Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiếc xe Mobylette sang trọng của Công tử Bạc Liêu

Ít ai biết vị Công tử Bạc Liêu (tức Trần Trịnh Ba Huy) còn sở hữu chiếc xe máy Mobylette sang trọng nhất nhì Nam kỳ lục tỉnh thời bấy giờ.

Công tử Bạc Liêu là người từng sở hữu rất nhiều phương tiện đi lại hiện đại bậc nhất ở những thập niên 30 đến 40, thế kỷ 20.

Chỉ cần một nhấp chuột gõ trang tìm kiếm “Công tử Bạc Liêu” tên thật là Trần Trinh Huy (Ba Huy), trong vòng 0,32 giây cho ra hơn 8.000 kết quả liên quan đến vị “Hắc Công tử” nổi tiếng ăn chơi “danh bất hư truyền” sử dụng ô tô, máy bay tân tiến.

Thế nhưng, chưa thấy một kết quả nào đề cập đến chiếc xe máy Mobylette màu trắng sang trọng lưu lạc ở vùng đất nào.

Mua làm kỷ niệm

Tình cờ, trong lần đến chơi tại gia đình một đại gia ở TP.Cần Thơ, trong lúc ‘trà dư tửu hậu’ ngày cuối năm, chúng tôi được giới thiệu bộ sưu tập 4 chiếc xe Mobylette (thời Pháp thuộc) mua lại gần 20 năm trước.

Trong 4 chiếc xe cổ kính, ngưng hoạt động nhiều năm qua, giờ chỉ để trưng làm cảnh ở một góc nhà và trong số đó có một chiếc rất đặc biệt từng có chủ sở hữu Công tử Bạc Liêu.

Anh Phạm Minh Đuông là người chạy chiếc xe Công tử Bạc Liêu sau cùng.

Chỉ có một số thành viên trong gia đình biết chiếc xe này từng một thời của công tử Trần Trinh Huy (SN 1900) sử dụng trước đó, ngoài ra ít người ngoài biết về chiếc xe cổ quý giá này.

Chủ chiếc xe Mobylette bây giờ kể lại, gần 20 năm trước, trong một lần đi công tác dài ngày ở TP.Bạc Liêu, mấy người bạn làm ở Sở GTVT tỉnh này giới thiệu, có một người đang sở hữu chiếc xe máy của Công tử Bạc Liêu muốn bán.

Nghe vậy, vị đại gia này mặc dù đã mua đến 3 chiếc xe hiệu Mobylette (2 màu xanh và 1 vàng), nhưng chiếc xe màu trắng cùng hiệu thì chưa có.

Điều cuốn hút vị đại gia hơn nữa là chủ nhân chiếc xe đầu tiên sử dụng là của ‘Hắc công tử’ nổi tiếng ăn chơi.

“Từ những thập niên đầu thế kỷ XX, dòng xe Mobylette được nhập từ Pháp về Việt Nam. Hồi đó ở Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây bây giờ những người đi xe này là thuộc vào hạng sang và phải có chút địa vị trong xã hội mới có quyền sở hữu. Mà xe máy Mobylette màu trắng thì cực hiếm, ra đường chỉ thấy màu xanh và vàng là chủ yếu”, vị đại gia cho biết.

Chuyện người thách đấu Công tử Bạc Liêu đốt tiền

Vào các thập niên 1920-1930, Lê Công Phước (SN 1901) được giới ăn chơi khắp Nam, Trung, Bắc tôn sùng là “Ông hoàng Xứ Gan” vì phong cách ăn chơi rất phong lưu mang dáng dấp của giới quý tộc phương Tây.

 

Đã gần 20 năm, người đàn ông bán chiếc xe Mobylette màu trắng mà vị đại gia này mua lại với giá 2.200 USD (thời điểm đó vàng chỉ 470.000 đồng/1chỉ), không nhớ rõ tên, nhưng vị này chỉ biết người bán sống ở phường 6 hoặc phường 7 , TP.Bạc Liêu ngày nay.

“Biết và nghe kể nhiều giai thoại về Công tử Bạc Liêu giàu có, ăn chơi bậc nhất ở Nam kỳ lục tỉnh hồi bấy giờ, như đốt tiền so tài nấu chè với Bạch công tử; đốt tiền làm đuốc soi tìm đồ vật... Do đó, mình thấy thì mua về giữ làm kỷ niệm xem như là đồ cổ vậy thôi. Tôi thì không sử dụng, chỉ có con và cháu những năm trước chạy lòng vòng chơi vui”, chủ nhân chiếc xe này bày tỏ.

Trước khi bán chiếc xe cho vị đại gia bây giờ làm chủ, người bán kể lại, xe này được công tử Bạc Liêu dùng đi dạo chơi lòng vòng ở quanh các dãy nhà lầu. Do đó, xe còn mới cóng và dường như không có gỉ sét sau hàng chục năm sử dụng.

Phương tiện trong những chuyến đi xa ăn chơi thác loạn, thăm vợ con, đồng ruộng của Công tử Bạc Liêu chủ yếu đi bằng máy bay, ô tô, ca nô đều nhập từ Pháp về Việt Nam thời bấy giờ.

Xuống đường là nhiều người… ngước nhìn

Nhiều người nhận định, với cách ăn chơi như Công tử Bạc Liêu thì tiền núi rồi cũng sẽ tan tành, và không khỏi ngạc nhiên khi rất nhiều đồ vật đắt giá trong gia đình “danh gia vọng tộc” này lần lượt “đội nón ra” đi.

Chiếc xe máy Mobylette màu trắng ở trên là một trong những vật dụng của vị ‘Hắc công tử’ lưu lạc qua nhiều chủ khác nhau. Bởi vậy, rất nhiều người thích sưu tầm xe cổ đều muốn sở hữu chiếc xe máy Mobylette gắn liền tên tuổi nổi tiếng của vị công tử.

Động cơ, bugi và thương hiệu chiếc xe máy Mobylette vẫn sáng quắc qua hàng chục năm “chinh chiến”.

Dù chiếc xe đã trải qua hàng chục năm “chinh chiến”, nhưng thoạt nhìn vẫn còn thấy bóng lộn, sáng quắc.

Hầu hết các bộ phận trên xe máy kiêm xe đạp kiểu này đều gắn liền với rất nhiều ngôn ngữ tiếng Pháp được người Việt sử dụng tận ngày nay, như: “Ghi đông, gác-đờ-bu, pê-đan (bàn đạp), phanh (thắng), bugi…”.

Anh Phạm Minh Đuông (SN 1976, người cháu của chủ nhân chiếc xe máy Mobylette), cho biết, cả 4 chiếc xe anh đều từng sử dụng và xe nào chạy cũng bon, tuy nhiên, chiếc xe anh thích nhất vẫn là xe của Công tử Bạc Liêu.

Theo anh Đuông, để xe nổ máy cần mua xăng pha nhớt, bình quân cứ 1 lít xăng thì pha 0,1 lít nhớt.

So sánh 4 chiếc xe cũng hãng Mobylette thì chiếc xe của Công tử Bạc Liêu vẫn nổi bật nhất, từ màu sắc, yên xe, ống xả nhỏ và dài…

Chính tính năng ống xả nhỏ và dài khác với các xe cùng loại, nên lúc chạy xe máy nổ như tiếng xe xìpo bây giờ.

“Hồi đó xe máy còn hiếm, chưa thịnh hành như bây giờ. Cứ chạy xe ngoài đường là ai cũng nhìn theo, rất lạ lẫm. Chủ yếu chạy chơi như đi tập thể dục vậy. Tốc độ xe đạt từ khoảng 35 đến 40km/h. Chừng 4 năm nay thì xe không chạy nữa. Bây giờ lau sạch bugi, xóc bình đổ xăng nhớt vẫn chạy ngon như thường”, anh Đuông chia sẻ.

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/158622/chiec-xe-mobylette-sang-trong-cua-cong-tu-bac-lieu.html

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm