Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Chiến binh K tuổi 20 ‘lội ngược dòng’ khi bệnh viện trả về

Chiến đấu với căn bệnh ung thư bằng tinh thần của một chiến binh, Bùi Tuấn Kiên (20 tuổi, Hải Dương) chiến thắng tử thần, trở lại ghế giảng đường để tiếp tục ước mơ còn dang dở.

Được các chuyên gia khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh Hà Nội chẩn đoán có U lympho Hodgkin, Bùi Tuấn Kiên mạnh mẽ bước vào cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư ở tuổi 20, cùng đội ngũ bác sĩ viết nên câu chuyện đầy hy vọng.

Như bao cô cậu học trò khác, Bùi Tuấn Kiên đón tuổi 18 bằng hành trình bước vào cánh cổng đại học đầy hứa hẹn. Chàng trai trẻ thi đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội, nhưng ít ai ngờ khi Kiên dần quen với môi trường và bạn bè mới thì biến cố xảy đến.

Tháng 8/2020, nam sinh bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt liên tục, men gan tăng. Khi đi khám, em được chỉ định xét nghiệm nhưng mỗi bệnh viện lại đưa ra một kết quả khác. Tình trạng sốt không thuyên giảm khiến Kiên từ một thanh niên khỏe mạnh, năng động trở nên mệt mỏi, xanh xao.

Thời điểm ấy, mỗi ngày trôi qua là thử thách lớn với Kiên và gia đình: “Cứ 2-3 ngày, em lại vào bệnh viện một lần nhưng mãi không tìm ra nguyên nhân. Chưa học xong năm thứ nhất, em đã phải bảo lưu kết quả để điều trị”.

Đến tháng 4/2021, Kiên phát hiện cổ có hạch. Được người quen giới thiệu, chàng trai trẻ đến BVĐK Tâm Anh Hà Nội để thăm khám sau khi chạy chữa nhiều nơi. Tại đây, Kiên được các bác sĩ khoa Ung bướu làm sinh thiết hạch và hóa mô miễn dịch để chẩn đoán. Sau khi hội chẩn với chuyên gia ở Mỹ và Nhật Bản, các bác sĩ xác định Kiên mắc U lympho Hodgkin - căn bệnh ác tính hệ hạch bạch huyết.

“Gia đình biết tin cháu mắc ung thư thì hoang mang vô cùng vì quan niệm ung thư chỉ có chết. Cũng may bác sĩ ở Bệnh viện Tâm Anh phát hiện bệnh sớm, giải thích và động viên tinh thần để cả nhà trấn tĩnh”, bố Kiên chia sẻ.

ThS.BS Nguyễn Thành Trung - khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, bệnh nhân bắt đầu điều trị hóa chất từ tháng 6/2021, trải qua 3 chu kỳ, 6 lần truyền, mỗi lần cách nhau 2 tuần.

“Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là trong tất cả đợt điều trị, men gan của Kiên tăng cao, các chỉ số lên đến vài trăm U/L. Trong khi chỉ số men gan của người bình thường là ALT: 20-40 UI/L, AST: 20-40 UI/L, ALP: 30-110 UI/L, GGT: 20-40UI/L”, bác sĩ nói.

Đợt điều trị của Kiên kết thúc vào tháng 9/2021. Các bác sĩ hội chẩn lại tiêu bản và xác định vẫn là U lympho Hodgkin tiến triển.

Benh vien Tam Anh anh 1

Những tưởng mắc ung thư ở độ tuổi quá trẻ là cú sốc lớn khiến chàng trai trẻ gục ngã nhưng từ khi biết bệnh tình, tinh thần Kiên luôn vững vàng và lạc quan.

“Em nghĩ bản thân bị ốm thông thường, vào viện điều trị xong thì đi về. Khi lên mạng, em cũng chỉ đọc những điều tích cực, không tiếp nhận thông tin tiêu cực. Bên cạnh đó, các bác sĩ ở đây luôn động viên, tiếp thêm niềm tin cho em”, Kiên nói.

Nhưng mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn hơn với chàng trai trẻ khi gia đình em thông báo chuyển viện để tiến hành truyền hóa chất liều cao, ghép tủy. Vào tháng 12/2021, tình trạng sức khỏe Kiên chuyển biến xấu, làn da vàng vọt. Lúc này, cân nặng của nam sinh chỉ còn hơn 30 kg, muốn nằm nghiêng hay trở mình đều cần người hỗ trợ.

Mỗi ngày nhìn con đau đớn gồng mình chiến đấu với bệnh tật, ba mẹ Kiên chỉ biết giấu nước mắt an ủi con trai. Một ngày cuối năm 2021, khi mọi người hối hả chuẩn bị đón Tết, ba mẹ Kiên rơi vào nỗi tuyệt vọng tột cùng khi em bị bệnh viện trả về. Sợ em không chịu được cú sốc này, ba mẹ Kiên tiếp tục tìm cơ hội cứu sống con trai.

“Mình lại về Tâm Anh đi con. Các bác sĩ thấu hiểu tình trạng sức khỏe, con cũng quen với ngôi nhà thứ hai này”, đó là lời bố nói với Kiên khi mọi cánh cửa đã đóng sập.

Không muốn con trai suy sụp, gia đình quyết định đưa Kiên trở lại BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Dù rơi vào tuyệt vọng, họ vẫn không bỏ cuộc, vững vàng tâm thế của những “chiến binh K” đi tìm phép màu.

Những ngày cận Tết cũng là thời điểm đội ngũ y bác sĩ tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội đón Kiên trở lại viện, trong tình trạng sức khỏe ngày càng suy kiệt.

“Bệnh nhân nhập viện trở lại vào tháng 1 với chuyển biến xấu: Suy kiệt, da vàng, bụng chướng, sốt cao, bạch cầu xuống 0,1 G/L, huyết sắc tố 8,1 G/L, tiểu cầu 10 G/L, bụng có nhiều dịch, đau lở loét miệng uống nước cũng khó khăn”, bác sĩ Trung nhớ lại.

Trước đó, Kiên từng chảy máu ở mũi và hậu môn, nôn ra máu, sốt cao, suy tủy, suy 3 dòng tế bào máu, albumin giảm, men gan tăng cao 1000 UI/ml, sắc tố mật (bilirubin trên 100), suy gan nặng, tiên lượng khó qua khỏi. Các bác sĩ phải điều trị tích cực, truyền dịch, truyền máu, trợ gan, dùng thuốc tăng bạch cầu liên tục. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của Kiên không cải thiện nhiều.

Là một trong những người đầu tiên tiến hành điều trị miễn dịch cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam, TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội - cùng các bác sĩ đã cân nhắc đến thể trạng, giai đoạn bệnh của Kiên. Lúc này, nếu không tiến hành điều trị thì bệnh nhân trở nặng, có thể tử vong vì ung thư tiến triển nhanh gây ra tình trạng suy các cơ quan. Ngược lại, nếu sử dụng thuốc miễn dịch thì vẫn còn hy vọng. Dù khả năng thành công chỉ là 1/10, đây vẫn là lối đi duy nhất khi sinh mệnh của bệnh nhân đang “ngàn cân treo sợi tóc”.

Benh vien Tam Anh anh 2

Kiên được tiến hành truyền thuốc 3 tuần/lần. Do thể trạng yếu, mỗi lần truyền Kiên đều được ê-kíp bác sĩ đo lường từng ml dung dịch thuốc, theo dõi từng phút để đảm bảo không có biến chứng trong quá trình điều trị.

Quyết định cho Kiên sử dụng thuốc điều trị miễn dịch là “canh bạc lớn”. Cuối cùng mọi nỗ lực của đội ngũ bác sĩ, bệnh nhân và người nhà đã được đền đáp. Cơ thể Kiên đáp ứng tốt ngay sau lần đầu điều trị miễn dịch, sức khỏe hồi phục, các chức năng dần được cải thiện.

Vào tháng 6, Kiên tăng cân, da dẻ hồng hào và ăn uống tốt. Bác sĩ Khiêm cho biết tình trạng sức khỏe của Kiên đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm dù vẫn cần điều trị thêm. Hiện tại sức khỏe Kiên ổn định, có thể tham gia một số hoạt động thể thao như đạp xe, đá bóng và đi học trở lại.

“Tôi đặt mình vào vị trí của bệnh nhân để đồng cảm và sẻ chia. Khi biết tin mắc ung thư, ai cũng sốc, suy sụp, hoang mang rồi dần rơi vào bất mãn. Trong quá trình chữa bệnh, tinh thần là một trong những vũ khí quan trọng nhất. Khi tinh thần, sức khỏe và hệ miễn dịch tốt, quá trình điều trị có thể dễ dàng, thuận tiện”, TS.BS Vũ Hữu Khiêm chia sẻ.

Benh vien Tam Anh anh 3

Không chỉ bác sĩ Khiêm xúc động khi chứng kiến quá trình Kiên hồi phục, nhớ lại hành trình nhiều cảm xúc, cha Kiên tâm sự: “Lúc con gặp tình trạng men gan cao, tiên lượng xấu, tôi vẫn hy vọng còn nước còn tát. Vào thời khắc sinh tử, các bác sĩ - với người đứng đầu là TS.BS Vũ Hữu Khiêm - đưa ra phương pháp điều trị miễn dịch. Tôi không ngờ đây là quyết định giúp tái sinh con một lần nữa”.

Nhìn lại hành trình đã đi qua, cha Kiên không khỏi khâm phục nghị lực của con trai: “Có những lúc nhìn con đau đến mức cắn răng, liên tục sốt 40 độ C nhưng không kêu ca vì sợ bố mẹ lo, tôi thương và xót xa lắm. Giờ Kiên trưởng thành nhiều, biết quan tâm chăm sóc bố mẹ, em gái”.

Dù luôn mạnh mẽ đối mặt bệnh tật, vững vàng để ba mẹ yên tâm, chàng trai trẻ Bùi Tuấn Kiên thừa nhận không ít lần em cảm thấy suy sụp và mệt mỏi nhưng chẳng dám tỏ bày.

“Có lúc nhìn bạn bè đi chơi, đi học còn mình nằm trên giường bệnh, mẹ không đêm nào ngon giấc, bố trốn ở góc phòng khóc, em gái lớp 8 ở nhà một mình tự lo mọi thứ, em chỉ muốn bỏ cuộc”, Kiên xúc động.

Kỳ lạ là trong tất cả lý do, Kiên không nhắc đến nỗi đau thể xác khi bệnh tật hành hạ. Khi cơ thể rơi vào trạng thái suy kiệt nhất, sự đối lập giữa cảm xúc tuyệt vọng trên chiếc giường bệnh và không khí phấn khởi của người người đón Tết khiến Kiên muốn sống thật với sự yếu đuối của chính mình.

“Lúc ấy, em gục xuống khóc. Em hỏi mẹ tại sao cơ thể con không chịu được thuốc? Vì sao bạn bè mạnh khỏe mà con phải gánh chịu đau đớn? Mẹ bảo: ‘Bệnh tật là điều không ai muốn và con luôn là niềm tự hào của mẹ’. Đó là động lực giúp em vượt qua”, Kiên chia sẻ.

Với bệnh nhân ung thư, những việc đơn giản như ăn uống cũng là sự cố gắng. Để giúp bệnh nhân nhanh hồi phục, các bác sĩ khoa Ung bướu phối hợp cùng bác sĩ khoa Dinh dưỡng, BVĐK Tâm Anh Hà Nội liên tục điều chỉnh chế độ ăn của Kiên phù hợp từng giai đoạn bệnh.

“Có lần họng chảy máu, em ăn thìa cháo cũng thấy đau. Khi được bạn bố gửi thịt gà và mẹ xé từng miếng nhỏ đút ăn, em cảm thấy ngon hơn bất cứ sơn hào hải vị nào. Đợt gần Tết, bác sĩ Khiêm và bác sĩ Trung giục em khỏe nhanh để về cúng ông Công ông Táo, lúc ấy em nghĩ phải ăn và cố gắng khỏe thật nhanh để chiến thắng bệnh tật. Có lẽ, 2022 là cái Tết đặc biệt nhất của em”, Kiên nhớ lại.

Hơn hết, với Kiên, bệnh viện có nhiều thiết bị hiện đại, không khí thoải mái không khác ở nhà. Nhờ thế tâm lý, tinh thần người bệnh cũng phấn chấn hơn.

Hải Dương những ngày cuối thu nắng hanh vàng và với chàng sinh viên 20 tuổi, đây là mùa đẹp nhất. Từ đây, Kiên đã trở lại giảng đường đại học để tiếp tục những dự định còn dang dở.

Hệ thống BVĐK Tâm Anh đồng hành cùng Zing News thực hiện tuyến nội dung "Vì sức khỏe cộng đồng" mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về sức khỏe của người Việt. Hệ thống BVĐK Tâm Anh là một trong những bệnh viện chất lượng cao tại Việt Nam, thực hiện thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu khách hàng, quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu cả nước.

Độc giả có nhu cầu tư vấn, khám chữa bệnh có thể liên hệ qua website, fanpage hoặc đến trực tiếp hệ thống BVĐK Tâm Anh tại Hà Nội (108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên; hotline: 18006858 - 02471066858) và TP.HCM (2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình; hotline: 02871026789 - 02873006858).

Khánh Chi - Giang Chi Anh

Đồ họa: Hà Phi

Bạn có thể quan tâm