Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiếc dép lạ tố cáo tội ác

Từ chiếc áo của nạn nhân trong kiềng bếp và chiếc dép lạ gần hiện trường, lực lượng phá án Công an tỉnh Lâm Đồng đã phán đoán chính xác về tính chất sự việc để xây dựng giả thuyết.

Trong chuyến công tác mới đây vào Tây Nguyên, đồng đội đã chia sẻ với chúng tôi những thông tin hấp dẫn bên lề hành trình truy tìm kẻ thủ ác bên bờ hồ Đắk Long Thượng. Việc khai thác tối đa giá trị thông tin từ dấu vết, vật chứng thu được là cái lẫy chốt mở toang sự thật của vụ án này.

Dấu hỏi từ thi thể

Hoạt động điều tra các vụ trọng án chưa rõ thủ phạm luôn đòi hỏi khả năng liên tưởng, xâu chuỗi tìm ra mối liên hệ giữa các dấu vết, vật chứng rời rạc tại hiện trường, đặt chúng trong một chỉnh thể thống nhất để xây dựng giả thuyết điều tra về tính chất vụ án và hung thủ gây án.

Trong vụ án mạng xảy ra ngày 8/1/2022 tại thôn 13, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, lực lượng phá án đã tìm ra sự thật và bắt giữ thủ phạm trong thời gian ngắn, nhờ năng lực phân tích sắc sảo thông tin phản ánh từ hiện trường vụ án.

Giet nguoi cuop tai san anh 1

Hung thủ Đặng Văn Luyến.

Thiếu tá Dương Mạnh Hùng - Trưởng Công an xã Lộc Ngãi kể: “Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện 1 xác chết ở ven hồ Đắk Long Thượng, chúng tôi đã triển khai lực lượng xuống ngay hiện trường để khoanh vùng bảo vệ, nắm tình hình về thông tin lai lịch của nạn nhân cùng những hiện tượng đáng chú ý, đồng thời cấp báo về Công an huyện Bảo Lâm.

Qua xác minh, được biết nạn nhân là ông Bùi Văn Thăng (62 tuổi, nhà ở phường Lộc Xương, TP Bảo Lộc). Từ nhiều năm nay ông Thăng ở một mình tại cái chòi tạm trong rẫy cà phê hẻo lánh gần đập thủy điện Đắk Long Thượng, thuộc xã Lộc Ngãi. Trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, ông Thăng là người hiền lành, không mâu thuẫn với ai. Vì thế, thông tin về cái chết bất thường của ông khiến nhiều người dân xung quanh vừa thương xót, vừa hoang mang, khó hiểu”.

Nhận được báo cáo về xác chết chưa rõ nguyên nhân ở ven hồ Đắk Long Thượng, Đại tá Trần Minh Chiến - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Đại tá Đinh Xuân Huy - Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh trực tiếp chỉ huy lực lượng điều tra hình sự, kỹ thuật hình sự và Công an huyện Bảo Lâm tiến hành điều tra làm rõ sự việc.

Vì hiện trường ở khu vực hẻo lánh, xa khu dân cư, nên khi đoàn khám nghiệm tới nơi thì trời đã tối. Thượng tá Phan Tất Đức - Phó trưởng Phòng CSHS cùng Thượng tá Nguyễn Đăng Anh - Phó trưởng Công an huyện Bảo Lâm hội ý, thống nhất đợi sáng hôm sau sẽ triển khai công tác khám nghiệm hiện trường và tử thi, để đảm bảo điều kiện về ánh sáng phục vụ công tác phát hiện, thu giữ dấu vết, vật chứng có liên quan. Trong đêm ấy, cùng với việc phong tỏa nghiêm ngặt hiện trường, các mũi trinh sát tỏa đi thu thập thông tin liên quan.

Hôm sau, công tác khám nghiệm được triển khai từ rất sớm. Thượng tá Lê Văn Trọng - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Thi thể nạn nhân được phát hiện nằm trong lùm cây ven hồ Đắk Long Thượng, cách chòi gỗ nơi nạn nhân sinh sống khoảng 10 m.

Trên thi thể có một số vết thương phía sau đầu, vai, gáy gây xuất huyết, tụ máu não, đây có thể là nguyên nhân gây ra cái chết. Thời gian tử vong được xác định trong khoảng từ 10 giờ đến 12 giờ ngày hôm trước (tức 8/1). Qua kiểm tra, thu được một số dấu vết nhưng không thấy có biểu hiện của sự lục lọi hay xung đột tại hiện trường.

Giet nguoi cuop tai san anh 2
Giet nguoi cuop tai san anh 3

Hiện trường vụ án.

Tiến hành pháp y tử thi, phát hiện bệnh lý nền của nạn nhân là bị bệnh tim mạch. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc nhận định về nguyên nhân chết. Có những ý kiến chuyên môn cho rằng đó là một cái chết do bệnh lý, chứ không phải là án. Khả năng nạn nhân lên cơn đau tim, đột tử và ngã lăn xuống khu vực mép hồ. Bên cạnh đó, vẫn có những nghi vấn nạn nhân chết do ngoại lực tác động. Để trả lời được câu hỏi là án hay không phải án, chúng tôi đã tiến hành khám nghiệm rất thận trọng, tỉ mỉ, không bỏ sót bất kỳ manh mối nào”.

Mở rộng phạm vi tìm kiếm, thu thập dấu vết, những dấu hiệu bất thường đã xuất hiện khi tiến hành khám nghiệm tỉ mỉ từng vật dụng trong căn chòi tạm của ông Thăng.

Đại úy Nguyễn Việt Dũng - Phó đội trưởng Đội Trinh sát tuyến địa bàn, Phòng CSHS) kể: “Khi lật chiếc chiếu ở phản của ông Thăng nằm để kiểm tra, chúng tôi phát hiện có rất nhiều vết loang lổ màu nâu nghi là máu và dường như đã có sự lau chùi, dọn dẹp. Đặc biệt, trong cái kiềng bếp 3 chân dùng để nấu ăn có nhét 1 chiếc áo khoác được xác định là của ông Thăng. Những dấu hiệu này giúp loại trừ giả thuyết ông Thăng bị lên cơn đau tim và đột tử bên ngoài lán rồi lăn xuống mép hồ.

Đây rất có thể là một vụ án mạng và nạn nhân đã bị ngoại lực tác động vào đầu từ phía sau bằng một vật tày cứng và có cạnh. Nhận định này càng được củng cố khi chúng tôi phát hiện phía sau chòi tạm có 1 chiếc dép lạ. Đây là điểm mấu chốt để lực lượng điều tra nhận định rằng có một nam giới thứ hai, cao khoảng 1m65 đã xuất hiện ở khu vực chòi tạm và dường như đối tượng này có sự quen biết với nạn nhân”.

Truy lùng

Với giả thuyết đã có án mạng xảy ra, hoạt động truy xét được triển khai với sự tập trung tối đa về quân lực, phương tiện, biện pháp.

Thượng tá Nguyễn Đăng Anh - Phó trưởng Công an huyện Bảo Lâm nhớ lại: “Chúng tôi chia lực lượng điều tra làm nhiều mũi, đồng loạt tổ chức các biện pháp nghiệp vụ điều tra xác minh, từ dựng nhân thân lai lịch cũng như quá trình sinh sống, hoạt động của nạn nhân trên địa bàn, đến xác minh các mối quan hệ và lịch trình sử dụng thời gian của nạn nhân trước thời điểm án mạng xảy ra, trong đó chú trọng dựng và rà soát về những người có liên hệ, tiếp xúc với nạn nhân trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, hoạt động rà soát, đưa vào diện nghi vấn những đối tượng hình sự, tù tha, có tiền án về các tội chiếm đoạt tài sản, giết người, số đối tượng nghiện ma túy, cờ bạc, sống lang thang hoặc có công việc, quan hệ ở gần hiện trường, những người đã ra vào hiện trường trong thời điểm xảy ra vụ án... được triển khai song song.

Vì hiện trường vụ án mạng tại nơi hoang vắng, xa khu dân cư, ít người qua lại... nên dù đã rất nỗ lực nhưng thông tin thu được rất mờ nhạt. Nạn nhân lại là người chăm chỉ lao động, suốt ngày nương rẫy nên ít giao du, quan hệ với những người xung quanh. Anh em trinh sát đã phải rà soát trong phạm vi địa bàn rất rộng lớn”.

Giet nguoi cuop tai san anh 4

Cơ quan điều tra họp án.

Với quyết tâm phá án trong thời gian sớm nhất, các tổ công tác đã hoạt động “hết công suất”. Kết quả đã thu được một số thông tin quan trọng, đó là nạn nhân có một số tiền do bán cà phê, đồng thời có 1 chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên, số tài sản này đã không có tại hiện trường khi khám nghiệm, do đó giả thuyết hung thủ giết hại ông Thăng để cướp tài sản đã được đặt ra.

Các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu tiếp tục được triển khai, cuối cùng, một cái tên đã được đưa vào “tầm ngắm”. Gã là Đặng Văn Luyến (sinh năm 1980, quê ở xã Đông Hưng, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) là người làm thuê trông coi, chăm sóc vườn cho hàng xóm của nạn nhân Thăng. Căn cứ đưa Luyến vào diện hiềm nghi là vì trinh sát phát hiện trên quần của Luyến có dấu vết màu nâu nghi là máu.

Từ lúc này, “nhất cử, nhất động” của Luyến không thoát khỏi mắt trinh sát. Mọi hoạt động của gã đều được giám sát 24/24. “Bí mật xác minh kĩ về nhân thân lai lịch và hoạt động hiện hành của Luyến, chúng tôi phát hiện đó là đối tượng ham mê lô đề, cờ bạc. Gần đây anh ta có một số dấu hiệu bất minh về tài sản. Cụ thể là sau khi vụ án xảy ra, đột nhiên Luyến có tiền để trả các khoản nợ và khoản đã vay trên hệ thống FE CREDIT, có tiền mua xe máy mới và rủ bạn gái đi chơi”, Đại úy Nguyễn Việt Dũng nhớ lại.

Phá án

Tổng hợp nhiều nguồn tài liệu về Luyến, ban chuyên án quyết định triệu tập nghi can đến cơ quan điều tra để đấu tranh xét hỏi. Ban đầu Luyến rất bình tĩnh, lỳ lợm, kiên quyết phủ nhận mọi dính líu của bản thân với cái chết của ông Thăng, chỉ nhận có quen biết nạn nhân và cũng chỉ biết nạn nhân chết sau khi được hàng xóm huy động tìm kiếm nạn nhân.

Đại úy Vũ Văn Triều - Đội CSHS, Công an huyện Bảo Lâm kể: “Việc đấu tranh với Luyến khá nan giải, vì đối tượng đưa ra những chứng cứ ngoại phạm. Đó là trong khoảng thời gian được cho là xảy ra vụ án, Luyến ăn cơm, sinh hoạt cùng người chủ rẫy đang thuê anh ta làm việc. Tuy nhiên, dù có ranh mãnh đến mấy thì đối tượng cũng không thể lý giải được những dấu vết, chứng cứ vật chất của vụ án đang gắn với mình. Kiên trì vận động thuyết phục, kết hợp sử dụng linh hoạt các thủ pháp đấu tranh xét hỏi, khéo léo sử dụng chứng cứ, khai thác và sử dụng tốt những mâu thuẫn trong lời khai, cuối cùng, các điều tra viên đã buộc Luyến phải thừa nhận về hành vi giết người, cướp tài sản”.

Giet nguoi cuop tai san anh 5

Hoạt động khám nghiệm hiện trường vụ án.

Theo đó, vào sáng ngày 8/1, Luyến đi đến chòi tạm của ông Thăng để hỏi mượn tiền, vì biết ông vừa thu hoạch và bán cà phê. Vì là người làm thuê bên nhà hàng xóm, có sự quen biết nên ông Thăng không mảy may để ý, cảnh giác.

Lợi dụng lúc nạn nhân quay lưng lại, Luyến dùng xà beng đập liên tiếp từ phía sau khiến ông Thăng gục tại chỗ. Thấy nạn nhân bất tỉnh, Luyến kéo ông Thăng xuống mép hồ Đắk Long Thượng, giấu xác nạn nhân vào lùm cây dại. Sau đó gã vứt hung khí gây án xuống hồ rồi quay lại căn chòi tạm tìm kiếm, lục lọi, lấy đi số tiền trong ví và chiếc điện thoại di động của nạn nhân.

Sau khi gây án, Luyến về nơi ở thay quần áo, cất giấu tài sản đã chiếm đoạt được và đến theo dõi hoạt động khám nghiệm hiện trường như chưa hề gây ra chuyện gì.

Như vậy, chỉ sau 72 giờ khẩn trương vào cuộc điều tra với quyết tâm cao độ của lực lượng phá án tỉnh Lâm Đồng, cái chết bất thường của nạn nhân Thăng đã được làm sáng tỏ.

Chuyên án truy xét này đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý. Đó là trong hoạt động truy xét thủ phạm gây trọng án, công tác khám nghiệm hiện trường, tử thi càng tiến hành tỉ mỉ, thận trọng bao nhiêu, càng tạo ra những tiền đề cần thiết để xây dựng giả thuyết điều tra đúng đắn, bám sát thực tiễn tình hình vụ án.

Bên cạnh đó, khả năng liên tưởng, xâu chuỗi các dữ kiện tản mạn thành một hệ thống thông tin logic, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng được giả thuyết điều tra đúng đắn. Có nhận định đúng tính chất vụ án mới đưa ra hướng điều tra đúng dẫn đến thủ phạm của vụ án. Nếu mắc sai lầm trong khâu này, hoạt động điều tra tất yếu lâm vào “câu dầm, bế tắc”.

https://antg.cand.com.vn/Vu-an-noi-tieng/chiec-dep-la-to-cao-toi-ac-i655407/

Đào Trung Hiếu/CAND

Bạn có thể quan tâm