Với chiều cao nổi bật 1,78 m, thành tích học tập xuất sắc, có tài nữ công gia chánh cùng lối ăn nói hoạt bát, Vũ Nam Phương là người đầu tiên giành ngôi vị cao nhất cuộc thi.
Từ nỗi đau mất người thân
Nam Phương chia sẻ một trong những lý do khiến em theo học ở bệnh viện đứng đầu nước Mỹ về trị liệu ung thư là 7 năm trước, người mẹ qua đời vì bệnh ung thư. Bà ngoại em cũng mắc phải nhưng may mắn chữa khỏi.
Nam Phương ngoài đời là cô gái thân thiện, cởi mở. |
"Hồi ấy mẹ em mất vì ung thư do không được chuẩn đoán kịp thời, kỹ thuật hình ảnh và công nghệ còn sơ sài. Bà đã mất khi ung thư đại tràng di căn sang gan" - Nam Phương tâm sự.
Cũng theo Phương, nếu mẹ em và nhiều người dân VN có thói quen khám định kỳ sức khỏe thì sự việc đã có thể được can thiệp sớm. "Khi đó, mẹ hay đau bụng từng cơn nhỏ nhưng đi khám thì bác sĩ chỉ nói đau bao tử cũng không hướng dẫn chụp CT gì. Đến khi phát hiện ra đã là giai đoạn di căn rồi".
Học xong phổ thông tại TP HCM, Nam Phương cùng em gái được bố cho sang Mỹ với ông bà nội để tiếp tục học tập. Một mình ông ở lại VN kiếm tiền nuôi con.
Đến quyết tâm theo đuổi nghề y
Ý định ban đầu của Phương khi đó là theo truyền thông hoặc kinh doanh. Nhưng một lần khi được tham dự hội thảo giới thiệu chương trình học cử nhân y tế của trường MD Anderson, được tham quan Texas medical center mà trường trực thuộc đã thôi thúc nữ sinh quyết định theo đuổi ngành nghề này.
Nam Phương chia sẻ bản thân rất muốn được theo y khoa, để sau này có thể đóng góp một phần cho việc chẩn đoán bệnh tình của người dân.
Nam Phương chia sẻ mình muốn theo ngành chuẩn đoán hình ảnh y tế để giúp đỡ người dân trong phát hiện sớm, điều trị bệnh. |
3 tháng sau, Phương vào học những lớp đại cương: Cơ thể học, Vật lý, Sinh học… ở cao đẳng Lonestar mà trường MD Anderson yêu cầu. Năm 2015, em chuyển tiếp lên School of Health Professions của UT MD Anderson Cancer Center học các môn chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh y tế để lấy bằng cử nhân.
Khóa học tại MD Anderson mỗi năm chỉ lấy 18 sinh viên trong khi có đến mấy trăm hồ sơ nộp vào. Để có cơ hội được chọn, Nam Phương cho biết em phải nỗ lực lấy được điểm trung bình GPA tại Lonestar College là 3,94/4.
Sau khi được chọn vào nhóm đi quan sát 8 tiếng ở khoa Chẩn đoán hình ảnh, ứng viên tiếp tục phải trả lời phỏng vấn trước 7 giáo sư để họ đánh giá tinh thần đồng đội, khả năng đánh giá, xử lý tình huống và chăm sóc bệnh nhân trong môi trường y tế, rồi mới quyết định nhận vào.
Câu hỏi của các giáo sư khá thú vị như nếu có bệnh nhân bệnh thật nặng lại có thái độ khó chịu không tôn trọng thì chuyên viên sẽ giải quyết như thế nào; hoặc tại sao em nghĩ là người phù hợp và em nghĩ em có thể theo đuổi nghề nghiệp đến cùng không hay tại sao chúng tôi phải chọn em.
Những câu hỏi đó, theo Nam Phương em chỉ trả lời theo suy nghĩ, quyết tâm của bản thân. "Đối với bệnh nhân nếu xem họ như cha mẹ, anh chị, họ hàng của mình thì sẽ có cách đối xửa phù hợp tốt nhất. Điều quan trọng nhất với người làm ngành y là luôn đặt mình vào vị trí bệnh nhân để có thái độ cư xử cho nhẹ nhàng, đúng mực" - Nam Phương bộc bạch.
Vẻ đẹp dịu dàng của Nam Phương. |
Với giấy khen của trường Lonterstar cho những sinh viên đạt điểm GPA trên 3,7; là thành viên của Hội sinh viên ưu tú quốc tế Phi Theta Kappa Honor Society, Phương nhận được các gói hỗ trợ từ tổ chức, cá nhân, công ty. Gia đình em do đó chỉ cần trả tiền sách giáo khoa ở cao đẳng cho em.
Phương cho biết học theo ngành này, mỗi tuần giờ thực tập tại bệnh viện từ 16-18 tiếng rồi nộp báo cáo nghiên cứu, chuẩn bị cho bài kiểm tra. Vì vậy nên thời gian của Phương ở luôn viện nhiều hơn ở nhà để vừa thực tập, vừa ôn thi.
Lịch mỗi ngày của Phương bắt đầu từ 5h30 thức dậy, gói đồ ăn mang theo rồi lên xe bus đến bệnh viện. 16h30 tới thư viện học tới giờ đóng cửa thì chuyển sang phòng khác ôn bài đến 3h sáng hôm sau mới về ngủ.
Nhờ nỗ lực đó nên điểm GPA ở 7 lớp: Y học thực hành, an toàn phóng xạ, chăm sóc bệnh nhân… của Nam Phương trong học kỳ đầu tiên là 4.0/4.0.
Học hành vất vả nhưng khi nhìn thấy nụ cười của những bệnh nhân ung thư lại tiếp thêm cho Nam Phương động lực để theo đuổi con đường đã lựa chọn.
“Có trường hợp bị ung thư xương phải lắp kim loại vào cột sống, bị cắm ống hóa trị đầy người, nhưng họ vẫn đùa giỡn với em. Hình ảnh một phụ nữ trông rất yếu sau khi xạ trị và hóa trị, được người chồng nắm tay rồi ôm từ phía sau khiến em xúc động, không thể quên”, nữ sinh tâm sự.
Suzieann Bass – giáo sư môn Cơ thể học tại MD Anderson đánh giá Nam Phương là cô gái tốt bụng, lịch sự và tử tế với tất cả bệnh nhân.
Số tiền 25 triệu đồng nhận được từ cuộc thi Miss du học sinh Việt 2015 vừa qua, Nam Phương cho biết đã dành ủng hộ trẻ em nghèo ở Việt Nam. Học xong khóa học tại MD Anderson, Nam Phương dự tính đi làm 2 năm ở bệnh viện rồi học lên thạc sĩ.
Cô gái xinh đẹp, giỏi giang này cũng dự định sau này sẽ trở về VN để có thể giúp đỡ được nhiều người có điều kiện khó khăn được tiếp cận các kĩ thuật khoa học tiên tiến trong phát hiện, điều trị ung thư.