Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chia tay, hôn nhau giữa sân trường có thể khiến con trẻ mất danh dự?

"Từ khi nào một nụ hôn, một cái ôm có thể khiến con người mất danh dự?" là góc nhìn khác nhau về việc học sinh cuối cấp hôn nhau trong ngày bế giảng.

Sau khi được đăng tải, bài viết Chia tay hôn nhau giữa sân trường, các em làm gì thế? của thầy giáo Võ Anh Triết đã nhận sự bàn luận sôi nổi.

Hành động không phù hợp...

Trong bài viết nói trên, thầy Triết chia sẻ: "Mấy hôm nay xem báo chí đầy ắp hình ảnh học trò trai gái ôm nhau như tình nhân nồng cháy, thấy học trò nam áo đồng phục sơ mi trắng quần xanh bế học trò nữ áo dài vào lòng; học trò giữa sân trường hôn nhau như tài tử phương Tây trên màn ảnh! Mình, một người cha, một người thầy cảm thấy sốc, tự hỏi mình đang thấy điều gì".

Độc giả Trung khẳng định "Tôi đồng tình với thầy Triết".

"Các con không được làm vậy vì đó là hành động không phù hợp. Rất nhiều việc ý nghĩa hơn nhiều các con có thể làm như hỏi thăm, tặng hoa, tri ân các thầy cô, tri ân cha mẹ, viết cho nhau những dòng lưu bút sâu sắc có giá trị tinh thần to lớn... Các con đừng làm những việc tầm thường.

Còn về phía thầy cô, để xảy ra những việc đó ở trường cũng không phải không có trách nhiệm. Vì các thầy cô hoàn toàn có thể ngăn lại khi thấy sự việc mới xảy ra".

Đồng quan điểm, độc giả Hoàng nhìn nhận: "Học sinh hôn môi ngay tại sân trường là hành vi thiếu chuẩn mực và văn hoá".

Theo độc giả này, là cha là mẹ, chúng ta không cấm con cái yêu đương tuổi học trò nhưng phải có giới hạn, đừng quá lố bịch. Xảy ra điều này là do thiếu giáo dục từ cha mẹ, thầy cô.

"Kỹ năng mềm tối thiểu phải có nơi công cộng và trong gia đình là con trẻ phải luôn cư xử đàng hoàng, lịch sự, hồn nhiên và trong sáng ở tuổi học trò.

Nhìn xa hơn, "vấn nạn hôn môi công khai" này sẽ dẫn tới hậu quả là quan hệ tình dục quá sớm và bừa bãi, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tương lai của các em. Nên loại bỏ điều này ngay lập tức ở lứa tuổi học đường".

Một cách nhẹ nhàng hơn, độc giả Trịnh Văn Quang nhận xét: "Xem phim ảnh, YouTube nhiều nên học sinh thời nay trưởng thành sớm hơn. Không cấm các con có tình cảm với bạn, nhưng thầy cô và cha mẹ cũng cần hướng dẫn cách thể hiện sao cho văn minh lịch sự, những cử chỉ tế nhị chỉ nên thực hiện trong không gian riêng".

Độc giả Xuân Hà cũng cho rằng: "Các em còn trẻ, trong khoảnh khắc hồn nhiên không nghĩ xa xôi. Tuy nhiên, thầy cô và cha mẹ cần đồng hành, có sự nhắc nhở để các em hành xử đúng với lứa tuổi".

... Hay người lớn nên thay đổi lăng kính?

Tuy nhiên, độc giả Quỳnh Anh có quan điểm khác hẳn. Vị phụ huynh này đặt câu hỏi khá gay gắt: "Từ khi nào một nụ hôn, một cái ôm có thể khiến con người bị mất danh dự? Khi nào người trưởng thành nhất định phải không để người khác thất vọng và lo lắng?".

Chị khẳng định: "Mình là phụ huynh, sẽ không đánh giá danh dự của con hay của gia đình chỉ vì một nụ hôn hay một cái ôm, cũng không buộc con mình hay bản thân phải không khiến người khác thất vọng và lo lắng. Ai có thể làm hài lòng cả thế giới? Ai có quyền đánh giá danh dự chỉ qua những cử chỉ nhỏ này?

Ngay cả khi 99% tình yêu học trò là không có kết quả, cũng không ai nói rằng tình yêu không học trò là có hậu cả. Hậu hay không là ở trái tim mình có cảm thấy xứng đáng hay không.

Nếu một người bạn đời chỉ vì nụ hôn hay cái ôm trong quá khứ của đối phương mà thấy không thể chấp nhận, người đó hẳn nhiên cũng chẳng có quá khứ gì để nhớ đến, là một người đáng thương hại hơn là đáng quý".

Độc giả tên Thanh nhận xét: "Tôi hiểu thầy cô sẽ cảm thấy việc làm này không phù hợp ở sân trường bởi đối với cha mẹ và thầy cô, các bạn dù trưởng thành vẫn là những đứa trẻ.

Nhưng việc thầy cô coi các em như thế nào không thể thay đổi được sự thật là cảm xúc dành cho bạn khác giới hoàn toàn phù hợp ở lứa tuổi này.

Nếu các bạn ấy không hôn nhau ở sân trường cũng sẽ hôn nhau ở nơi khác, ở những góc khuất mà cha mẹ và thầy cô không thấy được. Khi đó, người lớn sẽ không biết được con cái mình có cảm xúc như thế nào.

Nên người lớn có thể lựa chọn nhìn các bạn ấy hôn nhau ở trường học vào ngày cuối cùng của cấp 3, hoặc giả vờ như không biết và tự nói với bản thân rằng các em hãy còn nhỏ, không biết gì về tình yêu đôi lứa.

Tôi cho rằng thầy Triết nên thay đổi lăng kính của mình và nhìn từ góc nhìn của các bạn trẻ. Các bạn ấy không làm gì sai cả, chỉ là các bạn ấy vô tình đứng dưới lăng kính của thầy".

Từ việc học sinh hôn môi ở sân trường, độc giả Quyên cho rằng cha mẹ, thầy cô nên lồng ghép những câu chuyện dạy giữ ý tứ, thể hiện tình cảm cho các con thường xuyên và thẳng thắn.

"Phóng khoáng quá sẽ thành phóng đãng. Con tôi mới lớp 6 nhưng tôi đã có những câu chuyện chia sẻ về giữ ý tứ, nên và không nên làm, thể hiện cái gì không đẹp.

Cứ chia sẻ chuyện trò lâu ngày các con thấm dần. Ai cũng có tuổi trẻ, hành động xốc nổi. Đừng để khi nhìn lại, các con thấy ngại ngùng, xấu hổ không đáng có".

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.

Chia tay hôn nhau giữa sân trường, các em làm gì thế?

Mùa chia tay của học trò cuối cấp 2 và cấp 3, đâu đâu cũng có lễ tri ân và trưởng thành, lễ ra trường cho học sinh cuối cấp. Học sinh ký tên lên áo nhau, chụp ảnh và... hôn nhau!

https://vietnamnet.vn/hon-moi-giua-san-truong-trong-le-be-giang-co-the-khien-con-tre-mat-danh-du-2147233.html

Ngân Anh / Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm