Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Chiến lang 2’ và ‘Điệp vụ Biển Đỏ’: Đánh xa để dọa gần

Chỉ chưa đầy nửa năm, 2 bộ phim cùng phô diễn sức mạnh của quân đội Trung Quốc và tinh thần sô vanh hiếu chiến lần lượt lập kỷ lục doanh thu cao nhất và nhì từ trước đến nay.

Trailer bộ phim 'Điệp vụ Biển Đỏ' Tác phẩm hành động - giật gân tiếp theo của đạo diễn Lâm Siêu Hiền sau "Operation Mekong" (Điệp vụ Tam Giác Vàng).

Từ Chiến lang 2 đến Điệp vụ Biển Đỏ, có thể thấy Trung Quốc đã biến điện ảnh thành một cỗ máy tuyên truyền hiệu quả cho tinh thần Đại Hán, thứ “quyền lực mềm” mà Bắc Kinh muốn quảng bá. Hai bộ phim này cũng cho thấy sức mạnh quân sự Trung Quốc ở phạm vi quốc tế chứ không chỉ thu hẹp trong khu vực.

Phải chăng, Trung Quốc đang sử dụng chiêu thức “đánh xa để dọa gần”?

Không phải ngẫu nhiên mà hai bộ phim ăn khách kỷ lục của điện ảnh nước này là Chiến lang 2 Điệp vụ biển Đỏ đều lấy bối cảnh ở châu Phi, dù là câu chuyện hư cấu (Chiến lang 2) hay dựa vào sự kiện có thật (Điệp vụ biển Đỏ).

Hơn một thập niên qua, Trung Quốc đổ tiền đầu tư rất lớn vào châu Phi. Giới quan sát quốc tế đánh giá Bắc Kinh đã đi trước Mỹ một bước trong việc phát huy ảnh hưởng tại châu Phi, khiến Washington trở tay không kịp.

Đầu năm 2016, Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti tại địa điểm gần trại Lemonnier, một tiền đồn của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định căn cứ quân sự này sẽ cho phép quân đội nước này hoàn thành tốt hơn các sứ mệnh hộ tống, chống cướp biển, đóng góp mới cho hòa bình và ổn định khu vực.

Đó là lý do Chiến lang 2 đến Điệp vụ Biển Đỏ đều lấy bối cảnh ở châu lục này. Thậm chí bộ phim sau còn được Bộ Quốc phòng Trung Quốc đặt hàng để sản xuất. 

Khi điện ảnh thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc

Sau khi khẳng định sức mạnh kinh tế và chính trị, Trung Quốc quyết dùng mặt trận văn hóa để quảng bá “quyền lực mềm” khắp thế giới. Nhưng đó là một bài toán không hề dễ dàng với họ. Thị trường điện ảnh Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và vươn lên đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Bắc Mỹ, thậm chí được dự đoán sẽ vượt Bắc Mỹ trong vòng 5 năm tới.

Nền điện ảnh nước này đầu tư rất nhiều tiền của để xây dựng trường quay, mua lại các hãng phim của Mỹ, gửi đạo diễn sang Hollywood học tập kinh nghiệm và mời gọi các ngôi sao Hollywood sang Trung Quốc để đóng phim.

Diep vu bien do anh 1
Chiến lang 2 của Ngô Kinh không khác mấy phim hành động hạng B của Mỹ, nhưng tuyên truyền sống sượng. 

Cái tên mà điện ảnh Trung Quốc kỳ vọng hơn cả để “xuất khẩu văn hóa” là Trương Nghệ Mưu, vị đạo diễn kiệt xuất của thế hệ thứ 5 từng giúp điện ảnh Trung Quốc tỏa sáng tại các LHP hàng đầu châu Âu.

Tuy nhiên, Kim Lăng thập tam hoaVạn lý Trường Thành, hai bộ phim “bom tấn” của Trương Nghệ Mưu được đầu tư kinh phí lớn, có sự tham gia của các ngôi sao hàng đầu Hollywood như Christian Bale đến Matt Damon, đều không thành công như mong đợi và hoàn toàn thất bại khi trình chiếu ở các nước khác.

Giới phê bình của nước này cũng không ngần ngại chỉ trích đây là những bộ phim “rác rưởi” và bán rẻ tên tuổi của đạo diễn Trương Nghệ Mưu hay Trần Khải Ca, những bậc thầy mà họ từng ca tụng.

Thị trường điện ảnh nội địa tăng tốc như vũ bão, nhưng trở thành “sân sau” của Hollywood với những bộ phim bom tấn cháy nổ ồn ào kiểu Transformers hay Fast and Furious thu hàng trăm triệu USD, thậm chí còn cao hơn cả nơi sản sinh ra chúng.

Các bộ phim nội địa ăn khách cũng chủ yếu là những tác phẩm hài, chọc cười “mua vui một vài trống canh” như Mỹ nhân ngư của Châu Tinh Trì hay Lost in Thailand, Thám tử phố Hoa...

Giữa lúc nền điện ảnh Trung Quốc đang khao khát một thần tượng kiểu mới thì Chiến lang 2 của Ngô Kinh xuất hiện. Nền điện ảnh nước này như được bơm một liều doping cực mạnh. Trong vòng chưa đầy một tháng, Chiến lang 2 thu về hơn 850 triệu USD tại thị trường nội địa.

Kịch bản và phong cách của Chiến lang 2 khá giống với những bộ phim hành động hạng B của Hollywood vài thập niên trước. Nó bất chấp tính logic và chiều sâu của kịch bản, chỉ cần “mãn nhãn” với những màn hành động liên tục hay những cảnh đối đầu và cận chiến dữ dội.

Và tất nhiên, sự mãn nhãn đó được thể hiện bằng những cảnh hành động “non-stop”, kích động “adrenaline” của người xem, từ những màn đấu súng, rượt xe, đấu tay đôi dữ dội đến những cảnh phô diễn sức mạnh của quân đội Trung Quốc như tàu chiến, máy bay, xe tăng, tên lửa tầm xa...

Khoe khoang sức mạnh quân đội Trung Quốc

Các nhân vật trong Chiến lang 2 không ngần ngại đưa ra những tuyên bố khoe khoang sức mạnh của quân đội Trung Quốc. Bộ phim cũng xây dựng hình ảnh quân đội Trung Quốc hoàn toàn mới mẻ, trở thành những anh hùng kiểu mới, tham gia vào các vụ giải quyết khủng hoảng chính trị quốc tế, bảo vệ bác sĩ không biên giới, bảo vệ công dân, giải cứu con tin...

Diep vu bien do anh 2
Hình ảnh lá cờ Trung Quốc trong Chiến lang 2. 

Khi cuộc nội chiến nổ ra ở một đất nước châu Phi, châu lục mà Trung Quốc đầu tư kinh tế rất lớn, Đại sứ quán Trung Quốc không chỉ mở cửa cho công dân nước mình mà còn nhiều người dân châu Phi vào trú ẩn, với lời trấn an của viên quan chức ngoại giao: “Trung Quốc và châu Phi là bạn bè ”.

Tinh thần dân tộc và cỗ máy tuyên truyền cho sức mạnh của Trung Quốc còn được thể hiện qua câu tagline (chủ đề) của bộ phim với sự hiếu chiến và đe dọa.

“Bất cứ kẻ nào dám khiêu chiến với Trung Quốc cũng đều bị tiêu diệt, cho dù mục tiêu có xa tới tận đâu”, Chiến lang 2 khẳng định vậy, dù đây chỉ là một bộ phim hư cấu chứ không dựa theo một sự kiện có thật nào.

Phần đề từ ở đoạn kết, bộ phim không quên lồng thêm một câu slogan lộ liễu: “Công dân Trung Quốc, khi bạn gặp nguy hiểm ở nước ngoài, đừng bỏ cuộc. Hãy nhớ có một tổ quốc lớn mạnh ở đằng sau bạn”. Kèm theo đó là hình ảnh đoàn xe của Lãnh Phong an toàn đi qua khu vực nội chiến với lá cờ Trung Quốc tung bay trước gió.

Một người hùng đơn độc kiểu mình đồng da sắt, kiểu gì cũng không chết của Lãnh Phong trong Chiến lang 2 đích thị là hình ảnh của Rambo do ngôi sao Sylvester Stallone thể hiện trong những năm 80.

Những bộ phim hành động cuồng loạn bất chấp mọi logic, chỉ để sướng mắt của Sylvester Stallone, người đảm nhận cả bốn vai trò: biên kịch, đạo diễn, diễn viên chính và sản xuất đang được Ngô Kinh lặp lại với Chiến lang 2 sau hơn 30 năm.

Điểm khác biệt là nó có thêm cỗ máy tuyên truyền khá sống sượng của quân đội Trung Quốc đằng sau hay những màn phô diễn sức mạnh của vũ khí hiện đại mà Rambo những năm 80 không thể có được.

Hình ảnh người Trung Quốc, vốn luôn bị phim Hollywood “bóp méo” theo kiểu yếu ớt, gian xảo hoặc tội phạm, cũng được Ngô Kinh “phục hồi” trở thành những người hùng mạnh mẽ và kiêu hãnh. Còn quân đội của Trung Quốc có thể “giải cứu khủng hoảng chính trị” mang tầm thế giới.

Tiếp tục phô trương sức mạnh Đại Hán

Chỉ chưa đầy 6 tháng sau Chiến lang 2, điện ảnh Trung Quốc lại được kích thêm một liều “doping” mới với công thức gần như tương tự: Điệp vụ Biển Đỏ. Ra mắt trong mùa phim Tết vừa qua, Điệp vụ Biển Đỏ hoàn toàn không hợp khẩu vị phim Tết theo kiểu truyền thống của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Điệp vụ Biển Đỏ trở thành bộ phim chiếu Tết ăn khách nhất mọi thời tại Trung Quốc và đứng thứ nhì bảng tổng sắp doanh thu nước này, chỉ sau Chiến lang 2.

Diep vu bien do anh 3
Điệp vụ Biển Đỏ khoe khoang sức mạnh của quân đội Trung Quốc. 

Dù có công thức và bối cảnh gần như tương tự Chiến lang 2 (diễn ra ở châu Phi), Điệp vụ Biển Đỏ dựa theo một sự kiện có thật chứ không hoàn toàn hư cấu như bộ phim của Ngô Kinh. Có lẽ vì thế mà tính “thuyết phục” của bộ phim cũng cao hơn đối với khán giả nước này, dù sức hấp dẫn có thể không bằng.

Bộ phim này được quay vào tháng 2/2017, sau thành công của phần 1 (Chiến dịch Mekong) và trước thời điểm phát hành của Chiến lang 2 gần nửa năm, nên không thể nói nó ăn theo thành công của Chiến lang 2.

Cả hai đều phô diễn sức mạnh của quân đội, đặc biệt là hải quân Trung Quốc. Điều đó cho thấy có một cuộc “bắt tay ngầm” và hoàn toàn có tính toán giữa Bộ Quốc phòng và điện ảnh nước này.  

Điệp vụ Biển Đỏ của đạo diễn Lâm Siêu Hiền (Dante Lam) theo chân biệt đội Giao Long của Hải quân Trung Quốc. 20 phút đầu của bộ phim gần như là một màn phô diễn quân sự khi biệt đội Giao Long giải cứu một tàu hàng trước bọn cướp biển Somali.

Sau chiến dịch đó, bọn họ tiếp tục được giao một nhiệm vụ khó khăn hơn: sơ tán 225 người nước ngoài và hơn 600 công dân Trung Quốc bị mắc kẹt tại cảng Aden, miền nam Yemen, khi cuộc nội chiến tại quốc gia châu Phi nổ ra hồi 2015.

Họ phải đối mặt với quân phiến loạn và bọn khủng bố để ngăn chặn bọn chúng chiếm nguồn nguyên liệu hạt nhân và chế tạo bom bẩn.

Dù là một bộ phim giải trí, Điệp vụ Biển Đỏ “gánh” một sứ mệnh cao cả khi được trình chiếu cho khán giả nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa cũng như Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nó cũng được xem là “bộ phim hải quân hiện đại đầu tiên” của Trung Quốc. Với những “sứ mệnh” đó, Điệp vụ Biển Đỏ được đầu tư kinh phí khá lớn, lên đến 70 triệu USD (cao hơn gấp đôi Chiến lang 2) và vượt trội với hầu hết phim Hoa ngữ.

Phim có dàn diễn viên tạo được tin cậy như Trương Hàm Dư, Trương Dịch, Hải Thanh, Hoàng Cảnh Du, Đỗ Giang và số lượng trang thiết bị quân sự khổng lồ do Bộ quốc phòng nước này hỗ trợ. Được quay gần như hoàn toàn tại Morocco, phim sử dụng thêm các diễn viên quần chúng địa phương và có nhiều bối cảnh rộng lớn như sa mạc, cảng biển, khu quân sự...

Chiến dịch biển Đỏ cũng xào nấu nhiều “chất liệu” của dòng phim hành động cháy nổ vốn đã được Chiến lang 2 sử dụng như khủng hoảng chính trị, nội chiến, bắt cóc con tin... Trong phim, nhiều vũ khí quân sự được triển khai như máy bay trực thăng, máy bay không người lái, tàu chiến, tàu ngầm, xe tăng, điện thoại thông minh x-ray, súng bắn tỉa, bom, tên lửa đối không...

Các cảnh hành động được thực hiện gần như xuyên suốt trong hơn 2/3 thời lượng của phim với những pha cận chiến nguy hiểm và nhịp độ kích thích adrenaline của người xem.

Đánh xa mà dọa gần

Nếu Chiến lang 2 khiến khán giả hình dung đến hình ảnh anh hùng “mình đồng da sắt” kiểu Rambo của Sylvester Stallone thì Chiến dịch Biển Đỏ khiến người xem nhớ tới Black Hawn Dawn (2001) của đạo diễn Ridley Scott hay Tears of the Sun (2003) của đạo diễn Antoine Fuqua, những phim mượn sự kiện xung đột chính trị có thật ở châu Phi.

Tuy nhiên, nếu các bộ phim của Hollywood mang tính giải trí là chủ yếu thì Chiến dịch Biển Đỏ tham vọng thể hiện mục đích chính trị không giấu diếm. Điều đó khiến nó trở nên lên gân một cách quá lố hoặc tuyên truyền quá lộ liễu với những câu thoại nực cười hay những hình ảnh không ăn nhập như đoạn “vĩ thanh” cuối phim.

Diep vu bien do anh 4
Điệp vụ Biển Đỏ bị chính báo Hong Kong South China Morning Post chỉ trích là hiếu chiến.

Trong Điệp vụ Biển Đỏ, quân đội Trung Quốc phô diễn sức mạnh không chỉ hải quân mà còn cả không quân, lục quân. Nhiệm vụ của họ rất cao cả kiểu “giải cứu không sót một kiều dân của Trung Quốc nào tại vùng nội chiến và đưa về nước an toàn”.

Câu slogan của họ vang như chuông đồng không kém Chiến lang 2: “Chinh phục nỗi sợ, chinh phục tất cả”. Những quân nhân của Trung Quốc, từ nam đến nữ đều rất mạnh mẽ kiểu “mình đồng da sắt”, sẵn sàng “vung kiếm sắc để nghênh chiến” trước kẻ thù.

Đoạn cuối phim, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 4 thành viên của nhóm Giao Long còn nhảy dù từ máy bay trực thăng, lọt vào tận khu vực trao đổi “bánh vàng” giữa bọn khủng bố Zaka và quân phiến loạn để thực hiện một “phi vụ” chưa được cấp trên chấp thuận.

Bốn thành viên này được xây dựng như những “siêu anh hùng” của Marvel, tả xung hữu đột giữa kẻ thù có quân số cao hơn nhiều lần, bắt sống thủ lĩnh nhóm khủng bố, lấy được công thức bom bẩn, dùng tên lửa đối không tiêu diệt một máy bay trực thăng của địch...

Phim kết thúc với hình ảnh vinh danh những người lính đã ngã xuống vì chiến dịch Biển Đỏ và không quên thêm phần vĩ thanh “không liên quan” ở phần “credit”. Đó là cảnh tàu hải quân Trung Quốc “xua đuổi” một con tàu không rõ nguồn gốc trên Biển Đông. Điệp vụ biển Đỏ “đánh xa mà dọa gần” là vậy.

Sau thành công vang dội của Chiến lang 2, Ngô Kinh đã bắt tay thực hiện Chiến lang 3. Sau thành công lớn của Điệp vụ biển Đỏ, ai dám bảo Lâm Siêu Hiền không tiếp tục hợp tác với quân đội Trung Quốc để tiếp tục thực hiện thêm tập tiếp theo “dựa trên sự kiện có thật” theo kiểu phô trương sức mạnh và tuyên truyền kệch cỡm như thế?

Đoạn phim Trung Quốc tuyên truyền 'chủ quyền' Biển Đông lọt ra rạp VN?

Sau khi chiêu đãi khán giả hàng loạt pha hành động mãn nhãn, “Điệp vụ Biển Đỏ” bỗng trở thành tác phẩm tuyên truyền kệch cỡm ở khoảng vài phút cuối phim.

Phim 'Điệp vụ Biển Đỏ' bị dừng chiếu

Nhà phát hành CGV xác nhận họ sẽ cho ngừng chiếu Operation Red Sea - Điệp vụ Biển Đỏ trên toàn quốc từ tối 24/3 vì lý do vắng khách và muốn tập trung cho các tác phẩm khác.




Lê Hồng Lâm

Bạn có thể quan tâm