Chí Trung: 'Lê Hùng nghĩ tôi phản bội anh'
"Tôi biết bây giờ anh Hùng đang giận tôi hơn những người khác, cho rằng tôi phá anh...", nghệ sĩ Chí Trung buồn lòng.
>> Chính thức khai tử Nhà hát kịch Quốc gia VN
>> Chí Trung đắc cử Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ
>> Hủy đề cử Chí Trung làm giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ
Tòa lâu đài bên bờ sông lở…
Tôi cũng không ngờ rằng lại có kết cục này, khi anh Lê Hùng mượn một căn nhà khổng lồ của nước ngoài mang về và đặt Nhà hát Kịch Quốc gia bên bờ sông lở. Chỉ cần một lạch nước nhỏ là thổi bay cả tòa lâu đài đó trong giây lát.
Câu chuyện có mấy tác nhân mà lúc đầu chúng tôi chưa hiểu. Tác nhân đó xuất phát từ cá nhân chị Lan Hương. Không hiểu vì lý do gì mà anh Lê Hùng nóng lòng muốn giải thể đoàn kịch hình thể của chị Lan Hương mà lúc đầu do chính anh là người "đẻ ra" cách đây 7 năm. Cũng là một ngẫu hứng nghệ sĩ chăng? Và chị Hương đã phản ứng bằng 3 lá đơn vượt cấp lên Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Lúc đó tôi và chị Lê Khanh lòng vẫn còn chung chiêng lắm, vì vẫn là tình nghĩa đã có với anh Lê Hùng và tin tưởng…
Chí Trung (trái) và Lê Hùng.
Anh Tú cũng như chúng tôi nhưng lòng không vui, bất an nên phản ứng mạnh hơn. Sau đó thì câu chuyện cứ vỡ dần ra. Anh Thế Vinh - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT) - phát hiện ra rằng, trong đề án xây dựng Nhà hát Kịch Quốc gia nói rằng, NHTT không có khả năng diễn những vở lớn đương đại, diễn viên không đủ tuổi nghề và không có khả năng biểu đạt những vở diễn mang tầm quốc tế cho nên phải sáp nhập với Nhà hát Kịch Việt Nam. Ngược lại, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng không có nhiều diễn viên trẻ đủ tài… Nói chung là nói xấu để đạt được nguyện vọng tốt thì thực sự là một sự xúc phạm anh em nghệ sĩ và chúng tôi buộc phải lên tiếng.
34 năm hình thành NHTT, tiếng là ít nhưng cũng là một đời người và đây được coi là nhà hát năng động nhất miền Bắc. Hỏi ai là tác giả đề án thì Bộ đổ cho Nhà hát, Nhà hát đổ cho Bộ. Cuối cùng thì vỡ ra một điều nữa là đề án được xây dựng trên một ảo vọng, ngây thơ đến mù quáng của một vài người có trách nhiệm.
Thực ra mà nói, sáp nhập là một mô hình rất hay vì nó tập trung được sức mạnh của nhiều nghệ sĩ, được Nhà nước đầu tư và có một cơ sở hạ tầng vật chất dồi dào, có tầm vươn ra thế giới. Đó là mô hình lý tưởng, nghe rất hay, rất thích. Anh Hùng đã nói ở hai nhà hát từ 2 năm nay chứ không phải giờ mới nói. Nhưng chết ở chỗ anh nói nhiều quá về viễn cảnh.
Hứa sẽ xin Nhà hát Lớn cho Nhà hát Kịch Quốc gia; nói rằng một năm Bộ sẽ rót cho hai nhà hát khi sáp nhập là 40 tỉ… Tất cả những điều đó, khi yêu thì thấy là có lý, còn khi tỉnh ra thì thấy nó là phi lý. Tỉnh ra thì phát hiện ra rất nhiều sai lầm là tòa lâu đài đó được xây dựng trên 4 chiếc chén. Sụp đổ hoàn toàn. Sau đó thì Chi bộ hai nhà hát họp biểu quyết thì 100% cán bộ không đồng ý sáp nhập.
Lê Hùng nghĩ tôi phản bội anh
Nhiều diễn viên trẻ rất thắc mắc và hỏi thẳng tôi tại sao lại "chiến đấu" với anh Hùng như thế khi biết chúng tôi rất yêu quý nhau. Nhưng tôi và chị Lê Khanh là người đau lòng hơn cả khi phải "chiến đấu" với người thân của mình. Lẽ ra tôi chưa trả lời phỏng vấn bạn vào thời điểm này mà phải đợi đến tháng Chín, khi Bộ VHTT&DL bổ nhiệm ban lãnh đạo mới của hai nhà hát. Nhưng trước những dư luận và sau câu chuyện sáp nhập, tôi cũng cần phải nói ra những điều mình chất chứa trong lòng, để công chúng hiểu và anh của mình hiểu...
Trong số hàng trăm sợi dây ngũ sắc anh tung ra, nào là chuyện đất cát, nhà cửa được phân, đến mức nhiều người còn tâm sự với vợ con rằng sắp được đổi đời. Nhưng có một sợi là sự thật, là Nhà hát Kịch Quốc gia. Mọi người không tin đó là sự thật nhưng nó lại có thật. Quyết định đọc xuống ngày 5/4/2012. Mọi người ngỡ ngàng chết lặng đi, nhưng cũng mơ ước hi vọng, cũng mong mỏi, trong đó có cả tôi. Nghĩ rằng Bộ đã quyết định thì sẽ có cân nhắc, có tạo điều kiện. Chính vì thế trong cuộc họp bầu lãnh đạo cho hai nhà hát, còn anh Lê Hùng phụ trách toàn bộ Nhà hát Kịch Quốc gia, lúc đó có báo giật tít: Nghệ sĩ Chí Trung đắc cử Giám đốc NHTT.
Tôi đã phát biểu rằng, việc bỏ phiếu là chúng ta vẫn phải chấp nhận nhưng tôi nghĩ Nhà hát Kịch Quốc gia trong thời điểm này là vớ vẩn. Ngay cả NHTT nằm trong Nhà hát Kịch Quốc gia cũng vớ vẩn vì nhà hát gì mà không có dấu, không có tài khoản. Thôi thì cứ bầu và nếu có đắc cử cái gọi là Giám đốc NHTT thì tôi vẫn coi mình là trưởng đoàn. Tôi biết, không chóng thì chầy, chỉ một năm thôi thì ai lại về nhà nấy vì chả đời nào một nhà hát có bề dày 60 năm lại chịu sáp nhập vào một nhà hát với tuổi đời còn trẻ chỉ có hơn 30 năm.
Mọi người nói, Bộ ra quyết định không sáp nhập nữa là sáng suốt, anh em thở phào nhẹ nhõm. Nhưng tôi nghĩ câu chuyện vẫn chưa có hồi kết mà phải đợi đến tháng Chín này, khi Bộ có bổ nhiệm chức năng rõ ràng bộ máy lãnh đạo ở cả hai nhà hát. Còn hiện nay, Nhà hát Kịch VN không có lãnh đạo, trống hoàn toàn. Không hề có cả trưởng phòng, hình như chỉ có anh Trung Anh là trưởng đoàn. Đây là bài học không chỉ riêng anh Hùng mà bài học của nhiều ngành, nghĩ rằng thế hệ trẻ kém, không tin ai, nên giờ Nhà hát Kịch VN mới không có người kế nhiệm. Bây giờ thì anh Hùng mất hết, mất cả anh em. Chúng tôi cũng vậy. Tiền thì đến rồi đi. Con người sống rồi chết nhưng cái tình cũng mất thì hết.
Hiện ở NHTT, một số diễn viên trẻ đã làm đơn kiến nghị, ký vào đơn đề nghị Bộ xin giữ anh Hùng ở lại. Ở bên Nhà hát kịch VN cũng thế, xin giữ anh ở lại 3 năm để kiện toàn lãnh đạo thay thế. Nhưng làm như thế để làm gì? 3 năm chứ 30 năm nữa thì anh Hùng vẫn chỉ thế thôi, không thể hô phong hoán vũ được…
Tôi biết bây giờ anh Hùng đang giận tôi hơn những người khác, cho rằng tôi phá anh. Rằng tại sao mình tạo điều kiện cho nó nhiều như thế mà nó lại phản mình? Anh không hiểu một điều rằng văn hóa nghỉ ngơi là điều vô cùng quan trọng. Phải biết nghệ thuật nhô lên và thụp xuống. Cái buồn nhất là anh của mình sao lại không làm được điều đó. Chắc là phải có lý do. Và tôi nhận ra bài học mình cần phải làm gì khi đến tuổi đó.
Theo GĐ&XH