Phó giáo sư Trần Đắc Phu nhận định trong lúc chưa đủ vaccine Covid-19, chúng ta cần tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ là ưu tiên cho người có nguy cơ cao.
Trong thời điểm Việt Nam sắp sửa tiêm vaccine Covid-19 cho những người đầu tiên, nhiều người cho rằng đây sẽ là "cứu tinh" giúp nước ta vượt qua đại dịch, song cũng không ít ý kiến lo ngại.
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), không ngần ngại trả lời mình sẽ tiêm vaccine Covid-19 nếu có tiêu chuẩn. Tuy nhiên, trong suốt cuộc trò chuyện, ông luôn nhấn mạnh vaccine không phải là tất cả, người dân tuyệt đối không ỉ lại, từ đó lơ là các biện pháp phòng, chống dịch khác.
- Theo Bộ Y tế, trong năm nay Việt Nam sẽ có hơn 100 triệu liều vaccine Covid-19 được nhập khẩu về. Số lượng này liệu có đủ để Việt Nam nới lỏng các biện pháp phòng dịch?
- Chúng ta phải hiểu để có miễn dịch trong cộng đồng phải đảm bảo tiêm vaccine cho 60-70% dân số. Việt Nam có 100 triệu dân thì phải tiêm được 60-70 triệu người. Trong các loại vaccine Covid-19 hiện nay, ngoại trừ của Johnson and Johnson là một liều, tất cả đều gồm 2 liều. Như vậy, Việt Nam cần ít nhất 100-150 triệu liều vaccine Covid-19.
Theo tôi, vaccine nhập cũng sẽ có lộ trình vì còn phụ thuộc vào Việt Nam sẽ sử dụng loại vaccine nào cho phù hợp, kết quả triển khai, kết quả sản xuất vaccine trong nước, đồng thời cũng phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch trên thế giới và sự xuất hiện biến chủng của SARS-CoV-2. Nếu vaccine không có tác dụng với biến chủng, sẽ xuất hiện câu chuyện khác. May mắn, hiện tại, các vaccine vẫn có hiệu quả với biến chủng.
- Các địa phương, doanh nghiệp trong nước có thể tự nhập khẩu vaccine Covid-19 không?
- Tháng vừa rồi, ngoài cấp phép, nhập khẩu lô vaccine của Astrazeneca đầu tiên về nước, hội đồng tư vấn cấp phép thuốc và các nguyên liệu làm thuốc đã đồng ý đề nghị Bộ Y tế cho phép nhập khẩu thêm 2 vaccine Covid-19 mới. Kết luận của Thủ tướng cũng như Nghị quyết 21 là cho phép xã hội hóa vaccine Covid-19.
Như vậy, các đơn vị hoàn toàn có thể nhập khẩu 3 loại vaccine Covid-19 này cũng như các loại khác khi chúng được cấp phép nhưng phải qua một đơn vị nhập khẩu và phân phối được Bộ Y tế cho phép theo điều kiện đã được quy định khi nhập khẩu và phân phối vaccine. Hiện nay, về vấn đề nhập khẩu và triển khai tiêm thì trước mắt có thể theo điều hành của Bộ Y tế. Tôi nghĩ rằng trong lúc chưa có đủ vaccine Covid-19, chúng ta thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là ưu tiên cho đối tượng có nguy cơ cao. Tất nhiên đối tượng ưu tiên cao phải gắn liền với vùng nguy cơ, ví dụ chúng ta đang ưu tiên cho Hải Dương tiêm trước. Việc triển khai vaccine dịch vụ phụ thuộc vào nguồn vaccine như thế nào, quá trình triển khai theo tôi nghĩ Chính phủ và Bộ Y tế sẽ điều hành hợp lý để mang lại lợi ích cho người dân.
- Người ý kiến e ngại khi vaccine AstraZeneca dường như không được coi trọng tại nước ngoài và cũng không có tác dụng với trẻ dưới 18 tuổi?
- Tôi nghĩ không nên e ngại vì vaccine này đã được WHO, FDA của Mỹ cũng như châu Âu thẩm định, cấp phép. Chúng cũng được đưa vào COVAX (cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine phòng Covid-19 do WHO khởi xướng) và tiêm rộng rãi trên thế giới. Đặc biệt, vaccine của AstraZeneca có thể bảo quản ở nhiệt độ phù hợp và giá thành dễ chấp nhận cho các nước đang phát triển. Chúng ta có thể phần nào yên tâm về vaccine này.
Về việc tại sao vaccine này chỉ có hiệu quả với người trên 18 tuổi, điều này xuất phát từ việc người ta chỉ thử nghiệm lâm sàng cho đối tượng này. Nó cũng bắt nguồn từ thực tế tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ em không cao vì đặc thù ít đi lại, tiếp xúc. Nói như vậy, không có nghĩa là việc bảo vệ cho trẻ em trước đại dịch là không quan trọng. Chúng ta có thể áp dụng các biện pháp khác như đeo khẩu trang, khử khuẩn, ít cho tiếp xúc nguồn nguy cơ…
- Ông sẽ tiêm chứ?
- Tất nhiên, nếu tôi có tiêu chuẩn. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chúng ta cần ưu tiên những người tại vùng dịch trước đã.
- Còn với triển vọng vaccine trong nước, ông đánh giá như thế nào?
- Việt Nam là một trong những nước có kinh nghiệm về vaccine. Các vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng đa số do Việt Nam tự sản xuất. Điều đó đã đóng góp thanh toán, phòng chống bệnh truyền nhiễm gây dịch tại Việt Nam. Trên nền tảng đó, chúng ta tiến hành sản xuất vacicne Covid-19.
Hiện, 4 đơn vị tham gia sản xuất vaccine Covid-19 trong nước gồm Nanogen, IVAC, Vabiotech và Polyvac. Nagogen bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 2. Báo cáo cho thấy vaccine này an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, hai loại vaccine Covid-19 khác cũng chuẩn bị vào thử giai đoạn lâm sàng đầu tiên sau khi thử nghiệm trên động vật cho hiệu quả tốt. Trong đó, vaccine của IVAC có kinh nghiệm và đã áp dụng công nghệ sản xuất vaccine cúm.
Tôi hy vọng với sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, dù khẩn cấp, Việt Nam vẫn cho ra đời vaccine tự nghiên cứu, sản xuất đảm bảo tiêu chí an toàn và hiệu quả. Tôi cho rằng chúng ta sẽ đảm bảo an ninh vaccine với giá thành hợp lý. Dự kiến cuối năm 2021, đầu 2022, chúng ta có vaccine “made in Việt Nam”.
- Đâu là tiền lệ chưa từng có với vaccine Covid-19 trên thế giới cũng như tại nước ta? Điều này có mặt lợi và hạn chế ra sao?
- Để cho ra đời một vaccine, quá trình đòi hỏi rất phức tạp, ít nhất 4-5 năm. Sau đó, khi nhập sang các nước khác phải có thử nghiệm lâm sàng bài bản. Tuy nhiên, chỉ trong một năm thế giới đã cho ra đời vaccine Covid-19, Việt Nam cũng đang trên con đường nghiên cứu, sản xuất vaccine này với thời gian hứa hẹn không xa. Đây là điều chưa có tiền lệ.
Thứ hai là sự cấp phép và nhập khẩu khẩn cấp để sử dụng vaccine Covid-19 trên quy mô thế giới cũng đã được cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới. Tại Việt Nam, việc nhập khẩu khẩn cấp vaccine đã được quy định trong luật pháp. Tuy nhiên, chúng ta chưa từng rơi vào tình trạng này cho tới khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Điều này đem lại lợi ích là phục vụ chống dịch song chính vì thời gian ngắn, gấp rút nên một số thông tin chưa được kết luận rõ ràng như miễn dịch trong cơ thể con người kéo dài trong bao lâu, đảm bảo giảm được sự lây nhiễm ở mức độ nào, tỷ lệ bao nhiêu một cách thật rõ ràng với các báo cáo khác nhau...
- Sau tiêm bao lâu thì vaccine Covid-19 có tác dụng? Phải tiêm nhắc lại hay không?
- Không phải ngay sau khi tiêm vaccine Covid-19, bạn sẽ không nhiễm virus gây bệnh này ngay. Với vaccine Covid-19 loại tiêm hai mũi như hiện nay, sau mũi đầu ít nhất 15 ngày, chúng ta mới có kháng thể. Hiệu quả sẽ đạt cao sau khi hoàn thành 2 mũi (sau mũi thứ 2 khoảng 1 tháng). Hiệu quả bảo vệ của từng vaccine khác nhau, ở mỗi người được tiêm cũng khác nhau. Người sinh miễn dịch tốt thì hiệu quả tốt và ngược lại.
Việc có cần tiêm nhắc lại tùy thuộc các loại vaccine. Chẳng hạn, vaccine sởi cần một lần là có miễn dịch suốt đời, không mắc bệnh. Những loại phải tiêm nhiều lần và cần nhắc lại như bạch cầu, ho gà, uốn ván (3-4 mũi tiêm). Vaccine Covid-19 trên thế giới đang phổ biến tiêm 2 liều. Việc tồn tại kháng thể trong bao lâu, sinh miễn dịch bền vững hay không thì chưa có câu trả lời.
- Việc tiêm vaccine liệu có đảm bảo chúng ta không nhiễm SARS-CoV-2?
- Vấn đề này hiện chưa rõ. Thực tế qua việc tiêm vaccine Covid-19 trên thế giới cho thấy có sự giảm triệu chứng khi mắc bệnh rõ rệt. Việc giảm nguy cơ lây bệnh, kháng thể có thể tồn tại trong cơ thể bao lâu thì vẫn chưa có kết luận rõ ràng, còn tùy vào loại vaccine và các báo cáo cũng khác nhau. Bởi các vaccine đều được sản xuất dưới dạng khẩn cấp. Tuy nhiên, về cơ bản, các báo cáo vẫn cho thấy vaccine Covid-19 có tác dụng nên chúng vẫn được tiêm.
- Điều đó có nghĩa tiêm vaccine Covid-19 không phải là “bùa hộ mệnh” của bạn trước dịch Covid-19?
- Tất nhiên, chúng ta vẫn phải thực hiện các biện pháp khác. Kể cả trên thế giới, các quốc gia vẫn kêu gọi phòng bệnh cá nhân. Đặc biệt, Israel đã tiêm được vaccine Covid-19 cho 50% dân số nhưng họ vẫn kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Đó là chưa kể tới việc xuất hiện biến chủng có thể vô hiệu hóa vaccine.
- Theo ông, đâu mới là biện pháp phòng dịch cần nhất hiện nay?
- Vẫn là các biện pháp xuyên suốt từ đầu dịch tới nay là phải áp dụng ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Chiến lược đó vẫn phải kiên trì. Người dân phải thực hiện 5K. Tôi cho rằng đeo khẩu trang luôn rất quan trọng. Trong thời gian qua, Việt Nam chưa có vaccine nhưng chúng ta vẫn chiến thắng đại dịch.
- Ông đánh giá tình hình dịch tại nước ta hiện nay ra sao?
- Đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn nguy cơ cao. Gần đây, một số nước có nguy cơ cao ở châu Mỹ, châu Âu lại tăng số mắc và tử vong sau thời gian tạm giảm. Điều đó có nghĩa nguy cơ chưa hề giảm. Đồng nghĩa Việt Nam vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch. Vừa rồi các ổ dịch đều ghi nhận chủng nCoV mới, chắc chắc thông qua nhập cảnh vào Việt Nam. Dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia chống dịch tốt với nguồn lực hạn chế song khi thế giới chưa khống chế được Covid-19, chúng ta chưa thể yên tâm. Bên cạnh đó, chúng ta đồng thời thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nên nguy cơ vẫn còn cao.
Vấn đề là chúng ta phải làm sao để khi có thì phát hiện, dập dịch ngay, để chỉ như đốm lửa, đừng thành đám cháy. Qua đợt dịch ở Hải Dương, tôi thấy mừng vì năng lực chống dịch của các địa phương đã tăng. Đặc biệt, thái độ, sự cảnh giác của người dân đã khác trước rất nhiều. Trước đây, khi khống chế các ổ dịch xong, người dân gần như quay về trạng thái “bình thường cũ” chứ không phải mới. Nhưng đến nay, ý thức của họ đã khác. Các cơ quan, chính quyền cũng vậy, đi đôi với xử phạt quyết liệt.
- Với sự xuất hiện nhiều biến chủng của SARS-CoV-2, liệu chúng có đang dần thuần hóa hơn?
- Sự biến chủng của virus là bình thường. Ngay cả SARS-CoV-2 cũng có biến chủng nhiều lần, vừa qua, chúng ta quan tâm vì chủng của Anh và Nam Phi gây lây lan nhanh hơn. Biến chủng có thể làm bệnh nặng hoặc nhẹ hơn. Virus gây đại dịch cúm trước đây giờ đã trở thành cúm mùa. Song với SARS-CoV-2, hiện tại mới ghi nhận biến chủng gây tình trạng lây lan nhanh hơn. Đó là lý do phải tiêm vaccine.
- Hải Dương đã kết thúc giãn cách. Địa phương này có nên chuẩn bị kịch bản trong tình hình mới?
- Tôi nghĩ việc phòng, chống Covid-19 của Hải Dương hoàn toàn không được lơ là. Vì ổ dịch vừa kết thúc, chuyển sang tình hình mới trên trạng thái nguy cơ vì có thể vẫn còn ca bệnh “lẩn khuẩn” trong cộng đồng hoặc người dân hứng khởi quá bỏ qua các biện pháp phòng dịch.
Vừa qua, Hải Dương bị ảnh hưởng rất lớn, giờ quay lại thực hiện mục tiêu kép. Họ cần đánh giá nguy cơ tới tận huyện, xã. Địa bàn nào còn nguy cơ cao thì vẫn thực hiện phong tỏa, giãn cách. Chỗ nào không có nguy cơ thì bỏ giãn cách để người dân làm ăn kinh tế. Tôi nghĩ có thể đổi phương thức cách ly như cho phép làm gì, không cho phép làm gì, cũng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt phải rõ ràng để mọi người biết và thực hiện nghiêm.