Tâm sự "Chia tay mối tình 8 năm vì không hợp tuổi" của cô gái đăng trên diễn đàn Đại học Kinh tế Quốc dân, thu hút nhiều ý kiến của cư dân mạng.
Nhân vật chính của câu chuyện là cô gái 29 tuổi, hiện là chủ cửa hàng ảnh viện áo cưới tại Hà Nội. Cô và chàng trai, cựu sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, yêu nhau 8 năm. Sau đó, 2 người chia tay chỉ vì đi xem bói, thầy phán hai người không hợp tuổi.
'Cưới nhau sẽ không làm ăn được'
Cô gái tâm sự về khoảng thời gian 2 người nắm tay đi qua bao thăng trầm của cuộc sống. Khi mẹ chàng trai nằm viện, cô thay anh chăm sóc. Lúc anh ra trường thất nghiệp, gia đình lại có chuyện, cô là người bên cạnh an ủi, động viên.
Sau đó, anh rể cô đã giúp người yêu có việc làm. Đôi trẻ cùng nhau nuôi nấng cháu anh khôn lớn. Trải qua bao nhiêu chuyện, cô chưa một lần đòi hỏi bất kỳ thứ gì từ chàng trai. Những ngày lễ, kỷ niệm, cô chỉ cần có anh bên cạnh... Khi gia đình hai bên giục cưới, anh nắm tay cô bảo đợi thêm thời gian nữa cho ổn định hơn sẽ đỡ vất vả.
"Đúng đêm giao thừa, anh nhắn tin cho tôi đề nghị chia tay. Tôi bàng hoàng không biết lý do", cô gái viết.
Em gái út của anh bảo rằng người yêu của cô đã đưa cô gái khác về ra mắt, mẹ anh đã ngăn cản và khóc rất nhiều. Anh nói với mẹ rằng thầy bói bảo cô khắc tuổi anh, cưới nhau sẽ không làm ăn được.
Tâm sự của cô gái về câu chuyện tình buồn, chàng trai nói chia tay vì không hợp tuổi. |
Câu chuyện này thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Nhiều bạn trẻ tỏ ra đồng cảm với nhân vật chính và khẳng định rằng họ cũng từng chia tay người yêu vì lý do tương tự.
Phạm Văn Lợi, cựu sinh viên Học viện Tài chính Kế toán, kể anh và người yêu cũng chia tay vì thầy bói nói không hợp tuổi. Lợi cho biết bản thân khá duy tâm nên việc lựa chọn vợ hợp tuổi hay không rất quan trọng. Trước khi quyết định kết hôn, anh đi xem bói để đưa ra lựa chọn tốt nhất.
Đến nơi, thầy nói 2 người lấy nhau sẽ bất hòa, khắc khẩu, không làm ăn được và có thể "một mất một còn". Lo lắng cho tương lai, anh quyết định dừng lại chuyện tình cảm với người con gái mình yêu suốt 3 năm.
Không chỉ kỵ tuổi, những cô gái có gò má cao cũng bị nhiều bà mẹ phản đối, không cho con trai cưới.
Bạn Minh Trang (24 tuổi, Hà Nội) tâm sự: "Sau khi quyết định cưới, mình về nhà anh ra mắt gia đình. Mình cảm thấy rất hạnh phúc vì mối tình 5 năm sắp đơm hoa kết trái. Không ngờ, mẹ anh nhất quyết phản đối việc kết hôn chỉ vì mình có gò má cao - tướng sát chồng".
Chàng trai ấy đã nghe theo mẹ, nói lời xin lỗi và mong Trang tha thứ. Dù lòng không muốn, cô phải từ bỏ mối tình gắn với tuổi thanh xuân của mình.
Với lý do liên quan... mê tín, Vũ Thu Phương (22 tuổi, Hải Dương) kể cô và người yêu chia tay nhau vì... cùng tên.
Cô nhớ lại: "Biết 2 đứa yêu nhau, mẹ anh một mực phản đối, không cho tiếp tục chỉ vì mình với anh cùng tên Phương. Bà quan niệm 'cùng tuổi thì nên, cùng tên thì đừng' nên nhất định bắt anh phải tìm người con gái khác".
Từ mê tín trong tình yêu đến đi thi cũng cúng bái
Không chỉ chuyện tình cảm, nhiều sinh viên cho biết họ còn mê tín trong học tập nói riêng và cuộc sống nói chung. Khi kỳ thi cận kề, không ít người có quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Họ đi chùa cúng bái, xem bói hay tránh ăn một số món... với mong muốn kỳ thi diễn ra suôn sẻ.
Bạn Thu Hà (17 tuổi, Hưng Yên) cho biết nữ sinh sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017 nên hơi lo lắng. Cô kiêng ăn trứng và đậu phụ bởi nghe nhiều người nói ăn trứng sẽ bị 0 điểm còn đậu làm đầu óc... bã đậu, dẫn đến điểm kém.
Một số bạn trẻ khác còn kiêng ăn chuối, rau đay vì dễ bị trượt; không ăn đỗ đen vì sợ những điều xui xẻo... Thậm chí, có sĩ tử không dám ăn thịt gà vì sợ viết chữ xấu.
Trước những kỳ thi quan trọng như đại học, cao đẳng, không ít bạn trẻ đi lễ chùa, đến Văn miếu - Quốc Tử Giám sờ đầu rùa để cầu may. Họ bất chấp lệnh cấm vẫn cố gắng len lỏi, trèo qua hàng rào để sờ bằng được đầu rùa, bia tiến sĩ.
Trong một lần trả lời báo chí, tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cho rằng khi người ta lo sợ về vấn đề gì, họ sẽ nghĩ ra các tục kiêng để tránh vấn đề đó; để trấn an tinh thần hoặc đổ lỗi sau này.
Theo tiến sĩ, các tục kiêng hay cố làm những việc để lấy may nhưng “không mang lại tác dụng gì”. Do vậy, mỗi vùng miền, địa phương lại đưa ra các tục kiêng khác nhau.
"Chuyện kiêng kỵ thể hiện tâm lý chờ may rủi. Nhưng thi cử hiện nay phụ thuộc vào năng lực, kiến thức cộng với tâm lý tốt khi làm bài", ông nhấn mạnh.