Ngày 1/4, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một nam sinh lớp 10 sống tại quận Hà Đông (Hà Nội) để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy lầu tự tử. Sau khi xuất hiện, clip này nhanh chóng được lan truyền rộng rãi, gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Liên quan tới sự việc, Công an quận Hà Đông đã vào cuộc, truy tìm người phát tán clip lên mạng xã hội. Trường hợp này, người phát tán clip có thể bị xử phạt ra sao?
Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp trị
Đây là sự việc đau lòng, gây ám ảnh, đặc biệt với những người thân của gia đình nam sinh. Mọi người nên nhìn nhận đây như một lời cảnh tỉnh, bài học về việc quan tâm và dạy dỗ con cái trong giai đoạn thay đổi phức tạp về tâm sinh lý.
Có nhiều cách để tuyên truyền, cảnh tỉnh mọi người về vấn đề này. Trong số đó, nhiều người lựa chọn cách đưa hình ảnh, video về vụ việc kèm những lời nhận xét, bình luận. Điều này vô hình trung khiến gia đình nạn nhân càng thêm đau lòng, xoáy sâu vào thiệt hại, mất mát, tổn thương của gia đình.
Dưới góc độ pháp luật, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Ngoài ra, Luật Trẻ em 2016 cũng quy định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; đồng thời được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.
Đối chiếu với sự việc, thư tín của trẻ em chính là video ghi lại toàn bộ diễn biến của sự việc. Đây là bí mật cá nhân, bí mật gia đình, việc lan truyền, phát tán nếu chưa được sự đồng ý của cá nhân, người thân trong gia đình sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý hành chính. Mức phạt áp dụng là 10-20 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu việc phát tán thuộc nhóm hành vi Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn, chế tài xử phạt được áp dụng cũng sẽ là phạt tiền 10-20 triệu đồng, căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 101 Nghị định này.
Như vậy, nếu được xác định vi phạm một trong 2 hành vi nêu trên, người phát tán video sẽ đối diện chế tài hành chính cao nhất là phạt tiền 20 triệu đồng.