài xem miễn phí, hài "mậu dịch", ngay cả người thực hiện cũng chỉ coi là "chuyện thoáng qua" nên làm đơn giản, sơ sài. Rất ít những chương trình hài truyền hình được đầu tư kỹ càng về tâm, tài, tiền như Gala Cười, Gặp nhau cuối năm… Và đương nhiên, đó là những chương trình luôn được cả nước mong đợi. Bạn muốn thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật đích thực, có đầu tư, có trí tuệ, xin hãy bỏ tiền túi ra mua một chiếc vé đến rạp kịch. Bạn đòi hỏi gì nhiều khi chỉ muốn xem thứ nghệ thuật "mậu dịch" không phải bỏ tiền ra mua?
Trên sân khấu, nếu chúng tôi diễn những tác phẩm nửa vời, những thứ nghệ thuật vớ vẩn, khán giả sẽ bỏ về ngay lập tức, người nghệ sĩ như chúng tôi chỉ có "chết đứng" trên sân khấu. Làm sao những thứ hài nhảm, hài nhạt, cười gượng có thể tồn tại?
Chúng tôi không diễn những vở hài nhảm nhí. Bạn nên nhớ chữ hài với chữ hề là khác nhau hoàn toàn. Chỉ có một con đường, gạn đục khơi trong để làm nghệ thuật đích thực, thứ nghệ thuật phải khiến người ta bỏ tiền mua vé, đội mưa đội nắng đến với người nghệ sĩ, không phải cái thứ văn hóa vé mời hay thưởng thức nghệ thuật miễn phí.
- Chí Trung diễn những vở hài đích thực trên sân khấu nhưng tại sao lượng khán giả đến rạp xem cũng chỉ lác đác?
- Bạn thừa biết ở miền Bắc điều kiện cuộc sống của chúng ta như thế nào. Chưa cần nói đến cuộc sống còn nhiều khó khăn, chỉ nói khí hậu, chúng ta chỉ có đúng 2 tháng tử tế, còn lại 10 tháng là vứt đi, nóng thì nóng quá, lạnh thì lại lạnh quá, giữa nóng và lạnh thì nước mưa nhoe nhoét. Bước chân ra đường đã ngại, làm sao lôi được khán giả đến rạp hát?
Hơn nữa, nghệ thuật lại là thứ nhu cầu cuối cùng mà người ta cần đến. Người ta không thể sống được nếu không được ăn, uống, mặc quần áo, yêu… (nói xin lỗi thậm chí không sống được nếu không bài tiết), nhưng vẫn sống tốt nếu không đi xem kịch, xem phim hàng tháng trời, nếu không nói là hàng năm trời. Thế nhưng, dù chỉ có 10 khán giả ngồi xem, chúng tôi vẫn diễn, thậm chí còn diễn hay và hết mình hơn bởi chúng tôi rất trân trọng những người khán giả đích thực đó.
- Khán giả đến rạp xem lác đác nhưng sân khấu vẫn sáng đèn, người nghệ sĩ vẫn phải diễn, vậy chắc hẳn vấn đề "cơm áo gạo tiền" với người nghệ sĩ không phải đơn giản?
- Đúng vậy. Ngoài những vở diễn đích thực trên sân khấu, chúng tôi vẫn phải "chạy show" để phục vụ cho cái gọi là cơm áo gạo tiền. Tôi vốn là một người thực tế. Tôi thực tế để lo toan đời sống cho anh em. Người nghệ sĩ, bật đèn lên là ông hoàng bà chúa, tắt đèn đi cũng là những con người, tức là cũng có gia đình, nhu cầu, trách nhiệm, cơm ăn áo mặc như bao người bình thường khác.
- Luôn phải lo cho sân khấu được sáng đèn hàng đêm, chăm lo dàn dựng kỹ lưỡng cho các vở diễn, thường xuyên đi lưu diễn các tỉnh, đảm nhiệm các vai diễn nặng ký như Táo giao thông trong "Gặp nhau cuối năm", thêm vào đó phải chăm lo cho gia đình của mình luôn êm ấm và hạnh phúc. Anh có đủ sức khỏe để cáng đáng?
- Với tôi, gia đình và sân khấu là hai thứ quan trọng nhất. Để cho hai thứ đó luôn tốt đẹp và song hành, điều đầu tiên với tôi là phải có một sức khỏe tốt. Tôi tránh các thức ăn khiến mình có thể bị tiểu đường, tim mạch. Tôi cũng phải chăm lo cho đôi mắt bởi công việc của tôi phải đọc nhiều sách vở, Internet để chiêm nghiệm về cuộc sống và biến thành các vở diễn và vai diễn.
Công việc cũng buộc tôi phải đi lại nhiều, lưu diễn nhiều nơi, phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng, khói bụi… ảnh hưởng rất nhiều đến đôi mắt. Nhiều khi làm việc căng thẳng đến mức mắt nổ đom đóm, huyết áp tụt. Tối về đến nhà, đến bữa cơm "gắp thức ăn vào tận mặt con" vì nhìn không rõ, duy chỉ có một cái lợi là “mắt mờ nên nhìn vợ lúc nào cũng thấy đẹp" (cười)
Nói đùa vậy, với người nghệ sĩ như tôi, đôi mắt mà mờ đục không nhìn thấy gì thì cực kỳ khổ sở, coi như tự đóng sập cửa nhốt mình lại. Nhờ bí quyết của một người bạn cũng từng bị bệnh về mắt nhưng đã khỏi hơn một năm nay. Hiện tại, tôi không còn tình trạng nổ đom đóm mắt, các cơn đau đầu cũng thưa dần và giờ mất hẳn.
- Có sức khỏe tốt, có đôi mắt sáng rồi, kế hoạch sắp tới của anh là gì để có thể hút khán giả đến rạp đông hơn?
- Con đường đi trước mắt của sân khấu kịch phía Bắc vẫn là hài kịch nhưng sẽ là hài mang tính trí tuệ cao. Cái tâm của người nghệ sĩ được phải thể hiện qua từng vở hài, dù nhỏ dù to cũng phải dàn dựng kỹ lưỡng, gửi gắm từng thông điệp nhỏ của cuộc sống, phải thực tế, phải có ích và phải cần cho ai đó.
Mình cũng phải tự đứng lên và tạo thành một con sóng thị trường, tạo nhu cầu muốn xem cho khán giả bởi ai cũng tiềm ẩn nhu cầu thưởng thức giải trí, nhưng cuộc sống mệt mỏi khiến họ sẵn sàng quên lãng. Vì thế, mình phải có cách để khuấy động, mình treo băng rôn đầy trời, đánh trống gõ mõ, phát loa … tìm mọi cách để bỗng chốc biến cái nhà văn hóa vắng tanh thành một điểm văn hóa đông đúc người xem.
Theo Tintuconline